Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Khám và phát thuốc cho trẻ em ở mái ấm Thiên Thần

Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, đoàn y bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã đến khám và phát thuốc cho trẻ em ở mái ấm Thiên Thần.

Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024), đoàn bác sĩ Bệnh viện Da Liễu TP.HCM phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đã thăm khám, phát thuốc, tặng quà cho 130 trẻ em tại cơ sở bảo trợ trẻ em mái ấm Thiên Thần, tại địa chỉ số 203 đường số 1, phường Long Trường, thành phố Thủ Đức.

Đoàn y bác sĩ thăm khám cho trẻ em mái ấm Thiên Thần

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi, Phó trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, nhận được thông tin các bé ở cơ sở bảo trợ trẻ em mái ấm Thiên Thần bị một số bệnh ngoài da, được sự đồng ý của ban lãnh đạo bệnh viện, đoàn y bác sĩ của bệnh viện đã phối hợp với đoàn y bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM) đến thăm khám và phát thuốc tại mái ấm Thiên Thần.

Theo bác sĩ Nhi, nguyên nhân nhiều trẻ em bị bệnh ngoài da như viêm da cơ địa, ghẻ, nấm, nhọt.. là do môi trường sống kém vệ sinh, đông đúc khiến tăng tỷ lệ lây nhiễm.

Bên cạnh việc khám các bệnh ngoài da, đoàn y bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng cũng đã thăm khám tai, mũi, họng, đồng thời gắp ra nhiều dị vật mà trong quá trình chơi đùa, các bé đã nhét vào tai.

“Đây cũng là hoạt động nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngoài thăm khám, phát thuốc, tặng quà, đoàn y bác sĩ của cả 2 bệnh viện đã tuyên truyền, hướng dẫn cách chăm sóc vệ sinh nơi ăn, chốn ở để đảm bảo sức khỏe cho các bé”, bác sĩ Nhi nói.

Liên quan đến các bệnh về da dễ lây nhiễm ở môi trường tập thể, bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thùy, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, có rất nhiều bệnh dễ lây nhiễm, trong đó bệnh ghẻ là một bệnh nhiễm ký sinh trùng rất phổ biến.

Mái ấm Thiên Thần có 130 trẻ em từ 0 - 13 tuổi.

Theo bác sĩ Thùy, chẩn đoán lâm sàng không phải lúc nào cũng dễ dàng, soi da là một công cụ chẩn đoán rất hữu ích. Việc điều trị dựa trên các biện pháp vệ sinh và thuốc bôi ngoài da hoặc thuốc uống là những liệu pháp được sử dụng thường xuyên nhất.

Ngoài ra, bác sĩ Thùy lưu ý, để phòng bệnh ghẻ, mọi người cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở sạch sẽ; tránh tiếp xúc trực tiếp giữa da với da, hoặc tiếp xúc với đồ dùng của những người bị ghẻ.

Bên cạnh đó, khi giặt quần áo, chăn màn, đồ dùng của người bệnh, nên ngâm xà phòng đậm đặc, luộc sôi. Cần phơi đồ dùng của người bệnh cách xa với những người xung quanh. Cách ly người bệnh, không dùng chung quần áo, không ngủ chung. Những người có nguy cơ, tiếp xúc gần gũi nên được chăm sóc y tế để điều trị phòng ngừa.

“Khi có các biểu hiện, ngứa dữ dội và tăng lên vào ban đêm; có thương tổn đỏ, bong vảy da, thỉnh thoảng có các nốt và sẩn đóng vảy gặp ở các nếp kẽ, bờ bên các ngón tay, nấp gấp cổ tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân…người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời”, bác sĩ Thùy nhấn mạnh.

Lâm Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ngay-thay-thuoc-viet-nam-kham-va-phat-thuoc-cho-tre-em-o-mai-am-thien-than-166740.html