Nghề kiếm được nhiều tiền hơn Son Heung-min ở Hàn Quốc

Giáo viên dạy online ở các học viện tư thục lớn tại Hàn Quốc có thể kiểm hàng triệu USD mỗi năm, lương thậm chí còn cao hơn 'quốc bảo' bóng đá của nước này.

Thầy giáo Hyun Woo-jin kiếm 15-22 triệu USD mỗi năm nhờ việc dạy Toán online.

10 triệu USD.

Đây là mức lương hàng năm của một phụ nữ Hàn Quốc 40 tuổi. Bà không phải là doanh nhân, CEO, mà là giáo viên dạy online.

Lee Ji-young là một trong nhiều "giáo viên ngôi sao" ở Hàn Quốc - khái niệm để chỉ những giáo viên nổi tiếng, dạy online tại các học viện tư thục lớn như Megastudy và Etoos. Đối tượng học sinh chủ yếu là người chuẩn bị tham gia kỳ thi đại học (CSAT) tại nước này.

Với những "giáo viên ngôi sao", mức độ danh tiếng, thu nhập và sự ngưỡng mộ mà họ nhận được vượt xa các giáo viên thông thường.

Không khác gì thần tượng K-pop

Tháng 3/2023, Lee Ji-young được Đại học Sư phạm (Đại học Quốc gia Seoul) mời đến làm diễn giả cho một buổi hướng nghiệp cho sinh viên năm nhất.

Ngoài hàng trăm sinh viên chen chúc trong hội trường, bài phát biểu của bà Lee cũng thu hút hơn 400.000 lượt xem trên YouTube.

"Tôi nghe nói Lee Ji-young đã đến Đại học Sư phạm. Tôi rất ghen tị với sinh viên trường đó", một người bình luận trên nền tảng dành cho sinh viên đại học.

Giáo viên ngôi sao Lee Ji-young được nhiều học sinh biết đến và ngưỡng mộ.

Lee Ji-young không phải là giáo viên dạy online duy nhất nổi tiếng ở Hàn Quốc. Hyun Woo-jin là một trường hợp như vậy.

Sau khi lấy bằng cử nhân của Đại học Stanford, anh trở về Hàn Quốc dạy Toán online và kiếm được 20-30 tỷ won mỗi năm (khoảng 15-22 triệu USD), thậm chí lương còn cao hơn "quốc bảo" bóng đá Hàn Quốc Son Heung-min, theo Korea Joongang Daily.

Nhờ thu nhập khủng, Hyun Woo-jin sống trong một căn penthouse ở Cheongdam - một trong những nơi đắt đỏ nhất tại Hàn Quốc.

Hình ảnh của thầy giáo cũng được "phủ sóng" khắp nơi, từ xe buýt, tàu điện ngầm và thậm chí là trên những tòa nhà chọc trời.

Tháng 3/2023, một quảng cáo có hình ảnh của Hyun Woo-jin được dán ở ga tàu điện ngầm và cửa hàng bách hóa cùng câu khẩu hiệu ấn tượng: "Người duy nhất có thể đánh bại Hyun Woo-jin là Hyun Woo-jin của tương lai".

Mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên ngôi sao cũng giống như mối quan hệ giữa người hâm mộ và thần tượng K-pop. Học sinh thậm chí còn mua các sản phẩm mang thương hiệu, hình ảnh của giáo viên, ví dụ như túi, cốc và sticker.

Tài khoản mạng xã hội của các giáo viên cũng thu hút lượng lớn người theo dõi. Instagram của Hyun Woo-jin có khoảng 216.000 người theo dõi còn Lee Da-ji, một giáo viên ngôi sao dạy môn Lịch sử cũng có hàng chục nghìn người đăng ký trên kênh YouTube.

Học phí đắt nhưng ai cũng chuộng

Hàn Quốc cung cấp nhiều bài giảng trực tuyến và miễn phí thông qua EBS - đài truyền hình giáo dục công cộng. Nhưng vì lớp học của các giáo viên ngôi sao (bao gồm bài giảng và đề thi thử) thường áp dụng rất hiệu quả cho các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi đại học, nên bài giảng của EBS thường có phần lép vế hơn.

Do đó, dù phải bỏ ra một số tiền không nhỏ, có thể lên đến 2-3 triệu won mỗi tháng (1.400-2.200 USD), học sinh Hàn Quốc vẫn sẵn sàng đăng ký theo học.

Sự nổi tiếng của giáo viên dạy online cũng có liên quan trực tiếp đến sự phổ biến của giáo dục tư thục tại Hàn Quốc. Giáo dục tư thục ở đây bao gồm dịch vụ giáo dục ngoài chương trình học ở trường, bao gồm dạy kèm hoặc học ở các trường luyện thi tư nhân hoặc học viện tư.

Khu vực Daechi-dong luôn tấp nập học sinh ra vào các lớp học thêm. Ảnh: Yonhap.

Theo báo cáo cáo của chính phủ Hàn Quốc, tổng chi tiêu cho giáo dục tư thục của học sinh tư nhân trong năm 2022 là 26.000 tỷ won. Đến năm 2023, con số này tiếp tục tăng lên 27.100 tỷ won. Ước tính gần 80% học sinh tiểu học, THCS và THPT đều học thêm ở các trường tư.

Nếu tính đến năm 2022, học sinh tiểu học có tỷ lệ tham gia giáo dục tư thục cao nhất với 85,2%, tiếp đó là học sinh THCS với 76,2% và học sinh THPT là 66%.

Ở những khu vực như Daechi-dong của Gangnam, nơi được mệnh danh là trung tâm giáo dục tư thục của Hàn Quốc, các học viện, trung tâm giáo dục được được đặt tại đây và thu hút đông đảo học sinh theo học.

Khi đến Daechi-dong, cảnh tượng thường thấy chính là từng tốp học sinh mang balo đựng đầy sách vở bước ra bước vào từ một lớp học thêm.

Khi đồng hồ điểm 22h - thời gian chính phủ quy định dừng các lớp học thêm - đường phố lại chật cứng ôtô của phụ huynh đến đón con.

Nhưng một điều gần như mọi người đều biết là các trường dạy thêm đều tìm cách "lách luật". Sau 22h, nhiều giáo viên vẫn tiếp tục dạy học cho trẻ. Họ sẽ kéo rèm che kín cửa sổ để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.

Bàn về vấn đề học thêm ở trường tư, các chuyên gia nhận định giáo dục tư thục phổ biến cũng nhờ nhiều học sinh học thêm, đạt điểm cao trong các kỳ thi quan trọng.

Động lực lớn nhất để các gia đình sẵn sàng bỏ tiền cho con học chính là sợ con mất lợi thế cạnh tranh khi chuẩn bị vào đại học.

Các chuyên gia cũng cảnh báo chuyện này có thể gây ra khoảng cách giáo dục giữa trẻ em ở các gia đình thu nhập cao và thu nhập thấp, cuối cùng ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của các em.

"Khoảng cách chi tiêu của các gia đình cho việc học của con chắc chắn sẽ dẫn đến khoảng cách thu nhập của con cái họ. Điều này về lâu dài có thể gây ra nghèo đói 'di truyền'", nhà nghiên cứu Woo Cheon-sik từ Viện Phát triển Hàn Quốc nhấn mạnh.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nghe-kiem-duoc-nhieu-tien-hon-son-heung-min-o-han-quoc-post1469317.html