Nghị lực của Vy

Mẹ cờ bạc, nợ nần rồi bỏ nhà đi biệt tích, 4 cô con gái nhỏ chỉ còn cha là chỗ dựa duy nhất. Vậy mà, cha cũng bị bệnh hiểm nghèo và mất. Mấy năm qua, 4 chị em bơ vơ giữa dòng đời, không có tài sản gì đáng giá để có thể làm vốn cho cuộc sống.

Gia cảnh bĩ cực, khó khăn trăm bề nhưng nhờ được sự bao bọc, che chở, giúp đỡ của người cô và các mạnh thường quân, cùng với ý chí, nghị lực, người chị lớn học rất giỏi, trúng tuyển Trường Đại học Bách khoa TP.HCM.

Thu Vy tranh thủ đi làm thêm ở cơ sở may gia công kiếm thêm tiền để trang trải cuộc sống

Tuổi thơ buồn

Trong căn nhà tạm, nhỏ chừng vài chục mét vuông, nằm sâu trong con hẻm quanh co ở khu phố 4, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, 4 chị em gái lần lượt được sinh ra. Như bao gia đình khác, Nguyễn Thị Thu Vy (SN 2005), Nguyễn Thị Thu Cẩm (SN 2007), Nguyễn Thị Thu Quyền (SN 2012) và Nguyễn Thị Thu Giàu (SN 2013) cũng có một mái ấm gia đình, đủ cha và mẹ.

Nhưng rồi, nụ cười và sự ngây thơ, hồn nhiên của 4 chị em tắt dần khi trong căn nhà ấy ngày càng có nhiều tiếng cãi vã, xung đột giữa cha và mẹ. “Ngày ấy, vì mẹ sa đà vào cờ bạc. Cha can ngăn, khuyên nhủ rất nhiều nhưng mẹ không dứt ra được. Cứ thế, tài sản ngày càng kiệt quệ theo. Cuối cùng, mẹ vay nợ tùm lum của người ta. Rồi một ngày trong năm 2019, mẹ bỏ đi biệt tích” - Vy sụt sùi kể về nỗi đau của gia đình.

Có thông tin, những năm qua, mẹ Vy đang sống cùng người đàn ông khác, cách 4 chị em không xa. Nhưng các em cũng không mấy bận tâm.

“Thật khó để tụi em nhớ nhung, tha thứ hay chờ đợi người mẹ đã dứt bỏ cả gia đình để ra đi, chưa một lần trở lại hay liên lạc. Ký ức về mẹ chỉ là nỗi buồn mà thôi!” - Vy trải lòng.

Kể từ ngày mẹ bỏ đi, người cha Nguyễn Hồng Sơn “gà trống” nuôi 4 con gái. Hàng ngày, khi trời còn tờ mờ sáng, ông Sơn chạy xe máy lên TP.HCM làm thợ sơn để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Cuộc sống vất vả, khó khăn nhưng 4 đứa con rất hiểu chuyện, ngoan ngoãn, học tập siêng năng.

Nhiều đêm khuya thức giấc, nhìn thấy cha ngồi trước thềm hút thuốc lá với tâm trạng ưu tư, lo lắng, 2 đứa con gái lớn độ tuổi trăng tròn nhận thức được những chật vật trong cuộc sống, lại ứa nước mắt. Biết hoàn cảnh gia đình nghèo khó, nhiều lần, các em xin nghỉ học nhưng cha nhất quyết không đồng ý.

Thương cha, các em tự nhủ với lòng sau này sẽ báo hiếu thật nhiều. Nhưng điều đó không bao giờ đến, bởi sau đó không lâu, năm 2021, ông Sơn mắc bệnh hiểm nghèo, qua đời ở tuổi 45.

Cha mất, mẹ bỏ đi, 4 chị em Nguyễn Thị Thu Vy sống nương tựa vào nhau

Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, ông Sơn không yên lòng vì còn nặng gánh lo, day dứt về 4 đứa con gái bé bỏng sẽ ra sao? Cầm chặt tay người chị gái tuổi ngoài ngũ thập, ông Sơn trăng trối, gửi gắm nhờ chăm sóc, nuôi dạy các con thơ.

Ba ngày trong đám tang, hàng xóm, láng giềng đến chia buồn không thể kìm được nước mắt khi nhìn 4 cô con gái thơ dại. “Tội nghiệp, còn quá nhỏ nhưng phải bơ vơ giữa đời. Tụi nhỏ rồi sẽ ra sao?” - nhiều người đã thốt lên như vậy.

