Nghị định số 32/2024/NĐ-CP: Tạo hành lang pháp lý phát triển công nghiệp

Sáng 23/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và kết nối với 63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.

Sáng 23/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Sự kiện do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì và được kết nối với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Nguyễn Văn Thịnh- Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho hay, với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương đã tham mưu, nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý, phát triển cụm công nghiệp; trong đó, phải kể đến Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP đã gặp vướng mắc, khó khăn do chưa đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, pháp luật Đất đai, … và một số nội dung, quy định của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP về phương án phát triển cụm công nghiệp; điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển … cũng cần được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung lại cho phù hợp với yêu cầu quản lý cụm công nghiệp và các yêu cầu mới.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, hợp tác xã là tổ chức đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, vừa đảm bảo pháp Luật Đất đai và phát triển kinh tế tư nhân. Ở những vùng kinh tế-xã hội khó khăn sẽ triển khai các chính sách tài khóa để hỗ trợ. Đây là nội dung lớn của Nghị định số 32 so với Nghị định số 68.

Ngoài những điểm nhấn trên, bên cạnh quy định chung, Nghị định số 32 quy định ngành, nghề sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp để các địa phương áp dụng ưu tiên trong quá trình thực hiện. Về phương án phát triển, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, tại Mục 1, Chương II, Nghị định quy định cụ thể cơ sở xây dựng, nội dung chủ yếu của

Phương án phát triển cụm công nghiệp; xây dựng, tích hợp phương án phát triển cụm công nghiệp vào quy hoạch tỉnh; cơ sở, nội dung chủ yếu của điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp; xây dựng, tích hợp điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp vào điều chỉnh quy hoạch tỉnh. Mục 2, Chương II quy định cụ thể các điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; trình tự thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; nội dung thẩm định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; nội dung chủ yếu của quyết định thành lập, quyết định mở rộng cụm công nghiệp; điều chỉnh, bãi bỏ quyết định thành lập, quyết định mở rộng cụm công nghiệp.

Về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, Chương này quy định về việc xác định chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; trình tự đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của cụm công nghiệp; quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp; quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích; quyền của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp, Nghị định số 32 quy định cụ thể về tiếp nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp; thuê đất, cấp giấy phép xây dựng trong cụm công nghiệp; quyền của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh...

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho hay, Nghị định số 32 được ban hành đã hoàn thiện đáng kể chính sách về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, trong đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thành lập mới cụm công nghiệp. Nghị định số 32 có điểm mới rất quan trọng khi quy định mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp là doanh nghiệp, hợp tác xã mà không giao trung tâm phát triển cụm công nghiệp hoặc đơn vị công lập là chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, để việc triển khai Nghị định số 32 thuận lợi, Bộ Công Thương nên sớm có hướng dẫn thực hiện.

Theo ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định, ngay sau khi Nghị định số 32 được ban hành, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định số 32; kế hoạch thực hiện Phương án phát triển cụm công nghiệp; phương án xử lý cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định cố 105/2009/QĐ- TTg; ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp tỉnh…

Để thực hiện thành công Nghị định số 32, từ thực tế địa phương, ông Ngô Văn Tổng cho rằng, việc quy hoạch cụm công nghiệp cần lưu ý mỗi cụm công nghiệp có quy mô từ 50-75 ha nhằm tận dụng lợi thế về diện tích đất đai, thu hút nhà đầu tư làm chủ đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư thứ cấp. Trong phát triển cụm công nghiệp cần làm rõ hiện trạng đất đai, hạn chế sử dụng đất lúa và diện tích có nhiều hộ dân sinh sống nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Tăng kết nối hạ tầng giao thông, hạn chế tốc độ đô thị hóa tại khu vực gần cụm công nghiệp, tránh vấn đề ô nhiễm môi trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thảo luận, các ý kiến đều nhận định Nghị định 32 đã góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, tạo hành lang pháp lý phát triển công nghiệp; nâng cao công tác quản lý nhà nước; tạo điều kiện cho các ngành nghề thủ công, tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn...

Mặc dù đã có Nghị định song cũng phải nhìn nhận rằng có nhiều vấn đề liên quan đến các bộ, ngành không thể gói gọn trong một văn bản. Do đó, trong quá trình triển khai có thể sẽ phát sinh vấn đề mới, sẽ cùng nhau bàn bạc thảo luận xem xét giải quyết. Để triển khai Nghị quyết có hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn và các chương trình, cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển, bảo đảm phù hợp với các quy định tại Nghị định số 32 và quy định khác có liên quan của Nhà nước.

Ngoài ra, các đơn vị phải hoàn thành xử lý dứt điểm trước ngày 31/12/2026 theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định này đối với việc thành lập cụm công nghiệp có trong Phương án phát triển cụm công nghiệp thuộc Quy hoạch tỉnh, được hình thành trước Quyết định số 105 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo kết quả xử lý về Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Bộ trưởng cũng yêu cầu các Sở Công Thương được giao làm đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị liên quan, chủ động tham mưu UBND cấp tỉnh về công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung, quy định của Nghị định 32; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước tại địa phương; đề xuất kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền và có báo cáo theo quy định.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nghi-dinh-so-32-2024-nd-cp-tao-hanh-lang-phap-ly-phat-trien-cong-nghiep/330855.html