Nghĩ cạnh dòng sông Thạch Hãn

Sinh ra ở đâu, mà ai cũng anh hùng?Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông...Trong một lần chuyện trò với người bạn đến từ miền cực Bắc của Tổ quốc xung quanh Lễ hội Vì Hòa bình dự kiến sẽ diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vào năm 2024, tôi đã lấy hai câu thơ trong bài thơ 'Những dòng sông' của nhà thơ Bế Kiến Quốc để bắt đầu một câu chuyện kể về dòng Thạch Hãn quê tôi bên Di tích Thành Cổ Quảng Trị, một địa điểm góp thêm âm hưởng tráng ca trong giai điệu hòa bình của 'đất lửa' Quảng Trị, một dòng sông anh hùng của miền đất anh hùng.

Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn -Ảnh: Đ.T

Tìm “không gian văn hóa” cho Lễ hội Vì Hòa bình

Bạn có đề nghị tôi thử phác thảo một lễ hội mà chỉ mới nghe đến tên thôi, đã tạo một cảm giác xúc động và ám ảnh bởi duy trì sự sống, khát vọng hòa bình có giá trị phổ quát, mang tầm nhân loại, vì nhân loại.

Trong một nỗ lực và quyết tâm lớn, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”. Theo dự kiến, Lễ hội Vì Hòa bình được khai mạc vào tối 6/7/2024, tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với chương trình nghệ thuật đa sắc thái chuyển tải thông điệp về khát khao hòa bình và tinh thần hội nhập của Việt Nam mà trọng tâm là mảnh đất Quảng Trị, với trầm tích lịch sử, con người thân thiện, nền văn hóa độc đáo.

Tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, chương trình “Ước nguyện hòa bình” dự kiến sẽ diễn ra vào tối 26/7/2024 với lễ dâng hoa, dâng hương, thả hoa đăng, cầu nguyện. Đặc biệt, tiếng chuông cầu nguyện hòa bình tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị sẽ diễn ra đồng thời cùng các hoạt động tri ân tại tất cả các nghĩa trang, bia tưởng niệm, nhà thờ... trên địa bàn tỉnh và có thể kết nối với các địa danh liên quan đến chủ đề vì hòa bình trên thế giới.

Trong hình dung của chúng tôi, Lễ hội Vì Hòa bình dự kiến tổ chức vào năm 2024, sông Thạch Hãn chảy ngang qua Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị sẽ được chọn là một trong những điểm nhấn, gánh vác sức nặng biểu đạt khát vọng vì hòa bình của người dân Quảng Trị, người dân Việt Nam đến với bạn bè năm châu với chương trình “Ước nguyện hòa bình”, như Lễ hội “Thống nhất non sông” đã từng lấy điểm nhấn là dòng sông Bến Hải với những chi tiết sáng tạo, sinh động, mới mẻ. Dâng “đất thiêng” hai đầu Tổ quốc là Lạng Sơn và Cà Mau lên Kỳ đài Hiền Lương; hòa các bầu nước lấy từ đầu nguồn Pắc Bó, Cao Bằng và cuối dòng Hậu Giang vào dòng sông Bến Hải; tiếp nhận đá chủ quyền và trồng cây bàng vuông Trường Sa tại Khu di tích Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải...Tất cả đã hòa quyện, thăng hoa trong một không gian linh thiêng, hào hùng nhằm tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử và thể hiện khát vọng thống nhất của dân tộc, khát vọng hòa bình của nhân loại ngay tại nơi bị chia cắt đau thương nhất hơn 20 năm ròng ngang mình đất Việt.

Sinh thời, nhà văn Xuân Đức đã từng lưu ý rằng, một lễ hội văn hóa phải đặt trong một không gian văn hóa, phải trở thành một phần của không gian văn hóa đó. Một lễ hội cách mạng phải gắn với một địa chỉ, một di tích lịch sử mà tự bản thân nó đã từng cuốn hút sự hướng đến của cộng đồng. Nói theo phạm trù văn hóa thì phải tôn vinh giá trị phi vật thể ngay ở những nơi tọa lạc di sản vật thể. Khi địa chỉ đó được tổ chức thành hoạt động lễ hội thì càng thu hút sự quan tâm của du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Vì lẽ đó, Lễ hội Vì Hòa bình sẽ được khai mạc tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải là sự lựa chọn đúng đắn. Bên cạnh đó, không gian đôi bờ Thạch Hãn và Di tích Thành Cổ Quảng Trị cũng sẽ đóng góp một phần quan trọng, chuyển tải nội dung về khát vọng hòa bình, làm phong phú, sâu sắc thêm nội dung của lễ hội.

