Nghị định 99/2022/NĐ-CP: Khắc phục nhiều khó khăn trong giao dịch bảo đảm

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa triển khai phổ biến những nội dung mới của Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm. Quy định mới đã khắc được nhiều vấn đề tồn tại trước đây, nhưng các chuyên gia cho rằng, thực tế thực hiện nghiệp vụ này rất phức tạp nên các ngân hàng vẫn phải rất cẩn trọng tuân thủ quy định đầy đủ và nhất quán để hạn chế tối đa rủi ro.

Nhiều nội dung mới đang triển khai trên thực tế

Nghị định 99/2022/NĐ-CP (Nghị định 99) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2023 và đây là thời điểm các ngân hàng tập trung triển khai trên thực tế. Theo đánh giá của VNBA, đây là một hoạt động quan trọng nhằm đồng nhất cách thức thực hiện trên toàn quốc, vì hiện nay vẫn còn có những cách làm không đồng nhất giữa các địa phương, có nơi vẫn sử dụng các mẫu biểu cũ.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm – Bộ Tư pháp, Nghị định 99 đã có sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác liên quan; thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoạt động của cơ quan đăng ký và hệ thống đăng ký. Ngoài ra, các quy định mới cũng đã khắc phục những vướng mắc, bất cập, đồng thời nắm bắt, bao quát được những vấn đề mới, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn và trong quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Thực hiện đúng các quy trình thủ tục, là yếu tố cần thiết giúp ngân hàng hạn chế các rủi ro, khiếu kiện.

Thực hiện đúng các quy trình thủ tục, là yếu tố cần thiết giúp ngân hàng hạn chế các rủi ro, khiếu kiện.

Một trong những điểm mới được đề cập trong Nghị định là tách bạch rõ ràng hơn trách nhiệm của người yêu cầu đăng ký với trách nhiệm của cơ quan đăng ký; đồng thời xác định rõ ràng hơn những trường hợp cơ quan đăng ký không phải chịu trách nhiệm trong việc thực hiện đăng ký. Nghị định cũng bổ sung nguyên tắc đăng ký đối với trường hợp bảo đảm nghĩa vụ của người khác hoặc đồng thời bảo đảm nghĩa vụ của bên bảo đảm và của người khác; bổ sung nguyên tắc cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm theo yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo sự thuận lợi trong việc xác định chủ thể cho từng trường hợp nộp hồ sơ đăng ký, Nghị định 99 cũng đã quy định rõ ràng, cụ thể hơn diện người yêu cầu đăng ký; tách bạch người yêu cầu đăng ký trong từng trường hợp đăng ký cụ thể (đăng ký biện pháp bảo đảm, đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký, xóa đăng ký, đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm…).

Tuân thủ tốt để hạn chế rủi ro cho ngân hàng

Mặc dù văn bản pháp lý cho giao dịch bảo đảm đã khá rõ ràng, nhưng theo đánh giá của VNBA, hoạt động cấp tín dụng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do đó, các biện pháp bảo đảm được áp dụng tương đối phổ biến để phòng ngừa và dự phòng rủi ro.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, biện pháp bảo đảm không phải là điều kiện bắt buộc khi cấp tín dụng, nhưng là một trong các yếu tố quan trọng để tổ chức tín dụng đánh giá, quyết định cấp tín dụng cho khách hàng. Vì vậy, các tổ chức tín dụng thường yêu cầu người vay phải có tài sản bảo đảm cho số tiền vay.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký VNBA cho biết, những nội dung mới tại Nghị định 99 sẽ tác động tích cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, góp phần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm.

Một số lưu ý về thời điểm hiệu lực của giao dịch bảo đảm

Việc đăng ký thay đổi không làm thay đổi thời điểm có hiệu lực hoặc không làm chấm dứt hiệu lực của đăng ký, trừ trường hợp bổ sung tài sản bảo đảm hoặc bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm thì thời điểm có hiệu lực đối với phần nội dung được thay đổi là thời điểm cơ quan đăng ký ghi, cập nhật nội dung thay đổi vào sổ đăng ký hoặc vào cơ sở dữ liệu. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì việc đăng ký đối với nghĩa vụ tiếp theo không làm thay đổi hoặc không làm chấm dứt hiệu lực của đăng ký đối với nghĩa vụ đã được đăng ký trước đó. Trường hợp việc đăng ký đã bị hủy nhưng sau đó được khôi phục thì thời điểm có hiệu lực và thời hạn có hiệu lực của đăng ký trước khi bị hủy không thay đổi hoặc không chấm dứt.

Mặc dù vậy, rủi ro vẫn có thể xảy ra nếu các ngân hàng không thực hiện đúng các quy trình thủ tục, do đó, việc thực hiện đúng và đủ theo quy định là yếu tố cần thiết giúp ngân hàng có thể hạn chế các rủi ro, khiếu kiện có thể xảy ra về sau. Ông Hùng cho biết, VNBA cũng đã thông báo toàn bộ các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành phố để phổ biến rộng rãi cho toàn bộ các ngân hàng trên các địa bàn trên cả nước.

Đặc biệt, một trong những loại tài sản có ảnh hưởng lớn trong đăng ký giao dịch bảo đảm là quyền sử dụng đất. Về vấn đề này, bà Phạm Thị Thịnh - Đại diện Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, việc đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải đảm bảo nội dung được kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký phù hợp với thông tin trên giấy chứng nhận, thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký. Trường hợp đăng ký để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác hoặc đồng thời để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm và của người khác thì bên bảo đảm phải là người có quyền sử dụng đất hoặc là chủ sở hữu tài sản được dùng để bảo đảm.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nghi-dinh-992022nd-cp-khac-phuc-nhieu-kho-khan-trong-giao-dich-bao-dam-121577.html