Ngày Tết Việt ăn món gì để may mắn cả năm?

Từ bao đời nay, nhiều hương vị truyền thống Việt được người dân quan niệm đem tới sức khỏe, niềm tốt lành và sự thịnh vượng, không thể thiếu trong dịp năm mới.

Canh khổ qua được các gia đình chuẩn bị trong mâm cơm ngày Tết bởi nó thể hiện niềm hy vọng về một cuộc sống sung túc, mọi khổ cực sẽ dần qua đi. Vị ngọt đậm đà của nước súp kết hợp vị đắng đặc trưng của khổ qua tạo cho món ăn hương vị đặc biệt và tốt cho sức khỏe. Món canh này được chế biến từ những trái khổ qua được làm sạch ruột sau đó nhồi hỗn hợp thịt băm, nấm, mộc nhĩ, miến và nêm nếm gia vị rồi đem nấu chín. Ảnh: Anngonvakhoe.

Gà luộc tượng trưng cho cuộc sống ấm no, an khang và cầu gì được nấy. Thịt gà luộc là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của nhiều gia đình Việt. Thông thường gà sẽ được luộc nguyên con để dâng cúng tổ tiên. Gà sau khi cúng được chặt miếng thật đẹp, ăn cùng lá chanh, muối tiêu và xôi. Ảnh: Bùi Thủy.

Giò chả mang ý nghĩa cầu mong “trong ấm ngoài êm”, hàm ý tạo ra phúc lộc đầy nhà, mang đến một năm may mắn. Giò chả thường được ăn kèm với dưa hành hay củ kiệu - một món được ưa chuộng trong ngày Tết của cả 3 miền. Nhờ vị chua nhẹ, cay dịu, thơm nồng của kiệu sẽ giúp các món như giò chả bớt ngậy và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Trong quan niệm của người xưa, củ kiệu, dưa hành ngày Tết tượng trưng cho tiền bạc, vinh hoa và phú quý. Ảnh: Chabiotxiemxanh.

Thịt kho hột vịt (hay thịt kho tàu) thường được chế biến sẵn để dùng dần trong các ngày Tết cổ truyền, khi nhà nhà đều bận rộn với những công việc trong mấy ngày Tết, không có thời gian để nấu ăn thường xuyên. Thịt ba chỉ được thái thành miếng vuông vừa ăn, tẩm ướp gia vị rồi đem kho cùng trứng đã luộc sẵn. Phần thịt hình vuông, quả trứng tròn thể hiện sự đoàn viên, gia đình gắn kết và mong ước viên mãn trong năm mới.

Món ăn có đặc điểm là càng kho thì hương vị càng đậm đà, thịt mềm hơn. Khi dùng bữa, bạn có thể dọn món ra ăn ngay với cơm nóng. Ảnh: Quanbuirestaurant.

Thịt đông là đặc sản của xứ lạnh, gồm nhiều nguyên liệu khác nhau như thịt chân giò, tai heo, thịt gà, mộc nhĩ, nấm hương… Phần thạch trong suốt đẹp mắt tượng trưng cho sự trong trẻo, tinh khôi của một năm mới. Phần nhân hòa quyện và kết dính tự nhiên, ngụ ý về tình cảm lứa đôi hòa hợp. Ảnh: Knorr.

Xôi gấc nổi bật với hạt nếp đỏ tươi, căng bóng, vừa dẻo lại thơm mùi mỡ gà không thể thiếu trong mâm cổ ngày Tết. Vì có màu sắc đặc biệt nên xôi gấc mang ý nghĩa tượng trưng cho sự may mắn, phúc lành, sắc xuân tươi mới, cho tình yêu, hạnh phúc viên mãn. Màu đỏ của gấc là màu tự nhiên của đất trời, mang đến sự hài hòa trong cuộc sống, thuận lợi trong năm mới. Xôi gấc được coi là món đầu tiên để đón lấy may mắn ngày đầu năm sau lễ cúng tổ tiên. Ảnh: Hà Việt Anh.

Dưa hấu được chọn là thức quả dâng tổ ngày Tết bởi rất nhiều ý nghĩa. Với hình dáng tròn trịa, ruột đỏ vỏ xanh, mọng nước căng tròn, loại quả này là biểu tượng cho những gì viên mãn trong năm mới. Dưa hấu còn mang ý nghĩa cầu tài, cầu lộc, sự may mắn, thuận lợi. Dưa hấu cũng biểu thị cho sự sinh sôi vì có nhiều hạt. Ảnh: Pixabay.

Khánh Vân

Nguồn Znews: https://znews.vn/ngay-tet-viet-an-mon-gi-de-may-man-ca-nam-post1457514.html