Nghệ An: Giải quyết tình trạng thiếu đất, nhà ở, nước sinh hoạt ở vùng đồng bào DTTSMN là nhiệm vụ quan trọng

Dự án 1 là một trong các dự án rất quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030…Bởi vậy, chính quyền tỉnh Nghệ An đang quyết liệt vào cuộc, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vì liên quan sát sườn đến đời sống người dân.

Phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Vi Văn Sơn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An về những kết quả đạt được, khó khăn và quyết sách của Nghệ An trong dự án này.

Thưa ông, Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là một trong các dự án rất quan trọng vì liên quan đến đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của đồng bào DTTS&MN, vậy kết quả thực hiện dự án này tại Nghệ An như thế nào?

Ông Vi Văn Sơn: Thực hiện Dự án 1, giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch vốn Trung ương giao (bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp) cho Nghệ An dự kiến hơn 340,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách bố trí cho các năm 2022, 2023 là 147,015 tỷ đồng (bao gồm 1,789 tỷ đồng vốn đối ứng của tỉnh).

Vốn đầu tư phát triển, Nghệ An đã hỗ trợ đất ở cho 31 hộ ở 03 huyện Kỳ Sơn (11 hộ), Tương Dương (10 hộ), Quế Phong (10 hộ). Đến nay, các huyện đã phê duyệt đối tượng, thực hiện hỗ trợ 10 hộ, với kinh phí hỗ trợ là 40 triệu đồng/hộ (theo định mức tại Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ); tổng diện tích đất hỗ trợ là 2.050 m2. Ước đến 31/12/2023 thực hiện đạt 100% kế hoạch.

Hỗ trợ nhà ở: hỗ trợ xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, định mức xây dựng 01 căn nhà cấp 4 đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Thực hiện hỗ trợ cho 494 hộ (năm 2022 là 315 hộ, năm 2023 là 179 hộ). Đến nay các huyện đã rà soát, phê duyệt đối tượng các hộ gia đình thụ hưởng. Đã xây dựng hoàn thành 166 căn nhà, đang xây dựng 209 căn nhà, có 119 hộ chưa khởi công xây dựng. Ước đến 31/12/2023 thực hiện đạt 100% kế hoạch.

Nước sinh hoạt tập trung: Đầu tư xây dựng công trình nước tập trung theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên cho người dân vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Bố trí chuyển tiếp cho 25 danh mục dự án khởi công mới của năm 2022 và 01 danh mục khởi công mới năm 2023. Đến nay các công trình đã được triển khai thi công thực hiện.

Đối với nguồn sự nghiệp, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: Ưu tiên hỗ trợ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình. Năm 2022 hỗ trợ 2.838 hộ; năm 2023 hỗ trợ 7.020 hộ. Định mức hỗ trợ là 03 triệu đồng/hộ. Đến nay, các huyện đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Ước đến 31/12/2023 thực hiện đạt 99% kế hoạch.

Hỗ trợ chuyển đổi nghề: Năm 2022 hỗ trợ 938 hộ; năm 2023 hỗ trợ 2.865 hộ. Định mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ. Đến nay đã hỗ trợ 318 hộ; ước đến 31/12/2023 thực hiện đạt 99,8% kế hoạch.

 Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn

Ông đánh giá như thế nào về quá trình triển khai Dự án 1 tại tỉnh Nghệ An, thưa ông?

Ông Vi Văn Sơn: Theo đánh giá của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, kết quả thực hiện Dự án 1 nhìn chung vẫn còn chậm so với kế hoạch. Nguồn vốn Trung ương giao năm 2022 và năm 2023 là hơn 145 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm báo cáo mới chỉ giải ngân được hơn 35 tỷ đồng (tỷ lệ 24,35%).

Cùng với đó, các bước lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ của dự án còn chậm; số hộ được khảo sát có nhu cầu về đất ở, đất sản xuất; tỷ lệ giải ngân hỗ trợ chuyển đổi nghề đang rất thấp (8,36%).

Pháp luật hiện hành không quy định về định mức đất ở, đất sản xuất đối với các hộ gia đình, cá nhân nói chung; hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và dân tộc nói riêng nên việc ban hành Quy định về định mức hỗ trợ đất ở, đất sản xuất gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian.

Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời; số lượng cán bộ của Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng còn thiếu và yếu; công tác cải cách hành chính và thủ tục hành chính còn rườm rà.

Công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chưa thường xuyên, kịp thời. Việc quản lý số liệu, chế độ, thông tin báo cáo ở một số địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc; công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện dự án còn hạn chế.

Trước những bất cập như vậy, tỉnh Nghệ An sẽ làm gì để quyết tâm ''giải bài toán'' trên, thưa ông?

Trước những bất cập như vậy, tỉnh Nghệ An sẽ làm gì để quyết tâm ''giải bài toán'' trên, thưa ông?

Ông Vi Văn Sơn: Hạn chế như tỷ lệ giải ngân tổng thể chậm, trong đó có những nội dung triển khai còn rất thấp và sau gần 2 năm mới ban hành được định mức đất ở, đất sản xuất,…, đó là những bài học sâu sắc về trách nhiệm, sự vào cuộc, trăn trở khi thực thi chương trình của các cơ quan hữu quan và địa phương được thụ hưởng.

Trên cơ sở đó, tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Phiên giải trình về giải quyết tình trạng thiếu đất, nhà ở, nước sinh hoạt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An ông Thái Thanh Quý đã đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương liên quan phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vì liên quan sát sườn đến đời sống người dân.

Do đó, Ban Dân tộc tỉnh sẽ cùng các huyện được thụ hưởng khi triển khai Dự án 1 phải quan tâm thực hiện chính xác, công tâm, khách quan, không để xảy ra sai sót, đặc biệt phải tạo được sự đồng thuận của người dân.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, thanh tra, đôn đốc; gắn với đẩy nhanh quy trình thực hiện các thủ tục liên quan không chỉ đối với Dự án 1, mà còn với các dự án khác thuộc chương trình mục tiêu quốc gia này. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị với Trung ương về những nội dung bất cập trong Dự án 1 và các dự án còn lại của Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030...

Xin cảm ơn ông!

Thành Vinh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghe-an-giai-quyet-tinh-trang-thieu-dat-nha-o-nuoc-sinh-hoat-o-vung-dong-bao-dttsmn-la-nhiem-vu-quan-trong-post273660.html