Nghèo giữa vùng tre luồng... lớn nhất Việt Nam (Bài 1): Sự thật về 'cây xóa nghèo'

Thiên nhiên 'ưu ái' cho Thanh Hóa một vùng đất phía Tây rộng lớn và màu mỡ với thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho phát triển các cây họ tre như giang, luồng, vầu, nứa (gọi chung là 'tre luồng'). Với hơn 78.000 ha, Thanh Hóa là địa phương có diện tích tre luồng lớn nhất, chiếm tới 50% diện tích luồng cả nước. Sống giữa vùng nguyên liệu khổng lồ đầy tiềm năng khi nhà nhà trồng tre luồng, nhưng đa phần các hộ dân vẫn đời nối đời quẩn quanh trong nghèo khó...

Tuy giá trị kinh tế còn thấp, nhưng cây luồng vẫn là nguồn thu chính của đồng bào các dân tộc ở xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa). Ảnh: P.V

Từ lâu, ngành nông nghiệp và nhiều huyện miền núi của Thanh Hóa vẫn “mặc định” tre luồng chính là cây “xóa đói, giảm nghèo”. Cây luồng còn được “đặc ân” đóng vai trò cho cả “cần câu” và “con cá” trong lộ trình thoát nghèo của những chủ đồi rừng...

Có diện tích luồng trên đồi Pom Pâu cách trở bởi dòng sông Luồng quanh năm chảy xiết, mỗi lần thu hoạch luồng, vợ chồng chị Hà Thị Toàn ở bản Bút Xuân, xã Nam Xuân (Quan Hóa) phải thuê thêm người để vác từng cây xuống chân đồi, sau đó mới đóng bè để đưa qua sông ra đường lớn.

Nếu trừ đi công thuê người, mỗi cây luồng chỉ bán được 5.000 đồng, cây to và đẹp nhất cũng chỉ được 10.000 đồng. Những người chuyên đi vận chuyển luồng thuê trong bản như anh Hà Văn Nhung cũng được tính công 800 đồng mỗi cây, 1 ngày lao động có khi chưa kiếm nổi 100.000 đồng. Kể cả không cách trở sông Luồng và suối Bút, đa phần diện tích luồng trong bản đều phân bố trên các đồi trùng điệp xa đường lớn nên việc khai thác và vận chuyển phải thực hiện thủ công khó khăn mà không hiệu quả.

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Thanh Hóa cùng huyện Quan Hóa đã hỗ trợ người dân mở được một số đường lâm sinh nên máy kéo vào được chân rừng, địa phương có thêm một số ít diện tích luồng được “giải phóng” khỏi sự cô lập. Ở bản Bút bên cạnh, trong tổng số 890 ha diện tích tự nhiên, có 553 ha luồng tập trung. Toàn bộ 106 hộ với 470 nhân khẩu trong bản đều sống lệ thuộc vào cây luồng và một ít diện tích lúa nước. Gia đình ít cũng hơn 1 ha, nhiều thì 5 - 7 ha, nhưng chưa có ai giàu lên từ luồng. Có diện tích luồng trung bình trong bản, nhưng gia đình ông Lương Văn Ên nhiều năm vẫn mãi là hộ nghèo. Hay gia đình ông Hà Văn Quân cứ loay hoay không thoát khỏi diện cận nghèo.

Theo bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Hà Công Chức: “Tuy thương lái đã vào tận bản để mua thường xuyên nhưng đầu ra cây luồng vẫn bấp bênh, phụ thuộc. Chỉ một phần luồng đẹp được thương lái mua theo cây, còn lại phải bán theo kg với giá có khi xuống còn 5.000 đồng/kg. Tất cả các hộ đang sinh sống giữa rừng luồng trù phú, nhưng bản vẫn còn 11 hộ nghèo, 35 hộ cận nghèo. Một số hộ khá giả là do có hướng làm ăn khác hoặc có người đi làm ăn xa chứ chưa thể giàu lên nhờ luồng”.

Thống kê từ UBND xã Nam Xuân, có 97% trong tổng số 2.563 hộ dân trong xã có diện tích luồng với tổng số hơn 2.000 ha. Gia đình ít cũng một vài ha, nhiều thì 9- 10 ha, nhưng thu nhập bình quân đầu người của xã hiện mới đạt hơn 23 triệu đồng/người/năm.

Thu hoạch luồng theo phương thức đốn chặt thủ công tại bản Chăm, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa. Ảnh: P.V

Chủ tịch UBND xã Nam Xuân - ông Hà Văn Ngoãn cũng thừa nhận, đời sống kinh tế của đồng bào nơi đây phụ thuộc vào trồng luồng và chăn nuôi nhỏ lẻ nên chưa tạo đột phá. Mỗi khi cần tiền đi đám, đóng học cho con hay việc phát sinh, các hộ thường chặt mươi cây luồng đem bán để giải quyết khâu túng thiếu trước mắt. Nhìn chung, cây luồng mới đáp ứng được vai trò “xóa đói” là chính. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn trên 21%, chưa kể số hộ cận nghèo còn lớn hơn...

