Nghề làm mẫu, thử quần áo cho người chết

Chuyên bán thọ y - trang phục cho người đã mất - Ren Sainan (28 tuổi, Trung Quốc) vấp phải nhiều lời đàm tiếu không hay, song cô luôn tự hào với công việc ý nghĩa của mình.

Ren Sainan, cô gái sinh năm 1995, đến từ tỉnh Hà Nam, đang làm công việc được nhiều người xem là cấm kỵ: nghề người mẫu thọ y, trang phục khâm liệm cho người đã mất.

Hiện tại, Sainan làm việc cho một cửa hàng thọ y ở Trịnh Châu. Bên cạnh làm mẫu và tư vấn, cô cũng tham gia vào quá trình thiết kế và may đồ.

Trong cuộc phỏng vấn với The Paper, cô bày tỏ niềm tự hào với công việc đặc biệt của mình. Cô cho rằng bản thân may mắn khi xã hội ngày càng cởi mở khi bàn luận về cái chết, thậm chí nhiều người trẻ tuổi coi đây là cơ hội kinh doanh, tạo dựng lĩnh vực riêng của mình.

Bán quần áo cho người đã mất

Năm 2017, sau khi tốt nghiệp đại học, Sainan bắt đầu làm việc cho một cửa hàng chuyên trang phục thọ y trên Taobao - nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc. Ban đầu, cô khá e ngại nhưng bạn trai đã cổ vũ để cô tự tin hơn.

Nhưng phải đến khi gặp hai vị khách là cặp vợ chồng già đi mua áo quan cho con gái mắc bệnh nặng, suy nghĩ của Sainan về nghề này mới có sự thay đổi lớn. Câu chuyện quá đau lòng nhưng cũng rất ấm áp khiến cô cảm nhận được giá trị mà công việc mình đang làm mang lại.

Cô nhớ lại con gái của vợ chồng kia mới 29 tuổi, mắc ung thư, bệnh tình ngày càng chuyển xấu. "Hãy chọn cho chúng tôi bộ y phục nào trẻ một chút", hai vị khách nói với Sainan. Cuối cùng, họ chọn bộ đồ khâm liệm kiểu Hán phục.

Những tưởng mọi chuyện sẽ kết thúc ở đó, nhưng Sainan bất ngờ khi nhận được bức ảnh cô gái mặc bộ đồ mà cô tư vấn. Cô gái trẻ với gương mặt nhợt nhạt đang đứng trong hành lang bệnh viện, mỉm cười nhẹ nhàng khi nhìn vào ống kính.

"Cảm ơn cháu, con gái chúng tôi rất thích bộ đồ. Dù đau lòng, chúng tôi cũng đã được an ủi đôi chút", cặp vợ chồng nhắn cho Sainan.

 Ren Sainan làm người mẫu và thiết kế, may y phục cho người đã mất.

Ren Sainan làm người mẫu và thiết kế, may y phục cho người đã mất.

Một lần khác, vào đêm khuya, cô nhận được cuộc gọi yêu cầu giao gấp bộ đồ khâm liệm. Hóa ra, vị khách đã đặt mua thọ y trên Taobao nhưng hàng chưa kịp giao, người thân của họ đã qua đời.

Sainan thuyết phục cô gái kia mua một bộ thọ y khác ở gần nhà, nhưng đối phương nói: "Mẹ tôi thích bộ này".

Sáng hôm sau, Sainan tìm được một người chuyển phát nhanh và điều phối để giao được hàng ngay trong ngày.

Vài ngày sau, cô nhận được điện thoại cảm ơn: "Tôi không biết nói gì ngoài cảm ơn, và cảm ơn rất nhiều. Dù chỉ là việc nhỏ, bạn đã khiến trái tim tôi thấy ấm áp nhiều".

Những câu chuyện sinh ly tử biệt đã khiến cô gái 28 tuổi dần cảm thấy cái chết không còn đáng sợ.

"Sinh lão bệnh tử là thứ ai cũng trải qua trong cuộc đời. Người ta luôn mặc trang phục trang trọng vào dịp đặc biệt. Thọ y cũng là lễ phục, tôi mong người ta được từ biệt thế giới này một cách trang nghiêm", cô nói.

Phá bỏ định kiến

Trong những năm làm nghề, công việc thường ngày của Sainan là thiết kế đồ, thảo luận với các chuyên gia khác, trả lời khách hàng và xử lý đơn mua, cô cũng thường xuyên livestream để tư vấn và bán hàng.

Nhiều khách hàng nhìn thấy cô mặc thử thọ y trên livestream thường tỏ ra ái ngại, họ cho rằng "âm khí" của bộ đồ không tốt cho một người trẻ tuổi như Sainan.

Tang lễ và cái chết vẫn còn là một chủ đề cấm kỵ, bởi vậy cô không trách cứ khi người khác cư xử với mình bằng thái độ kỳ lạ.

"Có lần, khi đi họp lớp, tôi nói rằng mình là người mẫu khâm liệm, cô bạn ngồi phía trước không dám ngoảnh mặt lại nhìn. Một số bạn thẳng thừng nói không muốn ngồi cạnh tôi vì sợ xui rủi", cô kể.

Cha mẹ của Sainan cũng không thể chấp nhận việc con gái mình làm nghề này, nhiều lần khuyên cô bỏ việc, nhưng cô đáp lại: "Con nghĩ cần phải có người đứng ra làm điều gì đó tốt đẹp cho những người đã mất".

 Sainan mong muốn phá bỏ định kiến về công việc của mình.

Sainan mong muốn phá bỏ định kiến về công việc của mình.

Tuy nhiên, nữ người mẫu thọ y nhận được rất nhiều lời khen và tình cảm đáng quý từ những dân mạng xa lạ. Bên dưới các bài đăng bán hàng hay buổi livestream của cô, không có bình luận thô tục nào xuất hiện. Nhiều người còn bày tỏ sự hiểu biết và trân trọng nghề này.

Sainan đã chọn chủ động phá bỏ định kiến, bằng cách cố gắng liên hệ nhiều hơn với gia đình và bạn bè, trò chuyện để họ hiểu hơn về công việc của mình. "Tôi biết nhiều người né tránh chỉ vì họ không hiểu hết về thọ y".

Hiện tại, nhiều bạn bè coi cô là "người hùng", thậm chí sẵn sàng đưa cho cô thêm ý tưởng để thiết kế trang phục.

Cảm giác thành tựu lớn nhất của Ren Sainan là giúp khách hàng hoàn thành bộ thọ y đúng ý nghuyện của họ.

Khi tư vấn trang phục cho gia đình một người đã mất, Sainan sẽ tìm hiểu về câu chuyện cuộc đời, nghề nghiệp của người quá cố: người đó thường thích màu gì, thường mặc loại quần áo ra sao, đọc sách hay xem phim cổ trang nào...

"Khách hàng của tôi đối mặt với cái chết bằng thái độ khác nhau. Đằng sau mỗi người đã khuất là một cuốn tự truyện độc nhất vô nhị".

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghe-lam-mau-thu-quan-ao-cho-nguoi-chet-post1418878.html