Biết hoàn cảnh 4 bé gái, anh Nguyễn Lê Duy và chị Đỗ Thị Thoại Yến sinh sống ở các xã lân cận tìm đến động viên, chia sẻ. Anh Duy, chị Yến còn vận động các mạnh thường quân giúp đỡ 50 triệu đồng để các em lo đám tang cho cha.

Cha mất, căn nhà nhỏ còn 4 chị em với nỗi buồn vời vợi. Những lúc trời mưa gió, đau bệnh, các em sợ lắm vì không có người lớn bên cạnh. Mọi thứ mất phương hướng. “Có những đêm khuya tỉnh giấc, nghe đứa em út ngủ mớ gọi cha, em càng thêm quặn lòng. Sau nhiều lần như thế, tụi em tự động viên nhau phải mạnh mẽ lên” - Vy buồn bã kể.

Nghỉ học để lo cho chị và hai em đến trường

Sau vài tháng ông Sơn qua đời, mảnh đất nhỏ mấy chục mét vuông - nơi các em đang sinh sống phải bán để trả khoản nợ trăm triệu đồng của gia đình. Bốn chị em chuyển sang ở với cô sáu (chị gái của ông Sơn), cạnh bên nhà cũ. Cô sáu hiện ngoài 50 tuổi, làm lao công, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng luôn coi các em như con ruột.

“Cô sáu vẫn hay nói sẽ cố gắng chăm lo cho tụi em, mong sau này tụi em có cuộc sống tốt hơn. Đó cũng là điều cô tự nhắc lòng để thực hiện lời hứa với cha em” - Vy xúc động kể.

Sang ở với cô sáu, 4 đứa trẻ luôn hiểu chuyện, bảo ban nhau, chẳng bao giờ làm người lớn phật lòng. Thấy gia đình cô khó khăn, phải cưu mang 4 chị em nên sau nhiều lần trăn trở, suy nghĩ, em Nguyễn Thị Thu Cẩm quyết định nghỉ học khi vừa hết lớp 9.

“Nếu cả 4 chị em đi học sẽ rất tốn kém. Hơn nữa, em biết sức học của mình không tốt, trong khi chị gái học rất giỏi, nếu nghỉ thì tiếc lắm! Vì vậy, em nghỉ học để đi làm kiếm tiền lo cho chị gái và 2 em đến trường” - Thu Cẩm thổ lộ. Khi đưa ra quyết định này, em đã trò chuyện và động viên chị gái đừng buồn mà hãy tiếp tục học tập để sau này có tương lai tốt đẹp.

Quyết định đó của Thu Cẩm làm nhiều người bất ngờ nhưng cũng dễ thấu hiểu trong điều kiện, hoàn cảnh như vậy. Đó là đứa trẻ chín chắn, biết suy nghĩ.

“Má nuôi” Đỗ Thị Thoại Yến ( giữa) đồng hành, giúp đỡ các em trong lúc khó khăn

Sống cách đó khoảng 3km, chị Đỗ Thị Thoại Yến, làm nghề may gia công rèm cửa biết rõ hoàn cảnh và nỗi mất mát của các em nên thường xuyên đến thăm, động viên tinh thần và hỗ trợ vật chất. Chị còn vận động mạnh thường quân giúp đỡ, hỗ trợ các em trang trải trong học tập.

Bỗng một ngày, mấy đứa nhỏ gọi chị Yến là “má nuôi”. Trong giây phút bất ngờ, khóe mắt chị cay cay, ướt mi, xúc động không nói nên lời. Từ hôm ấy, chị nhắc bản thân phải quan tâm, yêu thương, giúp đỡ mấy đứa trẻ.

Có gì ngon, chị cũng để dành cho bọn trẻ, thỉnh thoảng lại mua cho bộ đồ mới. Biết 4 đứa thiệt thòi tình cảm nên chị thường tranh thủ sắp xếp thời gian đưa đi chơi, uống trà sữa. Bốn đứa nhỏ và 2 đứa con ruột của chị ngày càng trở nên thân thiết như anh, chị em.

Ngày Vy học xong lớp 12, làm lễ trưởng thành, dù đang cùng chồng đi lắp rèm cửa cho khách cách đó hàng chục kilômét nhưng “má nuôi” vẫn sắp xếp đến dự cùng em. Vy đã khóc vì xúc động trước tình cảm ấm áp ấy.

Chị gái Nguyễn Thị Thu Vy (bên phải) và em gái Nguyễn Thị Thu Cẩm cùng may gia công rèm cửa để kiếm thu nhập

Riêng em Thu Cẩm, sau khi nghỉ học được chị Yến đưa sang nhà dạy làm thợ may rèm cửa. Sau thời gian học, hiện Thu Cẩm là 1 trong 4 thợ may làm việc tại nhà của chị. Mỗi tháng, Thu Cẩm có thu nhập trên 4 triệu đồng để nuôi 2 em và chị gái đi học. Làm chung, chị Trần Ngọc Cười (41 tuổi) thường hỏi han, chuyện trò, động viên Thu Cẩm. “Con bé rất thật thà, ngoan ngoãn, lễ phép lại tốt tính và siêng năng” - chị Ngọc Cười khen.

