Nghề giáo - người chèo đò ngang

Người xưa từng nói: Nghề giáo là người chèo đò ngang, đưa khách qua sông, chuyến đò này nối tiếp chuyến đò kia, niềm vui và hạnh phúc vỡ òa sau một chuyến đò trọn vẹn. Người lính Cụ Hồ, thương binh Vương Khả Sơn tốt nghiệp khoa văn Đại học Vinh và anh đã chọn nghề giáo dạy môn văn, tại Trường THPT Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh – một thời là tọa độ lửa, nơi trận chiến của 10 cô gái TNXP Ngã Ba Đồng Lộc bất tử.

Thời trai trẻ Vương Khả Sơn gia nhập quân đội, vượt Trường Sơn vào chiến trường Đông Nam bộ đánh giặc, cứu nước. Ông là tác giả hồi ký “Ký ức chiến tranh” 5 lần tái bản, in hàng vạn bản. Vương Khả Sơn đưa lên trang mạng xã hội chuyện về một nhà giáo là học trò cũ - có hoàn cảnh éo le. Xin tóm lược câu chuyện nhỏ mà không nhỏ, cũng không phải là chuyện của riêng Hà Tĩnh mà là của cả nước, trong đó có Bình Thuận, đáng suy ngẫm, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11.

Ảnh minh họa.

Chuyện rằng, thời kỳ thầy Vương Khả Sơn dạy Trường THPT Đồng Lộc có cậu học trò nghèo Võ Xuân Như, sinh năm 1980, con trai duy nhất trong một gia đình có 5 chị em, quê ở xã miền núi Thượng Lộc. Học xong THPT Võ Xuân Như thi vào cao đẳng sư phạm. Tháng 9 năm 2002, anh trở thành nhà giáo dạy tại Trường THCS Hồng Tân, nay thuộc huyện Lộc Hà. Cha của nhà giáo Võ Xuân Như là thương binh chống Mỹ, 75 tuổi; mẹ anh bị bệnh sức khỏe yếu; vợ là giáo viên mắc bệnh suy thận, 3 con nhỏ sống trong cảnh nghèo khó. Đến năm 2023, nhà giáo Võ Xuân Như đã dạy học ở ngôi trường duy nhất Hồng Tân 22 năm tròn, trường cách nhà 50 km, sáng đi tối về. 22 năm Võ Xuân Như có quãng đường đi và về, theo thầy Vương Khả Sơn là khoảng 260.800 km, gấp hơn 6 lần chiều dài đường xích đạo. Thầy giáo Võ Xuân Như đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng lên cấp trên nhưng đều rơi vào im lặng đáng sợ - viết đơn xin chuyển trường mà không ai đoái hoài, biệt vô âm tín. Nhà giáo trò Võ Xuân Như tâm sự với thầy giáo cũ Vương Khả Sơn, đôi mắt rớm lệ: “Dạ thưa thầy, mấy năm trước em đã nhiều lần làm đơn trình bày hoàn cảnh để xin chuyển trường. Nhưng khi nộp lên cấp trên rồi, hết thảy đều rơi vào im lặng thầy ạ”.

Đầu năm học 2023 – 2024, nhà giáo Vương Khả Sơn nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm có dịp về trường cũ THPT Đồng Lộc họp mặt, gặp lại học trò cũ Võ Xuân Như mới biết cơ sự này. Quả là hoàn cảnh riêng của nhà giáo Võ Xuân Như rất cần sự quan tâm của cấp có thẩm quyền, đơn giản là sau 22 năm ở trường xa, nay cho chuyển về dạy học gần nhà, khoảng cách tương đối. Đặng chẳng đừng, kêu trời khó thấu, nhà giáo Vương Khả Sơn cho bút ký sự việc lên trang mạng xã hội, lời lẽ nhẹ nhàng, xây dựng, trách nhiệm, không trách cứ bất cứ ai, con đói sữa thì xin mẹ cho bú – cứu người phúc đẳng hà sa (!).

Bài viết gây hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, những ý kiến luận bàn - comment cũng rất dễ thương . Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhân ái vào cuộc và mọi việc đã diễn ra có hậu. Nhà giáo Võ Xuân Như đã được Chủ tịch UBND huyện Can Lộc ký quyết định tiếp nhận về Trường THCS Mỹ Lộc, cách nhà 10 km, chỉ bằng 1/5 quảng đường đến trường cũ, quyết định có hiệu lực từ 3/11/2023, trước dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Hai nhà giáo Vương Khả Sơn/Võ Xuân Như cùng cất lên đôi câu thơ rất đáng yêu: Khao khát 22 năm mãi đợi chờ. Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ! Út Mũi Né là đồng đội của nhà giáo, thương binh Vương Khả Sơn. Quan sát thời cuộc, từ mạng xã hội mà chép lại trung thực câu chuyện hy hữu này, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến rất gần. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV rằng: Đời sống nhà giáo khó khăn, năm học 2021 – 2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục, nhiều vấn đề “nóng” đang đặt ra…

Nhà giáo là người chèo đò ngang. Chuyến đò qua sông còn đọng lại mãi và nối tiếp theo cuộc đời. Nhà giáo Võ Xuân Như và tiếng kêu cứu từ nhà giáo Vương Khả Sơn cho cậu học trò cũ, gợi mở một vấn đề khác. Nhà giáo khó, nhưng có những cái khó chính ngành GD-ĐT có thể tự khắc phục, miễn là không vô cảm, sâu sát, giàu tình thương yêu đồng nghiệp, biết lắng nghe, cách mà huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã lắng nghe, nhận ra và đã thực tâm làm, như đối với nhà giáo Võ Xuân Như...

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nghe-giao-nguoi-cheo-do-ngang-114533.html