Nghệ thuật thị giác giữa giao lộ khoa học và tâm linh

6 nghệ sĩ cùng bắt tay trong chuyến hành trình thể nghiệm các tác phẩm nghệ thuật thị giác đan xen giữa khoa học và tâm linh.

Thực hành nghệ thuật của nghệ sĩ Võ Trân Châu gắn liền với vải.

Lấy cảm hứng từ cơ học lượng tử, lý thuyết dây và phong trào nghệ thuật tiên phong, sáu nghệ sĩ: Nadège David, Cian Duggan, Sandrine Llouquet, Ngô Đình Bảo Châu, Trọng Gia Nguyễn và Võ Trân Châu cùng nhau mở triển lãm “Neverwhere” dẫn công chúng vào mảnh đất mơ hồ tưởng tượng.

Trong thế giới mơ hồ

“Suy cho cùng, nghệ thuật phải vì con người, mà con người phải có hình dạng. Nghệ thuật dù cao siêu, khó hiểu đến đâu cũng luôn hướng về con người. Dù tôi làm tác phẩm có hình dạng một cục đá thì cũng muốn nói điều gì đó về con người” - Nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Châu.

“Neverwhere” đang được kỳ vọng là một trong những triển lãm ấn tượng năm 2023 - diễn ra tại Galerie Quynh (TPHCM) từ ngày 13/6 - 5/8. “Neverwhere” được mượn từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Neil Gaiman, miêu tả thế giới ngay dưới lòng đất, gợi ý niệm về không gian vật lý không tồn tại.

Thách thức khái niệm truyền thống, bất chấp sự kìm hãm của trọng lực, triển lãm đẩy công chúng vào chiều kích siêu thực - nơi các loài sinh vật ngoại giới tồn tại song song với thực tại.

Tại đây, những cánh cửa khép hờ lơ lửng và không ngừng biến động, vén màn để các sinh thể hiện nguyên hình. Thời gian không chỉ đơn thuần là một chiều tuyến tính, mà còn tồn tại đồng hiện với các chuyển động đa chiều.

Võ Trân Châu đan kết vải vụn và quần áo cũ thành những họa tiết ghép mảnh, tỉ mỉ tái dựng lại từng địa danh lịch sử và ảnh chụp. Thực hành này của Châu làm sáng tỏ bản chất của hồi ức và mê trận quá khứ phức tạp, lưu trữ rung cảm của vải vóc, đồng thời nhìn nhận và hàn gắn nỗi đau thế hệ.

Cian Duggan mở cánh cửa tương tự tới một chiều không gian khác, nơi hình thù ma quái tồn tại trong một sắp đặt thần bí, xóa nhòa ranh giới thực và ảo, mở đường đến những xứ sở lạ kỳ. Chúng dẫn ta lạc vào cổ tích của Ngô Đình Bảo Châu về một sân khấu hiu quạnh và vòng hoa thanh tao.

Ở một chiều không gian song song, Nadège David khám phá kết nối đa diện giữa con người, động vật và thiên nhiên thông qua những bức tranh trù phú. Bên cạnh loạt tranh vẽ bằng mực tinh xảo, Nadège còn dùng màu acrylic, màu sáp, sơn thủy tinh và sơn gốm trên vải tạo nên khung cảnh siêu thực đầy ắp sinh vật mơ ảo dị hình.

Trong xứ sở này, Sandrine Llouquet sáp nhập các biểu tượng giữa truyền thống và đương đại, tìm kiếm mối liên kết thông qua khám phá về tôn giáo và đức tin. Sandrine giải mã một chiều không gian đa văn hóa mới, bổ sung vào thử nghiệm không gian - thời gian và tình cảnh nhân sinh khi du hành qua nhiều quốc gia.

Ngược về quá khứ của tàn tích chiến tranh, tác phẩm sáp dầu “Mẹ và Bố”, “Công viên Meadowlake”, khoảng năm 1980 của Trọng Gia Nguyễn, cùng chuỗi tác phẩm hàng rào dây thép gai lấy cảm hứng từ nhà tù Côn Đảo để đào sâu ý niệm của ký ức và sự chuyển dời.

Tìm lại những gì đã mất

'Những đoạn trích số 1' của Ngô Đình Bảo Châu trong triển lãm 'Neverwhere'.