Hãy giúp Vy viết tiếp ước mơ!

Dù gia đình gặp nhiều biến cố nhưng từ sự cưu mang của cô sáu và sự hỗ trợ, giúp đỡ của chị Yến, thầy cô, bạn bè ở Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức), nhất là em gái Thu Cẩm, Vy có thêm động lực để tiếp tục học tập.

Không có điều kiện học thêm nhưng Vy học rất giỏi, nhất là các môn Toán, Vật lý, Hóa học. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, nguyện vọng của Vy là trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa TP.HCM.

Trong thời gian chờ đợi kết quả, hàng ngày, Vy cùng em gái đến nhà chị Yến ở ấp 1, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức để phụ may gia công, kiếm thêm thu nhập lo cho mình và các em. Sau những ngày chờ đợi, kỳ vọng, em nhận được thông báo trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa TP.HCM.

Hôm nhận được thông báo trúng tuyển, Vy ôm các em và khóc vì vui. Thắp nén nhang lên bàn thờ, Vy báo kết quả với người cha đã mất.

“Khi còn sống, cha vẫn mong em học tập tốt để sau này có nghề nghiệp ổn định lo cho cuộc sống. Cha từng nói, khó khăn đến mấy vẫn cố gắng lao động lo cho em học hành tử tế. Nếu biết được em trúng tuyển đại học, chắc nơi chín suối, cha vui lắm!” - Vy nghẹn ngào.

Nghe tin Vy trúng tuyển đại học, nhiều người vui mừng cho cô bé giàu nghị lực và hy vọng sau này, cô bé sẽ có một tương lai tươi sáng, là chỗ dựa vững chắc cho các em.

Vy chia sẻ, ngành mà em trúng tuyển Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM là Kỹ thuật - điện tử - viễn thông - tự động hóa. Đây chính là mong muốn và sở thích của em. “Từ nhỏ, em thích thú trước sự vi diệu của máy móc, khoa học - kỹ thuật” - Vy tâm sự.

Chỉ còn ít ngày nữa, nếu không có gì thay đổi, Vy sẽ lên trường nhập học, trở thành tân sinh viên. Nhưng xen lẫn niềm vui, Vy còn nhiều lo âu. Tiền đâu để đóng học phí, để sinh sống trong những ngày học tập ở TP.HCM? Bao trăn trở, suy tư hiện rõ trong đôi mắt phía sau cặp kính cận của cô gái ham học.

Đã mấy lần, Vy nói với “má nuôi”, cô sáu và các em: “Hay là không đi học đại học mà xin đi làm công nhân kiếm tiền”. Không đành lòng để Vy mất cơ hội, chị Yến hứa sẽ cố gắng giúp em chi phí học tập. Chị chủ động liên hệ, tìm kiếm mạnh thường quân giúp đỡ, hỗ trợ Vy.

Biết rõ trường hợp này, anh Nguyễn Lê Duy (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức), thành viên của một nhóm thiện nguyện ở địa phương đã đăng tải lên mạng xã hội về hoàn cảnh của 4 chị em gái, qua đó, kêu gọi giúp đỡ Vy tiếp tục hành trình học đại học. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ với anh Nguyễn Lê Duy theo số điện thoại cá nhân 0968.222.236 hoặc số điện thoại của chị Yến 083.964.7917.

Với Vy bây giờ, được tiếp tục đi học đại học là niềm hạnh phúc, chứ không mong muốn gì cao hơn. Vy dự định, nếu có điều kiện lên TP.HCM học, em sẽ xin đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống, học hành. “Em sẽ luôn cố gắng thật nhiều để không phụ lòng những người đã yêu thương, hỗ trợ” - Vy xúc động nói.

2 em gái nhỏ đón 2 chị đi làm về

Chiều muộn của những ngày cuối tháng 8, trong con hẻm nhỏ ở thị trấn Bến Lức, 2 bé gái Nguyễn Thị Thu Quyền và Nguyễn Thị Thu Giàu chạy ra đón chị Thu Vy và Thu Cẩm đi làm gia công rèm cửa trở về. Đứa em nhỏ hỏi mấy ngày nữa chị hai Thu Vy đi học ở Sài Gòn?.../.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nghi-luc-cua-vy-a161861.html