Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước: Tôi và nghiệp nghề đã thấu hiểu cho nhau

Qua bàn tay tạo tác, các sản phẩm gốm như thăng hoa kể chuyện, mở ra hành trình đặc biệt của người thợ tài hoa duy nhất không sinh ra tại làng nghề…

Đôi chân trụ vững trên nền văn hóa dân tộc

- Qua triển lãm “Linh thú thời nay” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tháng 8.2023, có cảm nhận những tác phẩm của anh không chỉ “đẹp” mà còn “hay”. Cái hay toát lên từ sinh khí của truyền thống, của văn hóa. Không biết anh đã làm việc với gốm như thế nào?

Nghệ nhân Trần Nam Tước tâm sự làm gốm với anh chính là cho gốm một số phận, để người và gốm cùng chuyến ngược dòng. Ảnh: Xuân Mai

- Thực ra, tôi có một nguyên tắc làm việc, đó là không làm vì cái đẹp, không làm vì đúng - sai. Bởi cái đẹp thuộc về cảm xúc của người xem, đúng - sai thuộc về đánh giá của các nhà nghiên cứu, cái tôi làm chính là để người xem nhìn thấy văn hóa của dân tộc mình. Rất nhiều sản phẩm gốm tôi lấy cảm hứng từ các điển tích, xuất phát từ những câu chuyện truyền ngôn trong văn hóa dân gian. Có lẽ, điều mà bạn cảm nhận đến từ yếu tố như vậy.

- Nhận mình là thợ của làng nghề thủ công truyền thống nhưng anh coi gốm là bộ môn nghệ thuật. Suy nghĩ ấy đến từ đâu?

- Đối với tôi, lịch sử là nền tảng, văn hóa là tiếp biến, còn nghệ thuật là giao thoa. Gốm chính là kết tinh của sự giao thoa ấy và người làm nghề gốm phải dựa trên nền tảng dân tộc, tinh thần bản địa thì mới bền vững. Gốm với tôi không đơn thuần là bát, đĩa, ấm chén… mà chứa đựng câu chuyện tự ngàn năm. Như truyền thuyết về quả trứng rồng, trăm trứng nở ra 50 người con xuống biển, 50 người con lên non. Quả trứng ấy sinh ra một dân tộc có những người con anh hùng: Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Tản Viên Sơn Thánh, Lang Liêu, Mai An Tiêm… Cả ngàn năm, ông cha ta đã viết nên trang sử nhân văn, để lại những câu chuyện nói lên giá trị văn minh người Việt. Tôi khai thác, diễn giải nó theo lời kể của gốm. Hoặc ví dụ từ “chở che” ai cũng biết, tôi mượn lối bóc nghĩa của người xưa, tạo tác hai bức tranh gốm: một con vịt xòe cánh cho đàn con bậu trên lưng để qua sông là “Chở”; một con gà khi mưa xuống xòe cánh cho con là “Che”.

- Điều gì khiến anh tự tin rằng tạo tác gốm từ những điển tích, từ những câu chuyện vốn đã rất quen thuộc sẽ hấp dẫn công chúng?

- Ý tưởng mượn điển tích, câu chuyện lịch sử, truyền thuyết… còn ngẫu hứng bút pháp với gốm ra sao trong quá trình tạo tác là cái riêng. Tôi tin mình đang đặt đôi chân trụ vững trên nền văn hóa dân tộc. Giá trị của người xưa thay vì để nguyên trong sách, tôi mở ra một tiệm cận khác, góc nhìn khác, cho nó đời sống khác, thú vị hơn. Phong cách làm việc của tôi là bảo tồn và phát triển, tiếp biến những giá trị văn hóa của nhiều đời. Trong đời sống, giá trị dịch chuyển vô cùng quan trọng. Tất cả yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa… muốn phát triển thì đừng đóng khung.

- Nhưng trong truyền thống có quy tắc nhất định, tỷ lệ, đăng đối rõ ràng… Làm thế nào tư duy nghệ nhân có thể vượt qua để tạo ra sự dịch chuyển như thế?

- Trong làm nghề, tôi quan niệm nếu bảo tồn thì phải bảo tồn đến mức bảo thủ, còn lại hãy cho đất một đời sống mới, cho người làm gốm bầu không gian sáng tạo. Dù tôi là người rất hoài cổ nhưng không hoài cổ đóng đinh. Thời đại này, chúng ta cần cái cổ nhưng có công năng phù hợp, nếu đóng khung sẽ thành khiên cưỡng. Hơn nữa, gốm rất đặc biệt. Bạn tuân thủ đúng nguyên tắc, tỷ lệ… nhưng không thể biết chắc sản phẩm ra lò thế nào, lên màu ra sao, hình dáng có bị móp méo hay nứt vỡ không. Với gốm, bạn có thể gặt hái thành công ngoài tưởng tượng nhưng cũng có thể nhận thất bại, phải làm lại từ đầu.

Dám cả gan và dám chơi

- Được biết anh đến với gốm khá muộn. Cơ duyên đó thế nào vậy?

