Ngày Quốc khánh trên công trường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

2h sáng, khi mọi người còn đang ngon giấc ngày nghỉ Quốc khánh 2/9 thì kỹ sư Chu Văn Quân và nhóm công nhân đã bắt đầu làm việc trên công trường dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Công việc của họ hôm nay là thảm bê tông nhựa nóng.

Đêm mát rượi, nghe rõ mùi gió tanh tanh mằn mặn từ biển Cam Ranh phóng khoáng thổi vào.

Tất bật trên công trường ngày Quốc khánh

Ông Trần Lệnh Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 194 cho biết, để đảm bảo tiến độ của dự án, dù là ngày lễ, công ty vẫn huy động bình quân 800 - 1.000 nhân công trên công trường. Công ty 194 cùng Tập đoàn Đèo Cả là liên danh chủ đầu tư đoạn cao tốc phía Đông này.

Chủ tịch HĐQT Công ty 194 Trần Lệnh Phú (giữa) và các kỹ sư kiểm tra trên tuyến, công đoạn thảm bê tông nhựa nóng C25. Ảnh: Đặng Đại.

Chủ tịch HĐQT Công ty 194 Trần Lệnh Phú (giữa) và các kỹ sư kiểm tra trên tuyến, công đoạn thảm bê tông nhựa nóng C25. Ảnh: Đặng Đại.

Ở phía Đèo Cả, nhân công cũng được huy động cả ngàn. Hầm núi Vung là hạng mục quan trọng nhất trên tuyến cũng đã thông được một ống hầm trước ngày Quốc khánh, như một thành tích cho ngày tết Độc lập của dân tộc.

10h sáng, tại đoạn Km74, kỹ sư Chu Văn Quân và kỹ sư vật liệu Lê Văn Khanh liên tục đi dọc tuyến chỉ đạo, giám sát các công nhân đang rải nhựa.

Gần chục xe thảm nhựa, xe lu hoạt động con thoi, tiếng máy ù tai trong cái nắng chói chang miền Nam Trung Bộ.

Hơi nóng từ nhựa đường phả lên hừng hực, không còn cái gió mát rượi buổi đêm. Trên lưng áo công nhân, giọt mồ hôi vừa tuôn ra đã khô ngay, thành những vệt loang muối trắng. Ai nấy da đen nhẻm, chăm chỉ làm việc.

Cách đó gần chục km, trạm trộn bê tông nhựa nóng do kỹ sư Hoàng Xuân Học điều hành cũng hoạt động hết công suất, cung cấp bình quân mỗi ngày 2.000 tấn cho công đoạn thảm nhựa đường.

"Đến 31/12 sẽ thông xe toàn tuyến, kịp đưa vào khai thác dịp 30/4/2024".

Ông Trần Lệnh Phú

Kỹ sư Hoàng Xuân Học (đứng) điều hành hệ thống trạm trộn bê tông nhựa nóng công suất 2.000 tấn/ngày. Ảnh: Đặng Đại.

Kỹ sư Hoàng Xuân Học (đứng) điều hành hệ thống trạm trộn bê tông nhựa nóng công suất 2.000 tấn/ngày. Ảnh: Đặng Đại.

Ông Trần Lệnh Phú cho biết, những ngày tới trạm sẽ nâng công suất lên 2.500 tấn để đáp ứng tiến độ giai đoạn tăng tốc về đích, sẽ thông xe toàn tuyến vào tháng 12 sắp tới.

Kỹ sư Chu Văn Quân cho biết, đây là giai đoạn nước rút nên toàn công trường làm việc với công suất tối đa để bảo đảm bàn giao mặt đường đúng tiến độ cho Bộ GTVT.

Những ngày này, cứ đúng 2h sáng là tất cả ra công trường. Ngày làm việc chia làm nhiều ca, kíp nhưng đều kết thúc vào lúc 23h, 24h.

Đội trưởng thi công cầu số 4, anh Lê Hải Long cho biết: Trừ những ngày mưa gió, còn gần như giai đoạn này đội của anh thi công bất kể ngày đêm.

Xe lu đang lèn mặt đường vừa được thảm nhựa. Ảnh: Đặng Đại.

