Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2): Nghĩ về sự cống hiến thầm lặng của những người mặc áo blouse

Thực tế, có rất nhiều y bác sĩ hỗ trợ rất tốt cho người bệnh. Sự tử tế trong đưa ra phác đồ điều trị để bệnh nhân ít tốn kém nhất nhưng vẫn hiệu quả chính là y đức, tính thiện nằm sâu bên trong, bên cạnh chức nghiệp của thầy thuốc.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) nghĩ về những người gieo bình yên. Ảnh minh họa.(Nguồn: Vietnamnet)

Mỗi khi đến ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi lại nhớ cô Hoa, y sĩ ở làng mình. Cô Hoa làm y sĩ từ trước ngày giải phóng. Sau khi đi đất nước hòa bình, cô tiếp tục công việc ấy, là một người bán thuốc, đỡ đẻ duy nhất trong làng lúc bấy giờ. Ngoại tôi hay kể, cô Hoa là người đỡ đẻ cho cả cái làng này. “Chính bây cũng được cổ đỡ đẻ mới mẹ tròn con vuông đó”, ngoại nói.

Tôi không quên được thời khăn khó, những năm chín mươi mấy, làng tôi ai cũng nghèo. Nghèo đến nỗi không có tiền mua thuốc uống, ngoại với má tôi nhiều lúc bệnh nhưng cũng ráng chịu, có khi kiếm lá cây trong vườn uống đỡ, kiểu xưa bày nay bắt chước. Chẳng hạn, hễ đau bụng là kiếm đọt chè tàu, lá ổi giã nhuyễn, vắt nước uống hoặc nhai cũng được... Chẳng biết có đúng không, nhưng phương cách uống đọt ổi, lá chè tàu cũng giúp nhiều người ở quê trong vụ bị đau bụng.

Ngoại tôi thì hay giã mấy tép sả, nén, rồi đổ tí nước vào, xong ép lấy một hai muỗng canh cho tôi uống mỗi khi bị đầy hơi, ói mữa. Phải đau bệnh dữ lắm mới chạy tới nhờ cô Hoa và dù chạy giờ nào cô cũng mang cái túi với đủ dụng cụ tiêm chích, thuốc uống các kiểu đến tận nhà. “Con thấy đau chỗ mô, đau răng nói cô nghe”, cô nói bằng giọng Quảng Nam đầy an ủi.

Tất nhiên, khi đau bệnh mà có người thầy thuốc đến là an tâm. Tôi khai hết ra và được chích cho một mũi, cho vài cữ thuốc, xong cô hẹn mai lại đến. “Chích vài ngày là con khỏe đi học lại được hà”, cô nói. Tôi mừng vì được cho uống thuốc và chích cho mau khỏe để đến trường. Có lẽ nhờ sự an tâm ấy cùng với bắt đúng bệnh, cho đúng thuốc nên nhiều đợt tôi được hết bệnh bởi cô. Người trong làng cảm thấy biết ơn vô cùng vì có người biết y dược để giúp người bệnh còn nhiều khăn khó, nhất là khi bệnh viện huyện ở xa, phải qua một con đèo mới tới.

Đã vậy, cô Hoa còn bán thuốc “chịu”, tức cho bà con trong làng ghi nợ khi chích hoặc lấy thuốc khi có bệnh, đến mùa thu hoạch lúa mới bán thóc rồi trả tiền sau cũng được. Thời kinh tế khó khăn sau bao cấp ấy, hẳn thế hệ 7x, 8x của chúng tôi, ai cũng trải qua để rồi thầm biết ơn những người thầy thuốc có thể không có bằng cấp cao, đầy đủ, nhưng bằng kinh nghiệm, đã đỡ đẻ và cứu người ở quê rất nhiều.

Không có gì khổ hơn lúc bệnh. Không chỉ người bệnh mà người nhà bệnh nhân cũng bối rối, khổ sở. Có những gia đình vì có một người không may bị tai nạn hoặc bệnh nặng đã khánh kiệt, rơi vào cảnh nợ nần, khốn khó do phải dồn toàn lực để chữa trị. Có khi phải rút hết tiền tiết kiệm, thậm chí bán nhà cửa, đã vậy người thân phải nghỉ việc để chăm sóc… Sự đau khổ và mỏi mệt này của bệnh nhân nếu được bác sĩ, người thầy thuốc trực tiếp nhìn thấy, có thái độ chia sẻ nhẹ nhàng, cởi mở, hướng dẫn tận tình và chu đáo sẽ giúp họ bình ổn tinh thần, đưa ra các quyết định trị liệu đúng đắn cho người thân của mình.

