Nghệ nhân góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

Hiện nay, tỉnh ta có 2 nghệ nhân nhân dân và 33 nghệ nhân ưu tú. Đây là những nghệ nhân có nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể của các dân tộc. Bên cạnh đó, còn có nhiều nghệ nhân dân gian đã và đang thầm lặng cống hiến cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa cội nguồn dân tộc.

Các nghệ nhân xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai tích cực tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Ảnh: PV

Các nghệ nhân xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai tích cực tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Ảnh: PV

Mỗi nghệ nhân dân gian dành tâm huyết cho từng loại hình văn hóa phi vật thể, như: Nghệ thuật trình diễn dân gian, tiếng nói chữ viết, ngữ văn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng... Dù ở lĩnh vực nào hay thuộc dân tộc nào thì điểm chung ở các nghệ nhân là niềm say mê bất tận với văn hóa truyền thống, có người dành cả đời mình cho việc nghiên cứu, sưu tầm, chuyển thể thành những bộ sách đồ sộ ghi lại toàn bộ tri thức dân gian của dân tộc. Họ là những người nặng lòng với truyền thống, văn hóa nguồn cội, luôn trăn trở, suy nghĩ và tìm mọi cách để trao truyền lại cho con cháu di sản văn hóa vô giá của dân tộc. Trong tiềm thức mỗi nghệ nhân, văn hóa truyền thống chính là nguồn cội, gốc rễ cho sự phát triển của cả một cộng đồng người, sự trường tồn của dân tộc.

Hơn 60 năm say mê nghiên cứu và sưu tầm văn hóa Thái, Nghệ nhân nhân dân Lò Văn Lả, phường Tô Hiệu, Thành phố đã có một “gia tài” đồ sộ với 27 tập, hơn 3.000 bài, gần 17.000 trang viết bằng chữ Thái, phiên âm tiếng dân tộc Thái về các câu chuyện bản mường, bài hát cúng, ca dao, tục ngữ.... Ông Lả chia sẻ: Điều lớn nhất tôi mong muốn khi dày công nghiên cứu văn hóa dân tộc là lưu giữ lại cho thế hệ con cháu giá trị văn hóa phi vật thể thông qua văn bản và chữ viết cụ thể chứ không đơn giản chỉ là truyền khẩu, truyền tay trước đây. Thông qua các tài liệu đã được hệ thống hóa, người đọc có thể dễ dàng tìm hiểu để biết rõ hơn vấn đề cần nghiên cứu.

Tại Quỳnh Nhai, vùng đất có truyền thống văn hóa đặc sắc luôn được bảo tồn và phát huy tốt, lưu giữ được nhiều lễ hội độc đáo và các giá trị văn hóa mang đặc trưng riêng có của vùng sông nước. Để làm được điều đó phải kể đến sự đóng góp rất lớn của các nghệ nhân. Hiện nay, huyện có 1 nghệ nhân nhân dân, 8 nghệ nhân ưu tú đã được công nhận, ngoài ra còn có 18 nghệ nhân dân gian là những người am hiểu sâu sắc ở những lĩnh vực khác nhau và đã, đang cống hiến không ngừng cho việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn huyện.

Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Huyện luôn có những chính sách ưu tiên và khuyến khích các nghệ nhân không ngừng đóng góp vào việc bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, giao lưu văn nghệ, phục dựng lễ hội truyền thống hoặc tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn... để nghệ nhân có cơ hội thể hiện tài năng, truyền dạy văn hóa, giúp các nghệ nhân phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc khơi dậy niềm yêu thích văn hóa và tự hào dân tộc với mọi người, nhất là thế hệ trẻ.

Ông Hoàng Văn Chiêm, xã Mường Giàng, Quỳnh Nhai, Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực trình diễn dân gian, nói: Được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú vừa là niềm vinh dự lớn lao của bản thân và gia đình, cũng vừa là trách nhiệm luôn nhắc tôi phải nỗ lực hơn nữa để đóng góp công sức gìn giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Vì vậy, tôi thường dạy các cháu trong nhà chơi đàn tính, hát then, dạy con trai cách chế tác đàn tính để lưu giữ văn hóa truyền thống ngay từ trong gia đình và tham gia tích cực các hoạt động truyền dạy văn hóa Thái cho các đội văn nghệ xóm, bản của huyện.

Là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là những thành viên trong cộng đồng dân cư, các nghệ nhân dân gian luôn được cộng đồng tin tưởng, trân trọng. Các nghệ nhân, dù có danh hiệu hay không, vẫn luôn miệt mài sáng tạo, cống hiến, truyền dạy dân ca, dân vũ, tri thức dân gian... cho lớp lớp con cháu. Trong xây dựng đời sống văn hóa hiện nay, nghệ nhân càng có vai trò quan trọng, là nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân về bài trừ hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh, chung tay xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Đa số các nghệ nhân hiện nay đều ở độ tuổi đã cao và ngày càng ít thế hệ kế cận. Vì vậy, rất cần có chính sách ưu tiên, đãi ngộ và tôn vinh kịp thời đối với các nghệ nhân dân gian. Đó sẽ là động lực để các nghệ nhân phát huy vai trò, tính sáng tạo, bồi dưỡng cho lớp kế cận công tác bảo tồn di sản, góp phần không nhỏ để gìn giữ và phát huy hiệu quả những giá trị tốt đẹp trong văn hóa truyền đời của các dân tộc.

Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/nghe-nhan-gop-phan-bao-ton-di-san-van-hoa-phi-vat-the-XoefdrdIg.html