Tác phẩm điêu khắc về người chiến sĩ giải phóng quân trong Khu di tích Thành Cổ Quảng Trị -Ảnh: Đ.T

Theo kinh nghiệm của các nhà tổ chức lễ hội cách mạng từng tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với du khách gần xa những năm qua trên địa bàn Quảng Trị, muốn tổ chức thành công các lễ hội cách mạng và nâng cao tính giáo dục cho cộng đồng, cần phối hợp chặt chẽ với tổng thể các hoạt động của xã hội. Đối với Lễ hội Vì Hòa bình, không thể tách rời các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ và người dân yêu nước đã hy sinh vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc; kết hợp với quảng bá tiềm năng, thế mạnh của mảnh đất và sự hòa hiếu, thủy chung, mến khách của người dân Quảng Trị gắn với thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Với những yếu tố này, Đôi bờ Hiền Lương Bến Hải là địa điểm lý tưởng để triển khai tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình. Tại địa bàn thị xã Quảng Trị và vùng phụ cận cũng có những đóng góp vào việc thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển du lịch gắn với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Một lưu ý nữa là chúng ta thường nói đến việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một trong những nguyên nhân quan trọng để làm nên chiến thắng, đất nước thống nhất, hòa bình. Trong Lễ hội Vì Hòa bình, nội dung này cần được thể hiện đúng mức, đúng tầm vóc vốn có để đạt đến tầm nhân văn, tầm thời đại và tầm nhân loại cùng chung một khát vọng hòa bình.

Cần làm mới kịch bản bằng sự sáng tạo không ngừng

Có thể khẳng định, kịch bản một lễ hội là một sản phẩm văn hóa luôn sáng tạo, đổi mới nhưng vẫn phải có những yếu tố cố định thì mới tạo nên nội hàm riêng của từng cuộc lễ hội. Lễ hội Vì Hòa bình, lẽ tất nhiên nội dung kịch bản phải hướng đến tôn vinh giá trị của hòa bình, khát vọng hòa bình của Nhân dân Việt Nam và nhân loại. Vậy nhưng, để tránh lặp lại những nội dung mà các lễ hội cách mạng trước đây đã từng thể hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, cần làm mới kịch bản bằng sự sáng tạo không ngừng.

Bên cạnh Lễ hội Vì Hòa bình được khai mạc tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với chương trình nghệ thuật đặc sắc chuyển tải thông điệp về khát khao hòa bình và tinh thần hội nhập của Việt Nam mà trọng tâm là mảnh đất Quảng Trị, một trong những điểm nhấn làm sâu sắc thêm ý nghĩa của lễ hội là xây dựng một cốt chuyện gắn với một không gian cụ thể. Ở đây xin lấy ví dụ về câu chuyện “tài hoa ra trận” gắn với dòng sông Thạch Hãn và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972.

Mùa hè năm 1972 là những ngày nóng bỏng nhất trên mặt trận Quảng Trị. Trong một phạm vi nhỏ hẹp của Thành Cổ, hàng ngàn tấn bom đạn đã dội xuống, đến một viên gạch cũng không còn nguyên vẹn. Vậy mà các chiến sĩ Thành Cổ vẫn bám trụ chiến đấu đến cùng. Lớp này ngã xuống, lớp sau tiếp tục chiếm lĩnh trận địa với ý chí: “Tim còn đập thì Thành Cổ không thể mất”. Và các anh đã làm nên một trong những huyền thoại hào hùng nhất của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Có thể nói, trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, chưa một nơi nào, đất được giữ bằng một cái giá đắt như nơi đây và chưa một dòng sông nào, nước lại hòa quyện nhiều máu như dòng Thạch Hãn. Đến với Thành Cổ và dòng Thạch Hãn, khát vọng sống, khát vọng hòa bình lại sống dậy và thôi thúc chúng ta hơn nơi nào hết trên Trái đất này...

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ trong ghi chép: “Có tuổi hai mươi thành sóng nước” đăng trên An ninh Thế giới cuối tháng 6/2005 có thuật lại câu chuyện xúc động về một chiến sĩ Thành Cổ quả cảm Lê Văn Ninh. Ninh là sinh viên Khoa Hóa của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, như bao chàng trai khác thời bấy giờ, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh xếp bút nghiên vào chiến trường tháng 9/1971.

