Nghề trống Đọi Tam trong lòng xứ Quảng

Theo chân những người thợ, nghề làm trống Đọi Tam có truyền thống lịch sử hàng nghìn năm gieo duyên, bén rễ ở Quảng Ngãi.

10 tuổi đã biết làm trống

Cứ vào tháng 6 Âm lịch hàng năm, ông Lê Thế Khánh (57 tuổi, làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) lại khăn gói lên đường vào Quảng Ngãi làm trống cùng người anh bà con là ông Nguyễn Quang Thắng (phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi).

Cơ sở làm trống của ông Nguyễn Quang Thắng. (Clip Hà Phương).

Ông Khánh đảm nhiệm công đoạn bưng trống. Căng miếng da trâu lên mặt trống, ông Khánh nhịp nhàng dùng chiếc đinh bấm chuyên dụng để cố định miếng da rồi tiến hành bắn đinh và dùng giá nâng để néo căng bề mặt.

Là người làng Đọi Tam, ông Lê Thế Khánh đã biết làm trống từ năm 10 tuổi (ảnh Hà Phương).

“Nghề làm trống ở quê tôi đã có cách đây cả nghìn năm. Thời trước, người làng dùng đinh tre, nhưng về sau này thay thế bằng đinh kim loại, tiện hơn, trống cũng ít nứt hơn. Trống có nhiều kích cỡ và giá tiền khác nhau, có cái chỉ vài trăm nghìn nhưng có vài triệu đồng. Trong năm, dịp Tết Trung thu thị trường tiêu thụ mạnh nhất, nên cứ trước đó vài tháng là tôi vào làm phụ với anh Thắng”, ông Khánh vừa làm vừa nói.

Ngưng tay giây lát để nhớ về quê hương và hồi tưởng thời thơ ấu, ông Khánh tự hào tiếp lời: “Ở Đọi Tam, con nít lên 10 tuổi đã biết làm trống, như tôi đây chẳng hạn. Nhiều em học sinh cấp hai, cấp ba ngoài giờ đến lớp còn ở nhà giúp gia đình làm rất nhiều loại trống như trống đế chèo, trống đình, trống trường học…”.

Theo lời ông Khánh, những người thợ trống Đọi Tam thường đi mua da trâu vào những ngày trời nắng, khi đem về phải phơi ngay, có như vậy tiếng trống mới ấm, vang xa. Quá trình bào da, những người thợ lành nghề nghề phải dồn hết tâm trí vào công việc. Nếu miếng da trâu dày hoặc mỏng hơn “tiêu chuẩn”, tiếng trống sẽ biến âm. Thế nên, trong cùng một trống cái, hai mặt trống sẽ cho âm thanh khác nhau.

Thân trống thường được làm bằng gỗ xoan, gỗ mít, cao cấp hơn là gỗ gõ. Đặc biệt, gỗ mít với tính năng không vênh và giữ tiếng tốt được xem là thích hợp nhất để làm trống. Gỗ càng già năm, trống càng rền tiếng. Cũng có khi cùng là trống chung kích cỡ, nhưng có cái rẻ, cái mắc, chủ yếu do chất lượng gỗ ở phần thân trống (tang trống).

Chiếc trống đã được thành hình (ảnh Hà Phương).

Gỗ sau khi xả ra, bào nhẵn thì được uống cong rồi đem phơi nắng để làm dăm trống. Công đoạn tiếp theo là ghép tang trống, các miếng dăm trống phải được ghép đều tăm tắp, sao cho không có kẽ hở, đây là bí quyết chỉ có người làng Đọi Tam mới nắm rõ.

Nghề làm trống nghe sơ qua tưởng dễ, tuy nhiên càng tìm hiểu vào sâu thì đó là cả quy trình phức tạp, đòi hỏi những người thợ phải có những bí quyết riêng được truyền từ đời này qua đời khác của một làng nghề.

Quy trình kỹ thuật làm trống được thực hiện kỹ lưỡng qua 3 khâu: làm da, làm tang và bưng trống. Khâu bưng trống là khó nhất. Nó không đơn giản chỉ là căng da trâu trên mặt trống rồi dùng đinh ghim cố định vào thân trống, mà người thợ còn phải khéo léo để căng mặt trống thật phẳng, cho âm thanh vang xa...

Người thợ dậm chân trên mặt trống (ảnh Hà Phương).

Đối với những trống lớn, ông Khánh lại leo lên mặt trống dậm chân liên tục, đảm bảo phần da ở mặt trống dãn đều, bền chắc trước khi xuất hàng. Trống Đọi Tam có âm vực riêng, nhất là tiếng trống cái, trống hội, bao giờ cũng trầm hùng, vang dội hơn trống do những nơi khác sản xuất.

Đất lành chim đậu

Hơn 30 năm mang nghề trống từ quê hương vào Quảng Ngãi lập nghiệp, ngấp nghé tuổi 60, ông Nguyễn Quang Thắng đã gầy dựng được thương hiệu của riêng mình và có một có sở sản xuất trống hoạt động ổn định. Từ cơ sở này, trống Đọi Tam tiếp tục được các bạn hàng trong và ngoài tỉnh chở đi tiêu thụ khắp nơi.

