Nghệ sĩ nhân dân Quế Anh: Tình yêu và đam mê với sân khấu

Đồng Thị Quế Anh là nữ nghệ sĩ cải lương duy nhất của Đồng Nai vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) sau hơn 30 năm lao động miệt mài trên sân khấu cải lương Nam bộ.

Nghệ sĩ nhân dân Đồng Thị Quế Anh

Hội đủ các yếu tố: thanh - sắc - tài - đức, nhiều năm qua NSND Quế Anh đã ghi dấu vào lòng công chúng những ấn tượng đẹp. Không chỉ đẹp ở nhân cách sống mà trong nghệ thuật chị còn tích cực sáng tạo, đổi mới qua các vai diễn, vở diễn, kịch bản và chương trình sân khấu, nghệ thuật.

Nữ NSND đầu tiên của Đồng Nai

Nghệ sĩ Quế Anh tham gia hoạt động nghệ thuật khá sớm, từ những năm 90 của thế kỷ trước. Chị là người gốc miền Trung, sinh ra ở miền Bắc nhưng từ nhỏ đã lớn lên, sinh sống và làm việc ở miền Nam. Sớm bộc lộ năng khiếu, đam mê cải lương khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thêm vào đó, được “trời phú” cho giọng ca ngọt ngào, chân phương, diễn xuất đa dạng đã giúp nghệ sĩ Quế Anh được khán giả yêu mến, nhanh chóng khẳng định vị trí, tên tuổi của mình trong làng sân khấu cải lương Nam bộ.

Bên cạnh cải lương, NSND Quế Anh còn thử sức ở nhiều lĩnh vực khác như: bolero, ngâm thơ, nhạc cách mạng, quê hương…

Đặc biệt, đầu năm 2024, nghệ sĩ Quế Anh vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NSND. Chị cũng là nữ NSND đầu tiên của Đồng Nai. Đây không chỉ là niềm vui, hạnh phúc, niềm vinh dự của riêng chị mà danh hiệu cao quý này còn là động lực tiếp thêm sức mạnh để chị và các nghệ sĩ, diễn viên của Đồng Nai tiếp tục theo đuổi, cống hiến cho nghệ thuật. “Các danh hiệu, huy chương là bằng chứng ghi nhận nỗ lực của một quá trình lao động nghệ thuật. Nhưng chính niềm yêu mến của công chúng khán giả mới là người đưa tên tuổi Quế Anh vượt khỏi sàn diễn sân khấu” - NSND Quế Anh chia sẻ.

Có hơn 30 năm lao động miệt mài trên sân khấu, đến nay NSND Quế Anh đã tham gia trên 50 vở diễn với hàng chục vai khác nhau. Cụ thể như: Vai Quyên trong vở Uy quyền và tội ác; vai Út Tâm trong vở Dòng sông đỏ; vai Hoàng hậu trong vở Lời ru hai người mẹ; vai Hoài Thu trong vở Vượt qua tâm bão; vai Mạc Hà trong vở Ánh đèn khuya; vai Thái hậu Dương Vân Nga trong trích đoạn Thái hậu Dương Vân Nga; vai Y Lan trong trích đoạn Tiếng thét giữa rừng thiêng…

Để thử thách và khẳng định mình, NSND Quế Anh không “đóng khung” trong một vai diễn nào mà ở các vở diễn chị tham gia nhiều vai, nhiều nhân vật với tính cách khác nhau. Dù là đào thương hay đào kép, nghệ sĩ Quế Anh luôn “cháy” hết mình trong từng nhân vật, đắm đuối trong từng vai diễn, cứ như thể đó là cuộc sống tự nhiên, là cơm ăn, nước uống hàng ngày của chị.

Theo NSND Quế Anh, để làm được như vậy, người nghệ sĩ phải có tình yêu và đam mê với sân khấu cải lương. Bởi chỉ có đam mê mới có thể đi với nghề trong suốt chặng đường dài cùng những thăng trầm của nhà hát. Đã có những lúc cải lương gặp khó khăn khiến nhiều nghệ sĩ nản lòng như khán giả ít, chưa có nhiều vở diễn mới… và kể cả trong những lúc “bĩ cực” nhất, chị chưa bao giờ muốn rời xa ánh đèn sân khấu. Tình yêu và khao khát được diễn, được cống hiến cho nghệ thuật là động lực để chị dốc sức tìm tòi, sáng tạo.

