Nghệ An: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Nguyễn Đức Trung đã ký ban hành Công điện số 09/CĐ-UBND để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024

Theo đó, tại Công điện này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các Ban quản lý dự án và các chủ đầu tư đề cao trách nhiệm, tập trung triển khai quyết liệt hơn nữa, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 46 đoạn TP. Vinh đi thị trấn Nam Đàn .

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội; xác định giải ngân đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cần phải tập trung ưu tiên tổ chức thực hiện. Chịu trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã; các ban quản lý dự án và các chủ đầu tư cần tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để quyết liệt đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các dự án trọng điểm, liên vùng, đường ven biển... Việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải gắn với bảo đảm khối lượng, chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương lập kế hoạch, cam kết giải ngân chi tiết từng dự án theo từng tháng (gồm dự án thuộc kế hoạch năm 2024 và kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024) và tuân thủ nghiêm kế hoạch, cam kết giải ngân. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên...

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án; xem kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024 của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tập thể, cá nhân liên quan.

Chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm vốn đối với các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch được giao; đề xuất bổ sung vốn đối với các dự án có tiến độ tốt, còn thiếu vốn. Quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất phương án cụ thể để tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; xử lý nghiêm theo quy định các tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.

Các ngành, địa phương, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả tỉnh 10 ngày/lần gửi báo cáo giải ngân và giải quyết vướng mắc cho UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư). Các Tổ công tác cấp tỉnh, Tổ công tác cấp phòng về đầu tư công tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, chủ động nắm bắt tình hình, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi sát tiến độ thực hiện giải ngân của các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư; định kỳ 10 ngày/lần thông báo tình hình giải ngân đến Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan, Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; định kỳ hàng tháng, thông báo trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Cổng thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh biểu dương các cơ quan, đơn vị giải ngân tốt, phê bình cơ quan, đơn vị giải ngân chậm tại các phiên họp UBND tỉnh hàng quý.

Rà soát, tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn các dự án giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt, có nhu cầu và khả năng giải ngân vốn bổ sung trong năm 2024. Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến triển khai dự án đầu tư công để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.

Sở Tài chính cân đối, đảm bảo đủ nguồn, kịp thời nhập tabmis cho các công trình dự án để giải ngân vốn; phối hợp, hỗ trợ các chủ đầu tư làm việc với Bộ Tài chính thực hiện thủ tục rút vốn các dự án ODA từ nhà tài trợ kịp thời, bảo đảm đúng quy định. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành, đặc biệt là các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và các dự án được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 để thực hiện giải ngân kịp thời.

Các cơ quan chủ trì tham mưu thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (Sở NN&PTNT, Sở LĐTB&XH, Ban Dân tộc tỉnh): Rà soát phương án phân bổ kế hoạch vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và trình cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn (nếu có) đảm bảo theo đúng mục tiêu, đối tượng, địa bàn và nội dung hỗ trợ. Thường xuyên đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 các chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm cả kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024). Hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời lựa chọn đơn vị thực hiện thí điểm phân cấp theo quy định tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Các sở, ngành quản lý xây dựng chuyên ngành (Xây dựng, Giao thông vận tải, NN&PTNT, Công an tỉnh,...) cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung ưu tiên, rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ liên quan đến thẩm định dự án, điều chỉnh dự án, thẩm định thiết kế - dự toán,... tạo điều kiện để chủ đầu tư sớm hoàn thành thủ tục, thi công công trình và giải ngân vốn.

Kho bạc Nhà nước tỉnh chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các huyện, thành phố, thị xã kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán.

UBND các huyện, thành phố, thị xã xử lý dứt điểm các vấn đề vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm bàn giao mặt bằng sạch cho dự án đúng tiến độ.

Tuấn Quỳnh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nghe-an-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-von-ke-hoach-dau-tu-cong-87067.html