Ông Nguyễn Quang Thắng đã mang nghề trống Đọi Tam đến Quảng Ngãi hơn 30 năm (ảnh Hà Phương).

“Năm 1987, khi ấy tôi chỉ ngoài 20 tuổi, một mình từ làng Đọi Tam đi dọc các tỉnh miền Trung để làm trống dạo. Đình, chùa, hay bất cứ nơi nào cần làm trống, sửa trống, tôi đều đến. Sau đó tôi về quê cưới vợ quê, nhưng vẫn một mình vào trong đây làm ăn”, ông Thắng kể.

Lang thang khắp nơi, ông Thắng cuối cùng chọn Quảng Ngãi làm nơi dừng chân. Cơ sở làm trống được hình thành và dần dần phát triển ổn định.

“Đi đến nhiều nơi, gặp nhiều người, nhưng cuối cùng chọn Quảng Ngãi, con người ở đây thuần hậu, chất phác. Đất lành thì chim đậu, giai đoạn đầu, cũng có đôi chút khó khăn vì khác biệt vùng miền, nhưng chỉ thời gian ngắn thôi”, ông Thắng cười hiền.

Vài thập kỷ làm nghề ở Quảng Ngãi, ông Thắng không nhớ nổi mình đã làm ra bao nhiêu chiếc trống. Chỉ biết rằng, chiếc trống có kích cỡ lớn nhất chính tay ông tạo ra đang được dùng ở một cơ sở tôn giáo ở xã Hành Đức (huyện Nghĩa Hành) với đường kính 1,5m; chiều cao 1,7m.

Ông Thắng chọn Quảng Ngãi làm nơi dừng chân để phát triển nghề trống (ảnh Hà Phương).

Nhắc về làng Đọi Tam, ông Thắng kể một cách say sưa, đầy tự hào về làng nghề hàng nghìn năm tuổi, vang danh khắp nơi, gắn liền với bề dày văn hóa Việt.

Vị tổ nghề của làng trống Đọi Tam là ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản. Theo truyền thuyết, vào năm 986, được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, anh em cụ Năng và cụ Bản tự tay làm một cái trống to để đón Vua. Tiếng trống vang như sấm rền nên về sau hai ông được dân làng tôn là Trạng Sấm.

Nghề làm trống Đọi Tam nổi tiếng từ đó, được con cháu trong làng giữ gìn cho đến tận ngày nay. Từ nhỏ, bọn trẻ đã hiểu cách làm trống, chừng 15- 20 tuổi đã có thể tự làm. Các thế hệ cứ cha truyền con nối mà kế thừa nghề. Sau này, ở quê quá đông người làm, họ mang nghề này đi khắp nơi trong cả nước. Đến độ, cứ ở đâu làm trống là biết ngay con cháu làng Đọi Tam.

Trống được sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường Tết Trung thu (ảnh Hà Phương).

Trở lại câu chuyện đời mình, ông Thắng cho biết, khi công việc ổn định và thuận lợi, đến năm 2000, ông quyết định đưa cả gia đình ở Đọi Tam vào Quảng Ngãi để an cư. Các tháng trong năm, ông dành thời gian mua, sơ chế nguyên liệu để sẵn sàng cho “chính vụ” bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8 Âm lịch.

Vào độ này, cơ sở làm trống của ông Nguyễn Quang Thắng lại trở nên tất bật. Tiếng máy mài, gõ, đục, vỗ trống làm thủ công vang liên hồi, lấn át cả tiếng xe ngoài đường. Trong gia đình, mỗi người một công đoạn, hối hả sản xuất hơn hàng nghìn chiếc trống cung cấp cho thị trường dịp Tết Trung thu.

Phụ nữ đảm nhiệm việc tạo lỗ luồn dây mặt trống (ảnh Hà Phương).

"Sinh ra và lớn lên nơi làm trống lâu đời nên ai cũng biết làm nghề trống. Đàn ông làm mấy công đoạn nặng, phụ nữ thì làm việc nhẹ hơn như tạo hình mặt trống, tạo lỗ luồn dây,..", bà Phạm Thị Thông (vợ ông Thắng) nói.

Kính nghiệp và tuân thủ lệ làng, nên dù có 3 con nhưng ông Thắng chỉ truyền dạy nghề cho đứa con trai duy nhất là Nguyễn Ngọc Oai. Tại quê hương thứ hai này, nối nghiệp cha, hiện tại, anh Oai cũng đã mở được cơ sở sản xuất trống ở huyện Tư Nghĩa.

Trống Đọi Tam đã có "thương hiệu" ở Quảng Ngãi (ảnh Hà Phương).

Quảng Ngãi có rất ít các cơ sở làm trống, nhưng điều đặc biệt ở hầu hết các cơ sở đều có chủ là những thế hệ kế thừa đến từ làng nghề làm trống Đọi Tam. “Đất lành chim đậu”, họ đã mang cái nghề của tổ tiên tha hương lập nghiệp. Mỗi dịp Tết đoàn viên, tiếng trống Đọi Tam lại rền vang trên vùng đất Quảng.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghe-trong-doi-tam-trong-long-xu-quang.html