Là một phóng viên của TTXVN, ông Lê Văn Lâm, bố của Ninh ngày nào cũng tìm trên từng trang báo mong nhìn thấy con mình. Tháng 11/1972, TTXVN nhận một loạt phim gửi ra từ chiến trường Quảng Trị. Khi tráng phim, anh em kỹ thuật kêu lên: “Ninh, con trai của ông Lâm đây rồi”. Ông tức tốc chạy đến bên bàn xem kỹ bức ảnh và đọc thuộc dòng chú thích: “Lê Văn Ninh, quản lý Phân đội 4 khu giải phóng, chiến dấu dũng cảm, diệt 45 tên lính thủy đánh bộ, một mình giữ vững mũi chốt phía Đông Bắc Thành Cổ Quảng Trị”. Đó là bức ảnh Ninh cầm chắc khẩu B41 tì lên công sự bên Thành Cổ, hướng nòng súng về phía địch một cách chăm chú, có chút căng thẳng nhưng vẫn giữ được vẻ bình tĩnh của một dũng sĩ chốt Thành Cổ.

Sau 4 tháng vào chiến trường, gia đình nhận được 11 lá thư của Ninh. Lá thư cuối cùng đề ngày 15/7/1972 và qua tháng 8 rồi tháng 9, gia đình không nhận được thư anh cho đến ngày Quảng Trị giải phóng. Ngày 18/11/1973, ông Lâm và một số đồng nghiệp có chuyến công tác Quảng Trị. Ông ghé qua cầu Hiền Lương, vào những vùng giải phóng như Gio Linh, Cam Lộ, qua Đông Hà, Cửa Việt đến Triệu Phong...

Ông vào nhà dân có bộ đội ở, gặp anh em bộ đội dọc đường, hỏi từng người một nhưng không ai hay. Cho đến một ngày, Lưu Quang Thái, một người bạn học cùng Trường Đại học Bách khoa với Ninh đã không giấu được sự thật khi viết thư gửi cho bố bạn: “Từ tháng 9 đến nay, cháu nhận được nhiều thư của gia đình bác gửi vào cho Ninh nhưng cháu không dám viết thư trả lời vì sợ làm đau lòng hai bác. Nhưng đến hôm nay 27/3/1973, nhận được lá thư bác gửi cho Ninh từ 18/2, cháu gạt nước mắt báo tin cho bác, đồng chí Ninh đã hy sinh anh dũng vào ngày 2/9/1972 trong cuộc đọ sức giành bằng được cầu Sắt Thạch Hãn của ta. Chúng cháu đã mai táng đồng chí gần ngã ba Đống Đá trong Thành Cổ...”.

Năm 1974, gia đình ông Lâm mới nhận được giấy báo tử. Và từ đó, năm nào ông cũng vào Quảng Trị tìm mộ con. Dấu chân ông nhẵn lối hai bờ Thạch Hãn, hỏi từng nhà dân trong quá trình đào móng xây nhà nhưng vẫn không có tin tức gì... Ông hỏi sông, để giá như có được một giấc mơ, nhưng câu trả lời là những ngày hè nối tiếp nhau nhìn nước sông trong vắt với những con sóng lững lờ nổi lên những chùm hoa trắng của hòa bình, của phút yên lặng tưởng niệm những ngày dài bom lửa...

Nhà báo lão thành Hữu Thọ trong một lần trả lời phỏng vấn nhà báo Hồng Thanh Quang vào tháng 6/2005 đã bộc bạch về một sự hy sinh vô bờ bến cho Tổ quốc mà chưa phải ai cũng cảm nhận được. Đó là trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta đã có chủ trương giữ lại hai lớp người cho sự nghiệp xây dựng lại đất nước trong tương lai, đó là công nhân và trí thức. Nên những năm đó, chúng ta huy động rất ít công nhân và trí thức vào chiến trường vì chúng ta nghĩ hai lớp người này tối cần thiết để làm cốt cán cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thế nhưng, từ năm 1972 trở đi, chúng ta đã buộc huy động cả từng khoa của Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa rồi một loạt trí thức tốt nghiệp đại học vào chiến trường. Đọc những trang nhật ký để lại của lớp chiến sĩ trí thức đó, chúng ta mới thấy, những năm ấy, chúng ta đã phải hiến tất cả tinh lực đất nước cho cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nói ra tất cả những điều đó để thấy rằng, cuộc chiến đấu của chúng ta là đáng giá, đau đớn và vẻ vang. Vì chúng ta đã phải đối mặt với một kẻ thù không chỉ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” mà còn thông minh, hiện đại...Và chúng ta đã thắng trong cuộc chiến tranh đó...

Tất cả những người tâm huyết với “miền đất thiêng” đang gửi gắm nhiều kỳ vọng Lễ hội Vì Hòa bình sẽ cắm rễ sâu vào cuộc sống, trở thành một phần của đời sống xã hội và có sức lan tỏa mạnh mẽ, để Quảng Trị luôn là “nơi muốn đến, chốn mong về” của người dân trong nước và bạn bè quốc tế gần xa.

Đào Tâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/nghi-canh-dong-song-thach-han/183414.htm