Thực tế, có rất nhiều y bác sĩ đã hỗ trợ rất tốt cho người bệnh. Sự tử tế khi đưa ra phác đồ điều trị để bệnh nhân ít tốn kém nhất nhưng vẫn hiệu quả chính là y đức, tính thiện nằm sâu bên trong, bên cạnh chức nghiệp của thầy thuốc.

Năm 2012, tôi trải qua một ca phẫu thuật chân do bị gãy. Tôi nhớ mãi lời khuyên của bác sĩ Giáp, chuyên khoa chi dưới của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh. Khi thăm khám, bác bảo, “con có thể băng bột nhưng để hai xương liền lại mà không có vấn đề như lệch, gây tật chân cao chân thấp là rất khó”.

Theo bác, khi phát hiện lệch sau băng bột thì vẫn phải mổ cố định chân bằng nẹp và bắt ốc vít. Như vậy càng tốn kém hơn và thời gian điều trị lâu hơn, càng đau đớn hơn. Nghe phân tích chi tiết, hợp lý của bác, tôi quyết định mổ ngay thay vì làm theo lời khuyên bó bột đợi lành của một vài người khác. Bác sĩ Giáp là người trực tiếp cùng ê-kíp mổ cho tôi, sau một tháng, tôi đã tập tành đi lại bằng nạng và sau đó không lâu thì khỏi hẳn.

Trong cuộc sống, "sinh-lão-bệnh-tử" là điều tất yếu. Đó cũng là bốn cái khổ chính yếu của kiếp người, ai cũng trải qua. Lúc bệnh thì có thầy có thuốc, nếu được thầy thuốc giỏi, có tâm chăm sóc, trị liệu, bệnh nhân sẽ mau khỏe hơn, an tâm hơn.

Ở nước ta, mật độ bác sĩ và giường bệnh trên số dân còn thấp. Trong đó, mật độ giường bệnh trên dân số hiện phân bố không đồng đều ở các vùng. Theo Bộ Y tế, con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra trong nghị quyết 20-NQ/TW là 30 giường bệnh/1 vạn dân năm 2025 và 32 giường bệnh/1 vạn dân đến năm 2030.

Cụ thể, vùng Tây Nguyên mới đạt 21,8 giường bệnh, Đồng bằng sông Cửu Long là 24,3 giường bệnh. Số giường bệnh cho nhu cầu sử dụng trong tương lai là một trong các tiêu chí để xem xét việc quyết định đầu tư mở rộng và đầu tư mới cơ sở y tế. Tương tự, mật độ bác sĩ trên dân số ở một số vùng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 10 bác sĩ/vạn dân năm 2025 và 11 bác sĩ/vạn dân năm 2030. Số bác sĩ trên dân số trung bình của cả nước năm 2020 là 9,8 bác sĩ.

Tuy nhiên, vùng Tây Nguyên mới chỉ đạt 7,2 bác sĩ, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ 7,6 bác sĩ. Chính điều này gây ít nhiều tâm lý cho người thầy thuốc khi họ “gánh” số bệnh nhân nhiều hơn mức tiêu chuẩn. Do vậy, khi nghĩ đến sự mệt mỏi tất yếu của đội ngũ y bác sĩ, thường tôi sẽ cảm thông nhiều hơn nếu phải gặp một vị khám, tư vấn hơi qua loa hoặc chưa thật chu đáo, tận tình.

Bệnh nhân và bác sĩ cảm thông cho nhau. Một bên, người bệnh còn khó khăn chưa thể chọn dịch vụ tốt nhất, một bên phải chịu áp lực con số bệnh nhân phải thăm khám, chăm sóc nhiều. Hiểu sẽ thương và hài hòa trong ứng xử để nhìn thấy ở người thầy thuốc tinh thần cứu người là trên hết và biết ơn. Người thầy thuốc cũng thấy bệnh nhân đa số là người nghèo để kê đơn, chỉ định phù hợp.

Với tôi, thầy thuốc chính là những thiên thần gieo bình yên. Thực sự, nếu có bệnh hoặc có người nhà bị bệnh, không có những người khoác áo blouse xuất hiện kịp thời thì người bệnh cùng thân nhân sẽ vô cùng hoang mang, bối rối...

Lưu Đình Long

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngay-thay-thuoc-viet-nam-272-nghi-ve-su-cong-hien-tham-lang-cua-nhung-nguoi-mac-ao-blouse-262162.html