Nghệ nhân 'khoác' hồn thiền vào thân tre Việt

p ủ mong muốn đưa sản phẩm thủ công của người Việt ra thế giới, nghệ nhân Thanh Phận đã phát triển bút bi tre khắc thơ văn, hình ảnh vô cùng tinh tế, tỉ mỉ.

Xuất thân là sinh viên ngành Điện tử Công nghiệp, anh Dương Thanh Phận (40 tuổi, quê Long An) đã sớm đến TP. HCM lập nghiệp từ những năm 2000. Trải qua nhiều ngành nghề như: phụ hồ, làm vườn, bán hàng rong, thiết kế đồ họa, anh Phận luôn mang trong mình đam mê về kiến trúc nên đã không ít lần dự thi vào ngành này.

Anh Dương Thanh Phận bên cạnh những tác phẩm thủ công làm từ tre của mình.

Bài liên quan

Sẽ thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định cấm

Tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc đảm bảo thiết thực, phong phú

Trại sáng tác “Mỹ thuật và Di sản”- Cơ hội nhìn lại di sản văn hóa Huế

Hà Nội: Thanh tra việc chặt cây khi tu sửa đình Chèm

Song, dù không thành công, anh Phận vẫn quyết định trở thành người dạy vẽ để giúp những thí sinh khác có cơ hội được bước vào giảng đường mà họ mơ ước.

Sau những ngày tháng sống như một ‘du mục’ ở các tỉnh, thành phía Nam, cuối năm 2014, anh Phận có cơ hội được sinh sống tại các khu vườn thiền ở TP. Bảo Lộc. Tại đây, chàng trai 8X ngày ngày hòa mình với thiên nhiên, không có bất kỳ kết nối nào với công nghệ hiện đại và tập trung nghiên cứu những sản phẩm về thảo dược, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Sản phẩm bút bi tre mang năng lượng chữa lành. Ảnh: NVCC

Anh Phận luôn trăn trở với những sản phẩm thủ công đặc trưng của người Việt. Vì thế, ngay từ lâu anh đã ấp ủ ý định sẽ tạo ra một sản phẩm đại diện cho một món quà mà người nước ngoài khi đến Việt Nam, ngay lập tức nhớ đến và chọn mua.

Trong một lần trở lại TP. HCM, anh Phận chợt nhìn thấy những sản phẩm làm bằng tre Việt từ người bạn của mình. Lúc này, chàng trai 8X mới nảy ra ý tưởng khắc hình, chữ lên tre để nâng giá trị sản phẩm.

Nghệ nhân 8X với những ấp ủ về việc đưa đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam ra mắt bạn bè thế giới.

Đối với anh Phận, mỗi khách hàng là một người thầy. Bắt đầu khởi nghiệp với bút bi tre, anh Phận nhận được nhiều sự yêu mến, cũng như là lời góp ý từ những người quen, những khách hàng. Từ đó, tác phẩm trở nên ngày một hoàn thiện hơn do sự tỉ mỉ, chỉn chu của người nghệ nhân.

“Ý tưởng tôi lấy ở trong đầu ra. Đó là từ những trải nghiệm sống mà bản thân đã đạt được trong suốt quá trình sống lang bạt. Tôi chọn bút bi tre bởi nó là một món quà vô cùng ý nghĩa, hơn hết, khi được khắc lên trên thân, một thanh tre vô tri cũng có thêm giá trị về việc sử dụng các món đồ gần gũi hơn với thiên nhiên”, anh Phận nói.

Công việc đòi hỏi sự tập trung, tính tỉ mỉ cao của người thợ.

Thời gian đầu, do khắc bút bi bằng mỏ hàn nên nét vẽ còn thô, cứng, anh Phận quyết định đầu tư chiếc bút lửa để nét vẽ trở nên mềm mại hơn.

