Nghe nhịp Trống đu

PTĐT - Trong tiết Xuân rộn ràng, chúng tôi tìm về khu Hạ Bạc, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập để thưởng thức nhịp Trống đu của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Hoạch. Trải qua năm tháng, từ gõ trống làm vui, múa Trống đu giờ đã trở thành nghệ thuật diễn xướng dân gian, hình thức sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu của đồng bào Mường nơi đây.

Biểu diễn Trống đu của đội văn nghệ dân tộc Mường, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập.

Biểu diễn Trống đu của đội văn nghệ dân tộc Mường, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập.

Nhấp chén nước chè, ông Hoạch kể cho chúng tôi nghe về sự tích Trống đu của Đồng Thịnh. Theo đó, Trống đu còn gọi là Trống đua hay Trống đùa. Biểu diễn múa Trống đu không chỉ để giãi bày, thể hiện nỗi nhớ thương và biết ơn đối với cha mẹ đã một đời vất vả nuôi con khôn lớn, mà ngày nay, múa Trống đu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa của người Mường trong các dịp hội hè, lễ Tết, mừng nhà mới, cầu mùa, mừng thọ… Ban đầu, múa Trống đu chỉ có ba hoặc năm người, một người đánh trống cái, một người múa Trống đu, một người thổi kèn Sona và hai người đánh mừ. Về sau, khi lan tỏa ra cộng đồng, múa Trống đu có số người tham gia đông hơn để không khí thêm tưng bừng.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Hoạch biểu diễn Trống đu.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Hoạch biểu diễn Trống đu.

Cái khó của múa Trống đu không chỉ ở nghệ thuật biểu diễn mà đòi hỏi người múa trống phải có một sức khỏe dẻo dai, sự cảm thụ sâu sắc về ý nghĩa của điệu múa mới có thể thực hiện những động tác điêu luyện. Mặc dù đã 70 tuổi, nhưng ông Hoạch vẫn thực hiện được nhiều động tác có độ khó cao như: Xoay trống, lăn trống, vần trống, ôm trống, lộn trống… Ông bảo động tác khó nhất trong múa Trống đu là động tác lộn trống từ tư thế đứng sang tư thế ngồi và chuyển sang tư thế nằm, chiếc trống luôn được giữ chắc bằng một tay, tay còn lại cầm dùi gõ mà vẫn giữ được thăng bằng cho cả người và trống, không để rơi trống, nhất là không để trống bị ngắt nhịp, sai nhịp hoặc mất nhịp. Để múa Trống đu thật hay, thật sâu, người múa phải say sưa thì mới mang lại cho người xem những cảm xúc dồn nén, bứt phá, tung tẩy theo tiếng trống khi khoan, lúc nhặt, lúc vui tươi, khi trầm lắng… mang đặc trưng sắc thái của dân tộc Mường, vừa da diết, vừa mãnh liệt đến khó tả. Ông Hoạch múa Trống đu thành thạo và điêu luyện với những phách đảo nhịp, cách xử lý dùi trống gõ vào mặt trống, tang trống và vờn trống nghe thật rộn rã. Đặc biệt là những kỹ năng xuất sắc như: Nằm ôm trống bằng hai chân, tung trống lên cao đón trống bằng chân, bồng trống, cặp trống vào hai chân rồi quay vòng tròn cùng trống giống như hình tượng người cha đang bế đứa con, đùa giỡn, nựng chiều. Tiết tấu của múa Trống đu khi dồn dập, khi uyển chuyển làm cho khán giả càng ấn tượng với người múa trống bởi những động tác gõ trống, “vờn” trống, “đùa” trống khéo léo, mềm dẻo.

Người múa Trống đu khi “đùa” trống đi các góc, khi vào giữa, khi nằm ngửa quay đầu về phía khán giả rồi bồng trống lên chân đánh, khi quay vòng lại dùng 2 chân hất trống lên tay để ôm trống và gõ. Đồng thời còn giao lưu biểu cảm với các nhạc công khác trong nhóm cùng biểu diễn đi vòng tròn xung quanh người múa. Hòa cùng tiếng kèn da diết là những thiếu nữ Mường với các động tác múa uyển chuyển, nhịp nhàng cùng tiết tấu phụ họa cho tiết mục càng thêm cuốn hút.

Chiều Xuân, mây trôi dịu nhẹ, khói lam chiều ôm ấp những nếp nhà thấp thoáng. Từ phía núi xa, đã nghe âm vang tiếng kèn quyện hòa cùng tiếng trống. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Hoạch không giấu nổi niềm vui, sự mãn nguyện: “Tôi yêu văn hóa dân tộc mình. Lúc nào mở lớp truyền dạy là mọi người đều muốn tham gia, nhất là lớp nhỏ đi học rất đầy đủ, nhiệt tình. Chỉ mong sao sang năm, chúng tôi sẽ thành lập được câu lạc bộ Trống đu, với tôi như vậy là vui và phấn khởi rồi”. Không vui sao được khi mà những nghệ nhân như ông đều đã trải qua biết bao mùa Xuân, bao mùa lễ hội của thôn làng. Điều ông mong muốn nhất là Trống đu không bị mai một, để ngọn lửa truyền thống mãi được tiếp nối, để tiếng trống mãi bay xa, vang vọng từ đời này qua đời khác.

Một mùa Xuân mới đã về, trong không khí hân hoan của đất trời, của lòng người, mỗi thôn làng, mỗi khu dân cư ở Đồng Thịnh lại tưng bừng, rộn ràng trong tiếng Trống đu. Và âm thanh tiếng trống mùa Xuân ấy sẽ đi theo những người con Đồng Thịnh suốt cả cuộc đời, gợi về những náo nức của ngày Xuân, những khát vọng về một cuộc sống bình yên, no ấm trên quê hương mình.

Thanh Trà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202102/nghe-nhip-trong-du-175428