Nghề đan ghế nhựa tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi

Nhờ có nghề đan ghế bằng dây nhựa, thời gian qua, nhiều lao động ở xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh có thêm công ăn, việc làm, ổn định đời sống.

Nghề đan ghế nhựa tạo việc làm c

Căn nhà của chị Đào Thị Thủy, thôn 2, xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh lúc nào cũng chộn rộn tiếng nói, tiếng cười của người lao động và tiếng lách tách của ghim bấm. Những bàn tay thoăn thoắt đan sản phẩm của người làm và họ sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn nhau để cùng hoàn thành sản phẩm nhanh nhất. Năm 2010, chị Đào Thị Thủy đã tham gia học nghề đan ghế nhựa tại một cơ sở của người quen ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi đã thành thạo nghề, chị về quê mở cơ sở làm hàng gia công ghế nhựa, nhận hàng và phân phối lại cho các hộ dân trong xã cùng làm.

Nhờ đan ghế bằng dây nhựa mà đời sống của nhiều hộ dân trở nên ổn định.

Nhờ đan ghế bằng dây nhựa mà đời sống của nhiều hộ dân trở nên ổn định.

Chị Thủy cho biết, nghề đan ghế bằng dây nhựa khá đơn giản; chỉ cần học nghề từ 10 – 15 ngày, là các chị em có thể nhận hàng là dây nhựa, khung ghế về nhà đan gia công. Người đan giỏi có thể đan 3 chiếc/ngày, thường thu nhập bình quân từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện tại, cơ sở đan nghế nhựa của chị đã tạo được công ăn việc làm thường xuyên từ 50 - 100 lao động tại địa phương. Lao động làm việc tại cơ sở phần đông là các chị em phụ nữ lớn tuổi, bận công việc nhà và đưa đón con đến trường, không có điều kiện đi làm ăn xa. “Gia đình ít đất, chủ yếu sống bằng nghề làm thuê, thu nhập không ổn định. Từ năm 2016 đến nay, nhờ có nghề đan ghế bằng dây nhựa gia đình tôi có công ăn việc làm, thu nhập ổn định”, bà Nguyễn Thị Mận - thôn 3, xã Vũ Hòa chia sẻ.

Chị Trần Thị Vân Anh, ở thôn 2, xã Vũ Hòa thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/tháng với nghề này. Với mức thu nhập trên, lại có điều kiện ở nhà chăm sóc gia đình, cuộc sống của chị Anh trở nên bớt vất vả, ổn định hơn nhiều.

Theo bà Lê Thị Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Hòa, nghề đan gia công ghế nhựa tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương, đồng thời góp phần tăng thu nhập cho gia đình. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tạo thêm cơ hội học nghề, để lao động nông nhàn có việc làm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới”, bà Hòa cho biết thêm.

Có thể nói, nghề đan bàn ghế nhựa khá phù hợp với nhiều lao động nông nhàn ở nông thôn. Sau khi thuần thục nghề, những lao động này có thể tự dạy nhau, nhận nguyên liệu về nhà làm, giúp cải thiện thu nhập của gia đình.

Ngọc Diệp

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/nghe-dan-ghe-nhua-tao-viec-lam-cho-lao-dong-nhan-roi-131798.html