Nghề làm dấu gỗ, nét đẹp truyền thống trên phố cổ ở thủ đô Hà Nội

Khi đi bộ trong phố cổ của Hà Nội, khách tham quan có thể bắt gặp những cửa hiệu nhỏ làm nghề khắc dấu thủ công, trong đó tập trung nhiều nhất ở phố Hàng Quạt.

Phố Hàng Quạt nằm ở trung tâm phố cổ, là nơi có nhiều cửa hàng bán đồ thờ cúng. Nhưng không khó để nhận ra vẻ đẹp kỳ lạ của một cửa hàng khắc dấu gỗ.

Đặc trưng của cửa hàng này là những người thợ cặm cụi làm việc bên một chiếc bàn nhỏ ở trước cửa, bao quanh bởi hàng loạt khuôn gỗ cùng những con dấu với nhiều hình vẽ và kích cỡ khác nhau.

Trên các con dấu thường khắc chữ triện hay bản khắc tranh, ban đầu con dấu ra đời từ thời phong kiến, nhằm xác thực giấy tờ hay niêm phong tài liệu, thư từ quan trọng.

Nhưng các con dấu không chỉ xuất hiện trong văn bản hành chính nhà nước mà chúng còn có mặt trong những thú chơi, nhất là trong vẽ tranh, thư pháp...

Các nhà Nho thích dùng dấu mộc như một ký hiệu để khẳng định bản thân trên các tác phẩm của mình.

Sau đó, thời đại dần phát triển, từ khi du lịch Việt Nam mở cửa và càng được nhiều bạn bè quốc tế biết tới thì những con dấu này đã trải qua nhiều thay đổi mà không mất đi tính truyền thống vốn có của mình.

Bên cạnh họa tiết thường thấy, những con dấu ngày nay còn là món quà lưu niệm đặc biệt với nội dung đa dạng theo sở thích của khách du lịch trong và ngoài nước, với mức giá 70.000-100.000 đồng. Khách có thể chọn hình trực tiếp tại cửa hàng hoặc gửi file ảnh theo sở thích. Các hình này được người thợ in hoặc vẽ lên bề mặt rồi đo, khắc bằng tay. Bộ đồ nghề của người làm dấu thủ công gồm bút, thước để kẻ, vẽ viền, dao, đục. Dao để khắc các chi tiết nhỏ như đường viền, nét chữ; đục dùng cho những mảng lớn và những tờ giấy trắng phác thảo ý tưởng của khách.

Suốt quá trình làm, con dấu được đặt trên một dụng cụ bằng gỗ, rỗng ruột để người thợ tiện thao tác. Người thợ khắc dấu phải mài phôi, vẽ phác họa rồi mới chạm khắc, tinh chỉnh.

Một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và thời gian như vậy khiến nhiều người thích chăm chú quan sát một người thợ lành nghề với vài con dao khắc biến mẩu gỗ ấy trở thành một tác phẩm nghệ thuật xinh xắn theo yêu cầu của mình, ngay trong cách làm việc của những người nghệ nhân cũng hàm chứa sức hấp dẫn kỳ lạ trong con mắt người ngoài./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nghe-lam-dau-go-net-dep-truyen-thong-tren-pho-co-o-thu-do-ha-noi-post942047.vnp