Để làm ra một cây bút tre hoàn chỉnh, người nghệ nhân trước hết phải tạo ra hình thù nguyên bản của bút bi gồm ngòi bút, ống mực, thân ống tre. Sau đó, anh Phận mới bắt đầu khắc theo hình đã được phác thảo sẵn, rồi thêm những dòng thơ, văn.

Bút lửa là dụng cụ để người nghệ nhân sử dụng khắc trực tiếp lên thân tre.

Công đoạn khó nhất chính là khắc lên bút, bởi chỉ cần sai một nét hoặc một lỗi chính tả, người nghệ nhân phải bỏ cả cây bút để làm lại từ đầu. Vậy nên, sản phẩm bút bi tre chứa trọn tâm huyết, sự tỉ mỉ của người thợ đặt vào. Anh Phận luôn khiến khách hàng ngạc nhiên vì hình ảnh được khắc vô cùng tinh tế.

Thành thạo trong việc khắc bút, người nghệ nhân chỉ mất 10-15 phút cho một tác phẩm đơn giản. Đối với những tác phẩm phức tạp như hình Phật có kích thước lớn, anh Phận có thể mất đến 1 ngày rưỡi để hoàn thành.

Sản phẩm anh Phận tâm đắc nhất là bút bi tre khắc hình Mẹ Quan Âm và bài Chú Đại Bi gồm 84 câu, 415 chữ.

Giá thành của mỗi cây bút tre giao động từ 95.000 đến vài triệu đồng, tùy thuộc vào sự tinh tế, tỉ mỉ của mỗi tác phẩm.

Đối với những cây bút bi khắc hình Phật, anh Phận dường như ‘khó tính’ hơn. Anh Phận quan niệm mỗi người là một vị Phật, ai cũng đều có Phật tính bên trong mình, vì thế, những món đồ mang năng lượng cao này cần được người dùng trân trọng hơn.

Những sản phẩm mang cảm hứng, ý nghĩa cá nhân, anh Phận sẽ giữ lại làm kỷ niệm chứ không bán dù bất cứ giá nào.

“Những cây bút khắc hình Phật thì tôi phải xem thái độ của người mua ra sao, bởi mình đâu có bán Phật. Họ chọn khắc hình Phật có nghĩa là họ muốn thỉnh Phật, khi mang tâm lý đi thỉnh thì họ rất trân trọng, trân quý món đồ. Còn những ai nghĩ chỉ cần bỏ tiền ra là mua được thì đôi lúc tôi cũng không muốn bán”, nghệ nhân chia sẻ.

Mỗi tác phẩm, anh Phận đều đặt hết tâm huyết và công sức vào để hoàn thiện.

Theo nghệ nhân 8X, bút bi tre có nguồn năng lượng chữa lành khá mạnh mẽ bởi nó có đủ 5 yếu tố ngũ hành: kim (viên bi của bút), mộc, thủy, thổ (3 yếu tố có trong tre), hỏa (từ bút lửa) trong đó. Là một người yêu thích bộ môn thiền và sống thân thiện với môi trường, anh Phận tin rằng các sản phẩm làm bằng nguyên liệu tự nhiên sẽ giúp người dùng trở nên dễ chịu, thoải mái hơn.

Nghệ nhân 8X và bút bi tre xuất hiện tại các chợ phiên, lễ hội Phố Ông Đồ,... trên địa bàn thành phố. Ảnh: NVCC

Với mong muốn được đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam lên thị trường trong nước và trên thế giới, anh Phận sẽ phát triển nhiều mặt hàng làm bằng tre Việt hơn. Bên cạnh đó, anh sẽ mở triển lãm về các tác phẩm bằng tre để người Việt, người nước ngoài có thể tham quan.

Hiện tại, bút bi tre của anh Phận ngày càng chiếm được sự ưa chuộng của nhiều khách hàng ở TP. HCM và ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Một số hình ảnh về tác phẩm làm bằng tre do anh Phận thực hiện:

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghe-nhan-khoac-hon-thien-vao-than-tre-viet-post187234.html