Nghệ thuật tác chiến trên con đường mang tên Bác

Ngày 19-5-1959, đúng kỷ niệm 69 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn ra đời, làm nhiệm vụ đặc biệt: Vận chuyển vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng cho chiến trường miền Nam; đưa bộ đội, cán bộ cơ quan dân-chính-đảng từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Với tinh thần 'sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm', 'máu có thể đổ, đường không thể tắc', Bộ đội Trường Sơn cùng các lực lượng chức năng luôn nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh trở thành con đường huyền thoại.

Xuất phát từ tính chất nhiệm vụ, đặc điểm của tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn và lực lượng, phương tiện được trang bị, Bộ tư lệnh Trường Sơn tổ chức, xây dựng 4 binh chủng cơ bản là vận tải, công binh, phòng không, bộ binh, hợp thành một khối thống nhất. Việc tác chiến hiệp đồng binh chủng trong vận tải quân sự trên Đường Trường Sơn được thực hiện bởi nhiều lực lượng, trong đó phối hợp giữa các binh chủng cơ bản, lấy lực lượng vận tải ô tô làm trung tâm, nhiệm vụ chi viện chiến trường là mục đích chung cho mọi hoạt động.

Bộ đội Trường Sơn bí mật mở hàng nghìn ki-lô-mét đường kín cho xe chạy ban ngày, đẩy nhanh tốc độ vận chuyển nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu

Bộ đội Trường Sơn bí mật mở hàng nghìn ki-lô-mét đường kín cho xe chạy ban ngày, đẩy nhanh tốc độ vận chuyển nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu

1. Lực lượng vận tải: Tổ chức, sử dụng lực lượng trên các cung đường phù hợp với tính năng kỹ thuật xe và khả năng chỉ huy của đội ngũ cán bộ. Đội hình tập trung đi gọn, nỗ lực vượt cung tăng cường bằng nhiều biện pháp, như: Lấn sáng, lấn chiều, lợi dụng pháo sáng của địch để tăng tốc độ; lợi dụng sương mù, địa hình để chạy ban ngày. Quá trình vận chuyển kết hợp chặt chẽ vận tải cơ giới với vận tải thô sơ và vận tải đường sông. Đặc biệt, khi điều kiện thời cơ cho phép, kiên quyết sử dụng lực lượng tập trung để tổ chức các “chiến dịch vận tải” với quy mô thích hợp.

Trên từng khu vực, lấy binh trạm làm đơn vị hiệp đồng, các binh chủng, binh trạm kế tiếp nhau, hoạt động thống nhất theo phương án, bảo đảm giao thông trên tuyến vận tải. Trong quá trình vận chuyển, lực lượng vận tải đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tham gia tổ chức chiến đấu, thành lập mạng lưới quan sát, cảnh giới địch từ xa đến gần, thống nhất tín hiệu thông báo trên toàn tuyến, thực hiện nhiều biện pháp nghi binh lừa địch; tổ chức hệ thống kích kéo xe hiệu quả... Ngoài ra, ta còn sử dụng một lực lượng truy quét các khí tài, thiết bị điện tử của địch. Khi địch đánh phá, các đơn vị thực hiện nhiều phương án đối phó, sẵn sàng chi viện cho lực lượng công binh bảo đảm giao thông...

2. Lực lượng công binh: Với nguyên tắc mở đường mà tiến, liên tục bám trụ trọng điểm, bám chặt đội hình xe, giữ vững và phát triển mạng vận tải ngày càng rộng, dài. Địch đánh phá ở đâu, sửa chữa ở đó, đường chưa thông, công binh chưa nghỉ. Trên từng khu vực, Bộ đội Công binh đã mở hàng chục đường vòng tránh và cả những đường giả để nghi binh, thu hút địch.

Xây dựng công sự bám trụ ở ngay trọng điểm, coi chốt trọng điểm như trận địa chiến, tăng cường công cụ cải tiến, máy húc, thuốc nổ để giảm bớt sức người mà vẫn ứng cứu, khắc phục hậu quả đánh phá của không quân địch. Kết hợp chống phá hoại của địch với mở rộng mặt đường, thực hiện “địch càng đánh thì mặt đường càng rộng, xe qua càng nhanh”.

Sử dụng lực lượng cơ động liên tục mở đường, mở các đường tránh cục bộ ở từng trọng điểm để nối dần thành một tuyến mới. Tiến hành nhiều biện pháp ngụy trang và rà phá các loại bom, mìn. Các phân đội phòng không sát cánh cùng đơn vị cao xạ, tên lửa tích cực đánh máy bay địch, bảo vệ các tuyến đường, cầu phà và những trọng điểm giao thông...

3. Lực lượng phòng không: Quân chủng Phòng không-Không quân và Bộ tư lệnh Trường Sơn-Đoàn 559 thống nhất xác định: Bảo đảm an toàn tối đa cho vận chuyển chiến lược là mục đích hoạt động của Bộ đội Phòng không trên toàn tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn.

Thực hiện mục đích đó, các trận địa phòng không được thiết lập ngay trên trọng điểm đánh phá của địch. Bố trí trận địa bám sát các mục tiêu bảo vệ, lấy chốt trọng điểm là chính, kết hợp với cơ động thích hợp, bảo đảm hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung. Xây dựng trận địa kiên cố, kiên cường bám trụ để bảo vệ đội hình vận tải, bảo vệ cầu đường, bảo vệ kho tàng, khu vực tập kết, căn cứ xuất phát.

Vận dụng linh hoạt các thủ đoạn chốt bảo vệ mục tiêu với cơ động phục kích, kết hợp nhiều tầng hỏa lực, xây dựng trận địa dự bị để sẵn sàng xử trí các tình huống. Kết hợp sử dụng lực lượng đánh tập trung của Bộ đội Phòng không với đánh rộng rãi của các lực lượng kiêm nhiệm. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng vận tải, lực lượng công binh, bộ binh để đánh địch. Bộ đội Phòng không đã làm tốt công tác chuẩn bị, thực hành chiến đấu, kết hợp chặt chẽ giữa chiến đấu với xây dựng, càng đánh càng mạnh.

4. Lực lượng bộ binh: Tập trung lực lượng đánh địch mở rộng vùng giải phóng, bảo đảm hành lang tuyến vận chuyển phát triển cả chính diện và chiều sâu; đồng thời, thực hiện bảo vệ vòng ngoài, đánh bại các cuộc hành quân của địch, bảo vệ các mục tiêu, bảo vệ an toàn tuyến vận tải, chi viện cho lực lượng công binh bảo đảm giao thông. Phối hợp với lực lượng phòng không vận dụng các hình thức chiến thuật phục kích và bảo vệ mục tiêu; chủ động tiến công, phản công tiêu diệt sinh lực địch, giành dân, giữ đất, đẩy địch ra xa tuyến hành lang vận chuyển; tổ chức tiêu diệt, vô hiệu hóa lực lượng biệt kích, thám báo của chúng.

Ngoài tác chiến hiệp đồng binh chủng của các lực lượng chủ yếu, Bộ tư lệnh Trường Sơn-Đoàn 559 đã phối hợp tác chiến hiệp đồng hiệu quả với các lực lượng trên tuyến đường, như: Bộ đội hóa học, pháo binh, giao liên, thông tin liên lạc, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân địa phương, bảo đảm an toàn tuyến giao thông vận tải chiến lược.

LÊ THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-tac-chien-tren-con-duong-mang-ten-bac-777460