Nghề hạnh phúc

Những nữ hộ sinh tại Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai với đôi tay dịu dàng, mềm mại cùng trái tim nhân hậu luôn tự hào khi mang trong mình sứ mệnh nhân văn, đó là trở thành người đầu tiên đón những trẻ sơ sinh đến với cuộc đời và cũng là người chăm sóc sức khỏe trực tiếp cho cả mẹ và bé.

Đó là những câu nói quen thuộc của các nữ hộ sinh với sản phụ Nông Thị Thùy (dân tộc Tày) trong 6 ngày ở lại theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai sau khi sinh con đầu lòng.

Nhớ lại lúc những cơn gò xuất hiện báo hiệu chuẩn bị sinh, chị Nông Thị Thùy kể: "Hôm đó, tôi xuất hiện những cơn đau dồn dập, vội vàng nhập viện nên không kịp chuẩn bị đủ đồ dùng mang theo. Các nữ hộ sinh vừa động viên vừa hỗ trợ tôi từ khâu làm thủ tục, xét nghiệm, tư vấn... đến hướng dẫn người nhà chuẩn bị thêm những thứ đồ cần thiết để sẵn sàng đón em bé".

Không chỉ nhận được sự tin tưởng từ gia đình chị Nông Thị Thùy, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai đã tiếp nhận 4.530 lượt phụ nữ khám thai và đón 1.084 trẻ chào đời. Với khối lượng công việc lớn và áp lực nhưng những nữ hộ sinh tại Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai luôn quan tâm, nhiệt tình chăm sóc chu đáo sản phụ và các trẻ sơ sinh.

Thông thường, mọi người vẫn nghĩ hộ sinh chỉ làm một công việc là hỗ trợ sản phụ trong quá trình “vượt cạn”, điều đó đúng nhưng chưa đủ để nói về công việc của họ - những “người đỡ đầu hạnh phúc” chăm sóc cho các mẹ và bé từ những ngày đầu tiên của quá trình sinh đẻ.

Đến Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai và được “theo chân” các nữ hộ sinh trong một ngày làm việc mới cảm nhận và thấu hiểu những vất vả của nghề hộ sinh. Một ngày làm việc của họ bắt đầu từ giao ban, giao ca với nhân viên trực ngày hôm trước, tiếp nhận thông tin về sản phụ và các em bé để sẵn sàng thực hiện công việc.

Chị Trần Kim Hoa, Hộ sinh trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai cho biết khi có sản phụ đến nhập viện chờ sinh, mỗi hộ sinh sẽ nhanh chóng thực hiện công việc của mình. Người tiếp đón, làm thủ tục hành chính; người hướng dẫn sản phụ thực hiện các xét nghiệm, cách theo dõi thai; người sẽ đồng hành với sản phụ, theo dõi sát những diễn biến trong phòng sinh để có những xử trí kịp thời…

Kể về công việc của mình, chị Hoa chia sẻ, ngoài việc thăm khám, tư vấn trước khi sinh, chị còn hỗ trợ các mẹ và em bé sau sinh như tiêm chủng vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ chào đời đầu tiên, vắc-xin lao, hỗ trợ sàng lọc sau sinh (lấy máu gót chân). Không chỉ vậy, mỗi buổi sáng hằng ngày, chị cùng các nữ hộ sinh còn trực tiếp đến từng buồng bệnh tư vấn cho sản phụ và gia đình các phương pháp hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, phương pháp massage giúp các mẹ biết cách cho con bú đúng, đảm bảo nguồn sữa…

Công việc hằng ngày nhiều không xuể nhưng tôi luôn thoải mái, hạnh phúc khi biết mình đã đóng góp những kiến thức và công sức giúp các mẹ và em bé an toàn, khỏe mạnh. Mỗi tiếng khóc của trẻ là một lời nhắc nhở, động viên tôi cố gắng hơn nữa.

Hộ sinh Trần Kim Hoa chia sẻ.

Nếu như những công việc khác chỉ gói gọn trong khung giờ hành chính, kết thúc ngày làm việc có thể trở về nhà, quây quần bên người thân thì những người trong ngành y nói chung và những hộ sinh nói riêng còn phải trực cả đêm, bởi mỗi ca sinh không báo trước chính xác thời gian. Bên cạnh đó, nghề hộ sinh cũng thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro vì ảnh hưởng đến sinh mạng của mẹ và bé.

Trong 21 năm làm nghề hộ sinh, điều khó khăn nhất và trăn trở nhất của tôi là nhận thức của sản phụ, đặc biệt là các sản phụ người dân tộc thiểu số về sinh đẻ còn nhiều hạn chế. Có trường hợp tới bệnh viện trong tình trạng băng huyết, khi được hỏi thì chỉ lắc đầu, dẫn đến khó khăn trong việc thăm khám.

Hộ sinh Sùng Thị Bình tâm sự.

Chưa kể những giây phút người nhà bệnh nhân mất kiểm soát, có hành vi và lời nói không đúng mực dẫn đến nữ hộ sinh có thể bị hành hung hoặc bị xúc phạm danh dự bất cứ lúc nào. Nhưng, chính niềm đam mê với công việc và tấm lòng bao dung đã giúp các nữ hộ sinh không “chùn bước” trước khó khăn.

Không chỉ thực hiện đúng và đủ công việc hằng ngày giúp “mẹ tròn, con vuông”, mỗi nữ hộ sinh của Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai còn thực hiện tốt nhiệm vụ của một tuyên truyền viên, tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ khoa, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ sức khỏe thời kỳ tiền mãn kinh cho phụ nữ…

Mỗi nữ hộ sinh của Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai đang hằng ngày cống hiến tâm sức cho sự phát triển của bệnh viện và trên hết là góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, mang đến hạnh phúc cho mỗi gia đình.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nghe-hanh-phuc-post371622.html