- Con đường đến với gốm của tôi hoàn toàn tình cờ. Tôi làm gốm từ khi còn thơ dại. Thuở nhỏ làm con vật bằng đất nung, chơi với nó song không nghĩ sau này sẽ làm gốm. Mãi năm 1997 tôi mới chính thức đến với làng Bát Tràng sau những năm tháng lang bạt làm xây dựng, điêu khắc đắp vẽ khắp nơi. Nhưng lúc ấy tôi cũng chưa hẳn làm gốm mà chỉ là tay thợ chuyên đúc khuôn cốt cho một số cơ sở ở làng nghề. Run rủi nghề lại dạy nghề, tôi bị cuốn hút say mê dòng men truyền thống của làng gốm, rồi quyết tâm chinh phục nó. Năm 2007, tôi chính thức làm lò gốm, song đến năm 2010 mới toàn tâm toàn ý với nghề.

- Bát Tràng với anh là một làng nghề, chốn dừng chân mưu sinh, hay còn là gì nữa?

- Nhớ ngày dừng chân ở làng nghề ven sông Hồng, ấn tượng đầu tiên của tôi là cảm giác lạ lẫm với một làng gốm. Khói bụi nhưng tôi lại rất thích. Tôi lang thang ngắm các ngõ nhỏ quanh co, khi người dân đốt lò than, khói tràn các ngõ. Tôi cầm chiếc máy ảnh bấm chụp hết các con ngõ đó. Nhưng tôi yêu Bát Tràng không chỉ là làng làm gốm, mà đây còn là làng khoa bảng, làng văn chương với bề dày lịch sử, văn hóa toát ra từ con người qua cách làm nghề, cách đối đãi, ứng xử với khách hàng, bạn bè… Đời người có hai chốn, nơi mình sinh ra và nơi mình sống. Tôi may mắn có cả hai chốn là quê hương.

Qua bàn tay tạo tác của nghệ nhân, các sản phẩm gốm như thăng hoa kể chuyện. Ảnh: Thái Minh

- Tôi rất tò mò một người không sinh ra trong cái nôi của gốm thì khởi nghiệp với nghề gốm ra sao?

- Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ bằng lòng với mình cái gì, tôi học hết nghề nọ đến nghề kia. Ngày đầu về Bát Tràng, tôi cứ tự tin là mình có tay nghề, rồi sẽ làm được những việc mà người khác làm được. Tôi không hiểu rằng nếu chỉ có tay nghề thì chỉ tạo ra hình dáng khuôn cốt đấy thôi, còn chơi với lửa không đùa được. Năm 1999 tôi đã mạnh dạn làm lò sản xuất, nhưng vì thiếu hiểu biết về nghề, tự tin thái quá mà gần như vỡ nợ. Lò gốm hỏng còn tôi trắng tay. Sang năm 2000, tôi xây dựng gia đình rồi quay lại Bát Tràng; từ Thái Bình, hành trang tôi mang theo là tình yêu của hai vợ chồng mới cưới, 43 nghìn đồng và gánh nợ hơn 30 triệu đồng. Tôi chỉ có suy nghĩ mất cái gì ở đâu thì lấy lại từ đấy.

- Khi quyết định gắn bó với nghiệp gốm Bát Tràng, anh làm thế nào để định vị mình giữa những nghệ nhân của làng nghề truyền thống lâu đời này?

- Thực ra từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ định vị mình là một nghệ nhân, cũng không định vị mình đang ở đâu, sánh với ai, mà tôi định vị mình đang làm cái gì. Tôi tập trung vào 3 thứ: linh vật, điêu khắc về các anh hùng dân tộc và gốm trang trí kiến trúc. Cách làm của tôi được nhiều người bảo gần với phong cách của nghệ sĩ. Tôi lại không quan tâm mình là nghệ nhân hay nghệ sĩ nhưng hiểu được thế nào là nghệ nhân, thế nào là nghệ sĩ. Nghệ nhân làm việc bằng thói quen, nghệ sĩ sáng tạo bằng tư duy, tôi kết hợp cả hai, làm sao sản phẩm tiệm cận nhu cầu thị trường. Tất nhiên, việc này không hề an toàn, không giống làm ấm chén hay bát đĩa có định mức, quy tắc, làm gốm theo kiểu của tôi phải cả gan và dám chơi. Nhưng như tôi đã nói, muốn vượt lên thì phải vượt dòng.

- Nhìn lại chặng đường gắn bó, vượt dòng với nghề, tuy không dài nhưng đủ thăng trầm ấy, anh thấy mình nhận được gì?

- Gốm cho tôi cảm xúc, cho tôi câu chuyện để gửi gắm vào nó. Làm gốm với tôi chính là cho gốm một số phận, để tôi và gốm cùng chuyến ngược dòng. Như cảm xúc khi bạn đóng cửa lò và chờ đợi, mong mỏi, có lúc òa lên sung sướng, có lúc tủi thân, đau khổ. Nhưng năm tháng cuộc đời gắn với gốm, tôi và nghiệp nghề đã thấu hiểu cho nhau!

- Xin cảm ơn anh!

Lê Thư thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe-bao-tet/nghe-nhan-uu-tu-tran-nam-tuoc-toi-va-nghiep-nghe-da-thau-hieu-cho-nhau-i358341/