Toàn huyện miền núi Quan Hóa, diện tích rừng luồng do người dân phát triển đã lên gần 28.000 ha, chưa kể khoảng 7.000 ha luồng và tre - nứa - vầu hỗn giao thuộc đất của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông quản lý. Đây chính là địa phương có diện tích luồng lớn nhất tỉnh Thanh với hơn 40% diện tích, tương đương khoảng 20% diện tích luồng cả nước.

Là huyện rất rộng với tổng diện tích tự nhiên lên tới gần 100.000 ha như Quan Hóa, nhưng cây luồng đã “phủ” khắp nơi. Ngay tại thị trấn Hồi Xuân đến những xã vùng sâu cách trung tâm huyện hơn 50 cây số như Hiền Kiệt, Trung Thành, Trung Sơn, Thành Sơn, cây luồng hầu như bao quanh từng nóc nhà, con ngõ và mọi diện tích thôn bản. Diện tích luồng lớn đã góp phần đưa diện tích che phủ rừng toàn huyện đến thời điểm hiện tại đạt hơn 84%.

Tuy nhiên, do đầu ra của cây luồng bấp bênh, giá thấp và nhiều nguyên nhân khác, người trồng luồng ở đây đa phần vẫn gắn với 2 từ: túng và nghèo. Ông Lê Văn Nam, phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Hóa cho rằng, hầu hết các hộ dân trên địa bàn huyện đều ít nhiều có diện tích luồng, trừ một bộ phận rất nhỏ là giáo viên và cán bộ người miền xuôi lên lập nghiệp. Mỗi năm, toàn huyện khai thác khoảng 20 triệu cây luồng. Luồng Quan Hóa có chất lượng tốt, phổng phao hơn luồng của nhiều huyện trong tỉnh.

Ở giữa “thủ phủ” luồng của cả nước, nhưng theo thống kê từ UBND huyện Quan Hóa, đến nay trên địa bàn mới có 6 công ty, 6 HTX và gần 20 hộ cá thể đứng ra chế biến tre luồng. Sản phẩm chủ yếu là đũa tre dùng một lần, tăm hương và vàng mã nên giá trị không cao và cũng mới giải quyết một phần đầu ra cho cây luồng. Phần lớn luồng khai thác còn lại được đầu nậu thu mua đi các tỉnh phía Bắc làm giàn giáo, cọc trong xây dựng và... băm dăm bán nguyên liệu cho các nhà máy giấy. Theo đó, giá trị cây luồng trung bình toàn huyện chỉ dao động từ 15 đến 20 triệu đồng/ha/năm.

Theo chuẩn nghèo đa chiều, dự kiến đến cuối năm 2023, toàn huyện giảm theo lộ trình còn 2.500 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 23% số hộ toàn huyện, chưa tính số hộ cận nghèo còn lớn hơn nhiều. Con số đã nói lên được vai trò “xóa nghèo” của cây luồng đến đâu, bởi gần 100% hộ dân huyện Quan Hóa vẫn lệ thuộc vào cây trồng bản địa này.

Thuận lợi giao thông hơn nhiều và chỉ cách TP Thanh Hóa chưa đầy 2 giờ ô tô, nhưng giá trị tre luồng ở huyện miền núi Lang Chánh cũng không hơn Quan Hóa là bao. Khảo sát trên địa bàn nhiều xã thuộc vùng “Vua luồng Châu Lang” trứ danh theo truyền miệng, giá trị canh tác trung bình của tre luồng cũng chỉ đạt khoảng 20 triệu đồng/ha/năm. Đa phần người trồng luồng thu hoạch rải rác quanh năm, mỗi khi túng bấn thường khai thác dăm bảy đến một vài chục cây để bán. Có chăng gần đây, Lang Chánh thu hút được một nhà máy chế biến tre luồng khá hiện đại nên đầu ra sản phẩm dễ dàng hơn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, toàn tỉnh có hơn 78.000 ha rừng tre luồng. Các sản phẩm từ tre luồng Thanh Hóa thích hợp làm vật liệu xây dựng, ván ép, đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm dân dụng, tăm mành, đũa... Phế phẩm các sản phẩm này còn được tận dụng sản xuất giấy, vàng mã, đốt than hoạt tính, chiết xuất làm thuốc chữa bệnh... Qua khảo sát thực tế, có chăng vùng nứa và vầu của các xã vùng biên huyện Quan Sơn đáp ứng được tiêu chí “giảm nghèo” và bước đầu làm giàu cho một bộ phận hộ dân. Còn đa phần những vùng tre luồng khác đều có giá trị canh tác rất thấp, có nơi chỉ đạt trên dưới 10 triệu đồng/ha/năm.

Lê Đồng - Lê Hợi

Bài 2: “Vắt kiệt” rừng vàng.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/ngheo-giua-vung-tre-luong-lon-nhat-viet-nam-bai-1-su-that-ve-cay-xoa-ngheo/196903.htm