Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ-Bài học thực tiễn trong huấn luyện chiến đấu hiện nay (cập nhật tại tọa đàm)

Sáng 4-4, tại TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Bộ tư lệnh Quân đoàn 12 tổ chức Tọa đàm với chủ đề: 'Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ-Bài học thực tiễn trong huấn luyện chiến đấu hiện nay'. Điều hành tọa đàm gồm các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Quân đoàn 12; Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân và Đại tá Lê Văn Phan, Phó tư lệnh Quân đoàn 12.

Tham dự cuộc tọa đàm có đại biểu là tướng lĩnh, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội; một số nhân chứng lịch sử từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ…

Tọa đàm với chủ đề: “Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ-Bài học thực tiễn trong huấn luyện chiến đấu hiện nay”.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Quân đoàn 12 phát biểu khai mạc tọa đàm.

Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân trình bày đề dẫn tọa đàm.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu được xuất bản, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học được tổ chức trong và ngoài nước về sự kiện lịch sử này, nhiều vấn đề khoa học đã và đang được làm sáng tỏ ở những góc độ khác nhau. Tọa đàm với chủ đề: “Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ-Bài học thực tiễn trong huấn luyện chiến đấu hiện nay” tiếp tục nghiên cứu nhằm làm sâu sắc thêm về các chiều cạnh của sự kiện để phát huy hơn nữa giá trị của chiến thắng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, nhất là xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, từng bước tiến lên hiện đại.

Tham dự cuộc tọa đàm có các tướng lĩnh, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội; một số nhân chứng lịch sử từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ…

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Quân đoàn 12 khẳng định: Cuộc tọa đàm là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử, nguyên nhân thắng lợi của Chiến thắng Điện Biên Phủ; đi sâu làm rõ nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khẳng định sự đúng đắn và tất thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; rút ra những bài học kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào công tác huấn luyện, diễn tập, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật..., xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu" và xây dựng khu vực phòng thủ, các phương án tác chiến trong tình hình mới, bảo đảm đánh thắng địch trong mọi tình huống. Qua đó, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, tạo động lực thi đua hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng các đơn vị "tinh, gọn, mạnh", xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại.

Các đại biểu và cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 12 dự tọa đàm.

Trình bày báo cáo đề dẫn tọa đàm, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân nêu rõ: Thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan dã tâm xâm lược của các thế lực đế quốc, thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneva (tháng 7-1954), chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, mở ra trang sử mới cho cách mạng Việt Nam; đồng thời là một sự kiện quan trọng, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

“Thắng lợi đó được bắt nguồn từ truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc ta, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; ý chí quyết chiến, quyết thắng và biết đánh, biết thắng, khó khăn nào cũng vượt qua của QĐND Việt Nam anh hùng; từ tài thao lược của các tướng lĩnh trong thời đại Hồ Chí Minh, đứng đầu là Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp...", Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ nhấn mạnh.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự tham luận.

Là chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử quân sự, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự luận giải: Với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, làm nên nhiều thắng lợi ở Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953)… góp phần tạo chuyển biến có lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cùng với quá trình xây dựng và chiến đấu, lực lượng vũ trang nhân dân của ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Ta từng bước giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường và đẩy thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự, bị động đối phó. Và rồi, Điện Biên Phủ vốn không có tên trong kế hoạch Navarre, cũng chưa có trong kế hoạch tác chiến của ta đã từng bước trở thành nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược giữa ta và địch, là nơi thể hiện nỗ lực chiến tranh cao nhất của cả hai bên xâm lược và chống xâm lược.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Trần Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng

Đại tá, tiến sĩ Vũ Ngọc Thủy, Viện trưởng Viện Khoa học Nghệ thuật quân sự, HVQP

Một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ là ta chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh’ sang “đánh chắc, tiến chắc”. Thiếu tướng, TS Trần Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng và Đại tá, TS Vũ Ngọc Thủy, Viện trưởng Viện Khoa học nghệ thuật quân sự (Học viện Quốc phòng) phân tích: Trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình địch, trải qua nhiều ngày đêm bám sát chiến trường, cân nhắc mọi mặt, trên cơ sở phân tích so sánh tương quan lực lượng, đánh giá khả năng của ta và địch tại Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tầm nhìn chiến lược và tư duy quân sự sắc sảo, đã sớm nhận ra một số khó khăn của bộ đội ta và thay đổi phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và được Bộ Chính trị nhất trí. Với phương châm này ta đã điều chỉnh lực lượng và thế trận, cô lập địch ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cắt chi viện bằng đường không, vây hãm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và từng trung tâm đề kháng của Pháp, tiêu diệt từng bộ phận tiến tới đánh bại toàn bộ địch; thể hiện nổi bật về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật sử dụng lực lượng, nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chắc, tiến chắc, không chắc thắng, không đánh.

Tin, ảnh: DUY ĐÔNG - SƠN BÌNH - TRỌNG HẢI

* Báo Quân đội nhân dân Điện tử liên tục cập nhập diễn biến của tọa đàm.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-quan-su-trong-chien-dich-dien-bien-phu-bai-hoc-thuc-tien-trong-huan-luyen-chien-dau-hien-nay-cap-nhat-tai-toa-dam-771257