Nghỉ lễ 30/4 dưới góc nhìn sinh viên: Không chỉ là 'ngày về quê'

Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, sinh viên hầu hết các trường đều được nghỉ học 4 ngày (từ ngày 30/4 đến hết 3/5). Không ít bạn trẻ lựa chọn về quê thăm gia đình, song cũng có nhiều bạn xem đây là dịp ý nghĩa để ghé thăm những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử, biết ơn các thế hệ đi trước và càng thêm trân quý những ngày tháng thời bình, dành thời gian cho bạn bè và những người thân yêu.

Ngày mang đậm dấu ấn lịch sử

Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4 là dấu ấn cực kì quan trọng, là mốc son rực rỡ đánh dấu sự kiện chấm dứt kháng chiến chống Mỹ cứu nước - ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đào Dương Phụng (Phú Yên), sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại, trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM.

Theo Đào Dương Phụng (Phú Yên): "Là thế hệ trẻ, chúng ta phải nhớ ơn và phát huy hết sức để đóng góp đến quê hương, đất nước, để không phụ kỳ vọng mà cha ông đã để lại."

Đào Dương Phụng (Phú Yên), sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại, trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM chia sẻ: “Đối với mình (và chắc là tất cả mọi người) thì đây là một ngày rất ý nghĩa của dân tộc ta, ngày mà 47 năm trước nước ta chính thức thống nhất sau hơn 20 năm chia cắt. Và để có được ngày ấy thì cha ông ta đã hy sinh biết nhường nào, vượt bao gian nan hiểm nguy, bao xương máu đã đổ xuống để có được Việt Nam tươi đẹp, hòa bình ngày hôm nay. Là thế hệ trẻ, chúng ta phải nhớ ơn và phát huy hết sức để đóng góp cho quê hương, đất nước, để không phụ kỳ vọng của cha ông.”

Dương Phụng tham gia "Chương trình sinh hoạt chuyên đề về nguồn năm 2022 tại khu di tích lịch sử Minh Đam".

Với suy nghĩ đó, Dương Phụng luôn không ngừng phấn đấu, nhiều lần đạt Học bổng khuyến khích học tập ở trường, tích cực tham gia các câu lạc bộ. Mới đây, chàng trai cũng đã có dịp về nguồn tại di tích lịch sử núi Minh Đạm - Bà Rịa Vũng Tàu. Chàng trai trẻ cảm thấy, chỉ khi thực sự đi đến các di tích lịch sử chúng ta mới cảm nhận được phần nào những tháng ngày nhuốm màu lịch sử để càng thêm trân trọng hiện tại và phấn đấu cho tương lai.

Ngày của sự biết ơn thời bình

Trần Thị Diễm My (Vũng Tàu) - sinh viên khoa Kiến trúc Nội thất trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.

Nhắc đến ngày này, Trần Thị Diễm My (Vũng Tàu) - sinh viên khoa Kiến trúc Nội thất trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Không ai có thể quên được thời khắc lịch sử vĩ đại, hình ảnh lá cờ tung bay trên nóc Dinh Độc Lập là giai điệu hào hùng cách mạng. Thật biết ơn những chiến sĩ, những người lính cụ Hồ đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Bắc Nam, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Từ đó mang lại hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc cho đất nước, nhân dân. Sống trong thời bình nhưng tự đáy lòng mình, luôn chan chứa một niềm tự hào mãnh liệt, sự khâm phục và lòng biết ơn sâu sắc.”

Trần Thị Diễm My (Vũng Tàu) - sinh viên khoa Kiến trúc Nội thất trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.

Mọi năm, Diễm My đều tranh thủ thời gian về nhà, bên cạnh bố mẹ hay đọc vài cuốn sách còn dang dở khi ở thành phố. Có lẽ dịp nghỉ lễ này sẽ đặc biệt hơn cả vì với sở thích thích chụp ảnh, thăm thú nên Diễm My dự định sẽ ghé thăm các di tích cách mạng mà trước đây bản thân chưa có thời gian ghé đến hay chỉ mới xem trên mạng. “Sống ở Sài Gòn cũng khá là ngột ngạt, nên nếu có thời gian về nhà thường thì mình cũng thích đạp xe lòng vòng biển, tận hưởng nạp thêm năng lượng để sống khỏe, tích cực hơn,… và tận hưởng không khí bình yên của thời bình.” - Diễm My bảy tỏ.

Trần Thị Diễm My (Vũng Tàu) dự định sẽ ghé thăm các di tích cách mạng mà trước đây bản thân chưa có thời gian ghé đến hay chỉ mới xem trên mạng.

Ngày để trân trọng hơn những người thân yêu

Với Lê Nhật Nam (Cà Mau) - sinh viên ngành Quản trị Marketing của trường Đại học Anh Quốc Việt Nam thì những ngày lễ không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là dịp dành thời gian cho bản thân và những người xung quanh.

Lê Nhật Nam (Cà Mau) - sinh viên ngành Quản trị Marketing của trường Đại học Anh Quốc Việt Nam.

Nhật Nam bộc bạch: “Thật ra thì từ lúc vào đại học, em ít khi phân biệt các dịp lễ bởi càng lớn thì em càng có được nhiều mối quan hệ hơn, nhiều bạn bè hơn. Vậy nên thay vì chỉ ở nhà một mình như hồi cấp ba thì năm nay em có thể đi chơi, đi ăn cùng mọi người và tận hưởng những khoảnh khắc bên bạn bè của mình.

Lê Nhật Nam (Cà Mau) - sinh viên ngành Quản trị Marketing của trường Đại học Anh Quốc Việt Nam.

Chàng trai trẻ Lê Nhật Nam cho rằng, dù làm gì hay ở đâu thì điều quan trọng nhất vẫn là thực sự hạnh phúc với các mối quan hệ xung quanh của mình.

Có thể thấy, dịp 30/4 đối với mỗi người trẻ lại mang một ý nghĩa khác nhau, một kế hoạch khác nhau chứ không đơn thuần chỉ là một kỳ nghỉ về thăm nhà hay những chuyến đi chơi xa. Mặc dù thế hệ trẻ sinh ra trong thời bình nên khó có thể cảm nhận được hết nỗi đau thương mất mát đã qua, nhưng chúng ta luôn có quyền được tự hào về trang sử vẻ vang này, đồng thời ý thức được trách nhiệm của bản thân để giữ gìn truyền thống và góp công sức xây dựng, phát triển đất nước.

Uyên Nhã

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nghi-le-30-4-duoi-goc-nhin-sinh-vien-khong-chi-la-ngay-ve-que-post1434923.tpo