Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Plei Me

Thắng lợi trận vận động tiến công của bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên, tiêu diệt quân Mỹ ở Ia Đrăng cuối năm 1965 có ý nghĩa to lớn cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Đây là trận then chốt quyết định để lại nhiều kinh nghiệm quý, trong đó nổi bật là nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Plei Me (từ ngày 19-10 đến 26-11-1965).

Để đánh thắng trận then chốt, việc điều dụ địch vào khu vực ta đã lựa chọn, nhằm hạn chế mặt mạnh, khoét sâu điểm yếu để đánh thắng địch là vấn đề rất quan trọng. Sau khi kết thúc đợt 1 và đợt 2 chiến dịch, Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định: Quân Mỹ nhất định sẽ nhảy vào “tìm diệt” chủ lực ta, nhiệm vụ của ta là khêu ngòi nhằm kéo quân chiến đấu Mỹ vào tham chiến. Xác định quân Mỹ ỷ vào phương tiện cơ động bằng đường không, tiến công ứng cứu giải tỏa hoặc tìm diệt, nhất định đổ bộ bằng đường không vào sâu phía sau để tiêu diệt chủ lực ta, Bộ tư lệnh chiến dịch dự kiến thung lũng Ia Đrăng (nay thuộc huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) là nơi rất thuận lợi cho việc đổ quân và phù hợp ý định tác chiến của địch. Ta chủ trương điều dụ, kéo quân Mỹ vào sâu trong vùng rừng núi hiểm trở, nhằm hạn chế mặt mạnh, khoét sâu điểm yếu để đánh chúng là quyết định đúng đắn, táo bạo và có cơ sở khoa học.

Lính Mỹ đổ bộ xuống Ia Đrăng trong Chiến dịch Plei Me năm 1965. Ảnh tư liệu

Thực hiện đánh trận then chốt ở Ia Đrăng, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định không tiếp tục vây lấn Plei Me, mà chủ động tạo lập thế trận liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu nhằm hạn chế và vô hiệu hóa các biện pháp tác chiến của địch. Điểm nổi bật của nghệ thuật đánh trận then chốt Ia Đrăng là bộ đội ta vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật đạt hiệu quả cao như trận Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn Bộ binh 66) vận động tiến công Tiểu đoàn 1 Mỹ ở Bắc Chư Prông (ngày 14-11). Tiếp đó, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn Bộ binh 66) hai lần tập kích cụm quân Mỹ tạm dừng ở khu vực Đông Nam núi Chư Prông (địch gọi là bãi Tia X), các ngày 14 và 15-11; Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn Bộ binh 66) và Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn Bộ binh 33) vận động tiến công Tiểu đoàn 2 Mỹ ở gần bãi Anbani (ngày 17-11).

Trong các trận đánh đó, bộ đội ta vận dụng chiến thuật tiêu diệt địch ngoài công sự, thực hiện thọc sâu chia cắt quân địch ra từng bộ phận để tiêu diệt chúng. Trong đó, hai hình thức chiến thuật tập kích và vận động tiến công được vận dụng giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Đối với quân Mỹ luôn đề phòng ta tập kích, nên chúng thường di chuyển vị trí trú quân trong đêm. Trong hai lần đánh tập kích địch, Tiểu đoàn 7 chuẩn bị hết sức khẩn trương (lần 1 chuẩn bị hết 1 giờ 20 phút, lần 2 hết 2 giờ), cơ động đến vị trí tập kết phải nhanh chóng, thời cơ nổ súng thường vào lúc rạng sáng.

Về tổ chức lực lượng, trong các trận tập kích, Tiểu đoàn 7 sử dụng đại đội làm mũi đột kích, trong đó tập trung lực lượng đánh mũi chủ yếu. Khi thực hiện chiến thuật vận động tiến công, ta phát huy yếu tố quyết định là tài năng của người chỉ huy, quyết tâm chiến đấu của bộ đội, hiệp đồng chặt chẽ theo kế hoạch tác chiến đề ra. Thành công trận đánh của Tiểu đoàn 9 là cơ sở, tạo tiền đề hình thành chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt đánh địch hiệu quả của Quân đội ta trên chiến trường sau này. Đến trận đánh của Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn Bộ binh 66) và Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn Bộ binh 33) lúc đầu mang dáng dấp một trận tao ngộ chiến, sau đó chuyển sang chủ động tiến công theo hình thái của một trận vận động tiến công để tiêu diệt địch. Kết quả, ta tiêu diệt Tiểu đoàn 2, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 1 (thuộc Trung đoàn kỵ binh 7, Lữ đoàn 3, Sư đoàn kỵ binh bay 1 của Mỹ). Đây là trận đầu tiên Quân đội ta tiêu diệt gần hết tiểu đoàn quân Mỹ trên chiến trường miền Nam.

NGỌC SƠN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-danh-tran-then-chot-quyet-dinh-trong-chien-dich-plei-me-767210