Giấc mơ đưa sân khấu vươn xa

Năm 2019, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai và Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai hợp nhất thành Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, nghệ sĩ Quế Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc. Đây cũng là thời điểm sân khấu Đồng Nai thiếu các kịch bản mới và thiếu vắng cả khán giả. Không đành lòng nhìn sân khấu “tuột dốc”, nghệ sĩ Quế Anh cùng với Ban giám đốc nhà hát dốc sức tìm kiếm hướng đi mới, vực dậy sân khấu.

Nghệ sĩ Quế Anh vai Mạc Hà trong vở diễn Ánh đèn khuya

Không chỉ mời các đạo diễn giỏi, có tên tuổi trong làng sân khấu như: NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Giang Mạnh Hà, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn… dàn dựng các vở cải lương, múa rối nước và các chương trình ca múa nhạc, nghệ sĩ Quế Anh còn tự mình nghiên cứu, sáng tác các kịch bản sân khấu mới. Chị vừa là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật hàng chục vở diễn, trích đoạn cải lương, chương trình nghệ thuật mang đậm dấu ấn, chiều sâu và hơi thở của thời đại.

Một trong những dấu “mốc” quan trọng trong hoạt động nghệ thuật của NSND Quế Anh là khi chị mang vở diễn Niềm khát (do chính chị viết kịch bản và đạo diễn) tham gia Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần IV-2019 tại Hà Nội. Vở diễn lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xuất sắc đoạt 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc cá nhân cho các diễn viên. Riêng nghệ sĩ Quế Anh đoạt giải tác giả triển vọng.

NSND QUẾ ANH không chỉ đoạt nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế mà còn là tác giả và đạo diễn nhiều vở diễn, nhiều chương trình sự kiện lớn. Tiêu biểu như: 2 giải A, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức năm 2007 và 2017; Giải Sao vàng Đồng Nai năm 2008; chỉ đạo nghệ thuật vở Bão táp vương triều đoạt huy chương vàng Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc năm 2018; tác giả và đạo diễn vở Sứ mệnh đoạt huy chương vàng Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021…

Mơ ước và khát khao đưa sân khấu đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước càng thôi thúc NSND Quế Anh đổi mới sân khấu, nhất là vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong gần 5 tháng đầu năm 2020, nhà hát không thể tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả, các chỉ tiêu, kế hoạch có nguy cơ không hoàn thành, viên chức, người lao động gặp khó khăn về đời sống khi không được hưởng chế độ đặc thù ngoài lương… Với trách nhiệm người đứng đầu, chị đã tìm lối đi mới để nhà hát vươn lên, tạo bước chuyển mình phù hợp với thực tiễn.

“Chúng tôi chuyển đổi mô hình biểu diễn trực tiếp sang hình thức biểu diễn trực tuyến trên kênh YouTube và live stream qua Facebook của nhà hát. Đây là mô hình quản lý và như một giải pháp nhằm phát huy, mở rộng khả năng phục vụ đông đảo nhân dân. Cải lương cùng với nhiều loại hình nghệ thuật như: ca múa nhạc, ảo thuật, đờn ca tài tử, nghệ thuật rối nước, rối cạn, kịch nói… đã tạo nên đời sống văn hóa lành mạnh, bổ ích và phong phú. Điều đáng mừng là những buổi diễn đã được khán giả trong và ngoài tỉnh đón nhận” - NSND Quế Anh chia sẻ.

Theo NSND Quế Anh, để đưa sân khấu hôm nay vươn xa hơn, được công chúng trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn, hơn bao giờ hết bản thân chị và các nghệ sĩ của Đồng Nai phải không ngừng sáng tạo, khẳng định mình, tiếp tục có nhiều vở diễn mới, chương trình hay phục vụ đa dạng nhu cầu của nhân dân. Qua đó, đưa sân khấu của Đồng Nai hòa mình vào dòng chảy nghệ thuật của cả nước, vươn mình ra biển lớn, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đúng như định hướng của Đảng: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

My Ny

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202402/nghe-si-nhan-dan-que-anh-tinh-yeu-va-dam-me-voi-95d112a/