Xe lu đang lèn mặt đường vừa được thảm nhựa. Ảnh: Đặng Đại.

Mục tiêu thông xe vào 31/12

Để khích lệ kỹ sư, công nhân, ông Trần Lệnh Phú liên tục có mặt trên công trường. Gần như tuần lễ nào ông cũng có mặt ở nhà điều hành dự án, nhất là những dịp lễ, Tết như thế này.

Xuất thân từ quân đội nên trên công trường ông khoác chiếc áo bộ đội màu bạc thếch, đội chiếc nón cối quân ngũ quen thuộc.

Ông dặn dò một nhóm nhân công nữ đang lèn ta luy để trồng cỏ và khích lệ: "Ai làm giỏi thì khi dự án hoàn thành chú cho làm ở trạm thu phí luôn nhé!". Mọi người nghe và rất vui.

Ông Phú cho biết, đến nay dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đoạn Công ty 194 phụ trách đã hoàn thành 72% khối lượng.

Hạng mục khó nhằn nhất là hai cây cầu cấp 1 bắt qua núi, cao 40-42m đã lao dầm, gần hoàn thành.

Về kỹ thuật thi công, theo ông Phú không phải là khó. Nhưng gian nan nhất là phần khoan gặp phải đá tảng lớn và sâu. Do vậy rất mất thời gian và chi phí bị đội lên nhiều.

Ông Trần Lệnh Phú động viên, khích lệ nhóm nhân công nữ đang làm ta luy trồng cỏ. Ảnh: Đặng Đại.

Ông Trần Lệnh Phú động viên, khích lệ nhóm nhân công nữ đang làm ta luy trồng cỏ. Ảnh: Đặng Đại.

Ông Phú nhẩm tính, đến tháng 11/2023 này là dự án tròn hai năm thi công. Trong đó, mất hết ba tháng do dịch bệnh Covid-19, công trường gần như ngưng hoạt động do TP.HCM là vùng đỏ, không thể đưa nhân công, máy móc ra công trường Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Dù vậy, trong thời gian đó, những cán bộ cốt cán của 194 vẫn… đi công trường chui. Nhiều nhân sự của công ty khi đi chui bị bắt cách ly, bị phạt.

"Nếu không bị ba tháng gian nan đó thì đến nay chúng tôi đã vượt xa tiến độ", ông nói. Dù vậy, ông vẫn quả quyết: "Đến 31/12 sẽ thông xe toàn tuyến, kịp đưa vào khai thác dịp 30/4/2024".

Trên công trường dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày Quốc khánh 2/9

Trên những đoạn đường đã thảm nhựa, xe của chúng tôi có thể phóng với tốc độ 90-100km/h.

"Phần mặt đường nhiều chỗ đã xong, chúng tôi chỉ cần làm vệ sinh, làm hộ lan, kẻ đường là hoàn thành", kỹ sư Quân cho biết.

Chúng tôi rời công trường lúc gần 12h trưa. Ngoài quốc lộ 1 người đi chơi lễ rất đông, cờ phướn rợp trời.

Cách đó không xa về hướng đông, song song với quốc lộ, các công nhân vẫn cần mẫn làm việc, vẫn mồ hôi thánh thót. Họ chỉ nghỉ khi đồng hồ điểm 23h, 24h mỗi đêm, những ngày này…

Dự án cao tốc thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 80km, điểm đầu tại Km54, đoạn nút giao Cam Ranh (Khánh Hòa), nối với đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Điểm cuối tại Km134, tại nút giao Vĩnh Hảo (Bình Thuận), nối với điểm đầu của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng. Trong đó, vốn của nhà đầu tư (Công ty 194 và Tập đoàn Đèo Cả) là 3.786 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành, đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ giúp nối liền một mạch cao tốc từ TP.HCM đi đến thành phố biển Nha Trang, rút thời gian đi TP.HCM - Nha Trang từ 9 tiếng đồng hồ xuống còn khoảng 5 tiếng đồng hồ cho đoạn đường 450km.

Đặng Đại

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ngay-quoc-khanh-tren-cong-truong-cao-toc-cam-lam-vinh-hao-192230902161628916.htm