Công chúng Việt Nam đã quá quen thuộc với nghệ thuật thị giác của Ngô Đình Bảo Châu. “Trông thật khác, nhìn thực giống” là tên triển lãm cá nhân của Bảo Châu diễn ra vào năm 2020 tại TPHCM đánh dấu chặng đường kéo dài 5 năm suy tư, nghiên cứu về sự sao chép - lặp lại biểu tượng hình ảnh.

Bộ tác phẩm sắp đặt tạo dựng theo những món đồ nội thất trong nhà làm xáo trộn tính đối ngẫu. Khi đặt những khái niệm về tượng đài vào ngôi nhà, rồi chế tác căn nhà đó trong phòng tranh, tác phẩm của Bảo Châu phân bố tự do trong không gian vừa thầm kín vừa cởi mở.

Trong tác phẩm “Sĩ số 40”, chiếc bóng của cậu học sinh đang chào cờ được in khắc gỗ lặp lại nhiều lần trên các miếng giấy dán tường. Nghi thức chào cờ trang nghiêm.

Trong “Ngôi sao sa”, tác phẩm nhựa resin gợi lại hình ảnh phố phường tràn ngập đèn ông sao. Khẩu hiệu, biểu ngữ, cột cờ và tượng đài, dù phổ biến khắp nơi song trở nên vô hình vì đã ăn sâu vào tiềm thức, làm thay đổi ký ức và tiếp tế cho trí tưởng tượng.

Từ lúc bắt đầu sự nghiệp, Bảo Châu đã làm việc với nhiều chất liệu từ chiếu, thép, bê tông, tới trúc chỉ. Thực hành của cô xoay quanh các nghiên cứu về cuộc sống đương đại Việt Nam, tái định vị nhiều vật phẩm và hình ảnh với mục đích khai thác tính đối ngẫu trong xã hội.

Nữ nghệ sĩ không kém tiếng so với Bảo Châu là Võ Trân Châu từng có triển lãm “Nhặt lá rừng xưa” năm 2020 với 19 tác phẩm là những ân tình của cô với nghề dệt. Ở đó, các công trình kiến trúc bị phá dỡ hay đã bị bào mòn được tái hiện sống động.

Bốn tác phẩm đồ sộ nhất về những xưởng dệt trải dọc Việt Nam thời Pháp thuộc: Nhà máy dệt Nam Định, Nhà máy dệt 8/3, Nhà máy dệt Phú Phong và Nhà máy dệt Phú Lâm. Tất cả những nơi này giờ đây đã bị dỡ bỏ để nhường không gian cho các công trình mới.

Là người gắn bó với nghề dệt, Trân Châu vẫn không ngừng lục lọi quá khứ để “dệt” lại những câu chuyện lịch sử lãng quên. Những đồ cô thu nhặt được, từ cái ghế gỗ, bàn sắt thuốc, khung cửa xưa, quần áo cũ… những thứ bỏ đi ấy có ký ức, có sự ám ảnh và bao trùm suy tư người xem về sự phát triển và lãng quên những di sản huy hoàng của thời đã qua.

Việc xâu kết từng tấm vải dệt vuông giống như cách tái thiết các tình tiết bị lạc. Võ Trân Châu chuyển thể hình ảnh của nhiều địa điểm có tầm quan trọng văn hóa, bằng cách kết nối chúng thành những điểm ảnh, nhằm giảm độ phân giải - dưới dạng họa tiết mosaic nhòe. Người xem phải đứng xa, nheo mắt lại mới ngắm hết chi tiết ẩn trên tấm vải.

Có thể gọi Võ Trân Châu là nghệ sĩ tiên phong của tranh vải, hoặc đơm cúc mà nên tranh. Từ các nhà máy cũ, Võ Trân Châu luồn mũi kim xa hơn vào mảnh vải nhỏ để ghép lại thành những di sản đã vĩnh viễn biến mất. Đó là hệ thống xe điện Sài Gòn, xưởng đóng tàu Ba Son, thương xá Tax, nhà thờ Trà Cổ và trường vẽ Gia Định.

Mỗi địa điểm đều ghi lại dấu ấn trong lịch sử đất nước, mà vai trò của chúng không thể thay thế được. Những tác phẩm của Châu không hẳn nhắc nhớ về cái đã mất, mà đúng hơn là về thứ quý giá mà chúng ta không níu giữ được.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghe-thuat-thi-giac-giua-giao-lo-khoa-hoc-va-tam-linh-post642822.html