Ngày này năm xưa 8/3: Khánh thành nhà máy dệt 8/3, ngày Quốc tế phụ nữ

Ngày này năm xưa 8/3 là ngày Quốc tế phụ nữ; khánh thành nhà máy dệt 8/3.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sự kiện quốc tế ngày 8/3.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

- Ngày 8/3 năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Hán. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà được nhân dân ủng hộ. Song vì lực lượng yếu hơn giặc nên cuộc khởi nghĩa đã thất bại.

- Ngày 8/3/1920: Đầu nǎm 1920, trên bến cảng Sài Gòn có một số tàu biển của Pháp đang thả neo. Do giá sinh hoạt trên đất liền cao, các thủy thủ cử đại biểu đòi giám đốc Sở Thủy thủ phụ cấp đắt đỏ. Yêu sách không được chấp nhận nên ngày 8/3/1920 tất cả 226 thủy thủ tuyên bố bãi công. Trong suốt thời gian bãi công (20 ngày) các thủy thủ nhận được sự đồng tình mạnh mẽ của nhân dân Sài Gòn. Những người bãi công đưa ra khẩu hiệu "Sự giải phóng người lao động do người lao động muôn nǎm!".

Bọn chủ đã phải nhượng bộ. Sự kiện này có tiếng vang lớn, tác động đối với phong trào công nhân và nhân dân lao động ở Sài Gòn và trong cả nước.

Ngày 8/3/1965, Nhà máy dệt 8/3 tại Hà Nội được khánh thành

- Ngày 8/3/1965, Nhà máy dệt 8/3 tại Hà Nội được khánh thành.

Sau chiến thắng vĩ đại trước thực dân Pháp, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bắt đầu bước vào công cuộc khôi phục, phát triển nền kinh tế từng bước xây dựng Chủ nghĩa xã hội đồng thời thực hiện nhiệm vụ chi viện cho miền Nam nhằm giải phóng hoàn toàn đất nước. Trong bối cảnh đó, năm 1958 Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ đã quyết định giao cho Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ tổ chức cuộc vận động vốn góp từ xã hội xây dựng một Nhà máy dệt tại Hà Nội và lấy ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 đặt tên cho Nhà máy.

Ngày 8/3 năm 1960, công trường xây dựng Nhà máy chính thức được khởi động với sự tham gia của hơn 1.000 cán bộ công nhân viên được huy động từ Hà Nội và các địa phương như Hà Đông, Sơn Tây, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An,…

Với tốc độ thi công khẩn trương, ngày 8/3/1965, Nhà máy Dệt 8/3 chính thức được khánh thành. Nhà máy đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm vào ngày khánh thành.

Trước hơn ba ngàn cán bộ công nhân viên Nhà máy, Người đã ân cần nhắc nhở: Nhà máy Dệt 8/3 ra đời là thành quả đổi bằng mồ hôi, xương máu của bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do, lại được mang tên ngày Quốc tế Phụ nữ, vì vậy mỗi cán bộ, công nhân viên chức nhà máy phải làm việc hết sức mình để xứng với niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao đó.

- Ngày 8/3/1965, Lực lượng quân sự đầu tiên của Hoa Kỳ đổ bộ vào Việt Nam với 3.500 thủy quân lục chiến tại miền Nam.

- Ngày 8/3/1987: Ngày mất của Luật sư Phạm Vǎn Bạch. Ông sinh nǎm 1910 tại xã Khánh Lộc, tỉnh Trà Vinh.

Ông đỗ cử nhân luật tại trường đại học Lyông (Pháp) - nǎm 1936, ông về nước làm giáo sư, dạy học ở Cần Thơ. Tại đây ông tham gia các hoạt động yêu nước. Từ lúc còn học ở Pháp, ông đã gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp, nhiều lần tranh luận trên diễn đàn, ủng hộ chủ nghĩa Mác và cách mạng tháng Mười Nga. Từ sau cách mạng tháng tám 1945, ông từng giữ các chức vụ: Chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ủy viên Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Ngày 8/3/1995, Đại hội Hội nhà báo Việt Nam lần thứ 6 đã được khai mạc tại hội trường Ba Đình. 330 đại biểu thay mặt cho hơn 7300 hội viên thuộc 154 đầu mối đã tới dự. Đại hội lần này có khẩu hiệu: "Báo chí vì sự nghiệp đổi mới và hiện đại hóa đất nước".

- Ngày 8/3/1996, Bộ Công nghiệp ban hành Thông tư số 05/TM-QLTT hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định số 01/CP ngày 03/01/1996 của Chính phủ về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại.

- Ngày 8/3/2004 Bộ Thương mại ban hành Quyết định số 0285/2004/QĐ-BTM về việc Thành lập Tổ công tác thường trực hợp tác với Hoa Kỳ về chống gia lận.

- Ngày 8/3/2004, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 17/2005/QĐ-BCN về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Dầu thực vật Việt Nam đến năm 2010.

- Ngày 8/3/2005, Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành Quyết định số 0336/2005/QĐ-BTM về việc ủy quyền cho các phòng quản lý xuất nhập khẩu cấp phép hàng hóa của CHND Trung Hoa quá cảnh lãnh thổ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

- Ngày 8/3/2010, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1145/QĐ-BCT về việc thành lập Ban Tổ chức Hội nghị để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong khuôn khổ Hội nghị Cao cấp ASEAN 16/4/2010.

- Ngày 8/3/2010, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1147/QĐ-BCT về kế hoạch công tác năm 2010.

- Ngày 8/3/2018, Bộ Công Thương ban hành Công văn số 1757/BCT-TTTN về việc điều hành kinh doanh xăng dầu

Sự kiện thế giới

- Ngày 8/3/1910: Ngày Quốc tế phụ nữ

Bị coi rẻ và chỉ được trả lương thấp, ngày 8/3/1899, các nữ công nhân ngành dệt và ngành may ở Chicago (Mỹ) đã bãi công, biểu tình đòi tǎng lương, giảm giờ làm việc. Cuộc đấu tranh này đã giành được thắng lợi và dẫn đến phong trào đòi bình đẳng nam nữ của phụ nữ Mỹ. Phong trào đã thu hút đông đảo quần chúng và được ủng hộ tại nhiều quốc gia.

Nǎm 1910, Hội nghị Quốc tế phụ nữ lần thứ II họp tại Copenhaghen, Thủ đô Đan Mạch, theo đề nghị của Clara Zetkin, đã quyết định hàng nǎm lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ.

Hàng nghìn phụ nữ ở Petrograd, Nga tuần hành đòi "bánh mỳ và hòa bình" vào ngày 8-3-1917. Ảnh: CNN

- Ngày 8/3/1954: Nguyên soái Voroshilov tuyên bố Liên Xô đã chế tạo thành công bom nguyên tử.

Sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Ngày 8/3/1926, từ Quảng Châu, với bí danh “Nilovski”, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản đặt vấn đề muốn biết vì sao không nhận được những tài liệu tuyên truyền mà mình đã gửi thư yêu cầu, báo cáo những việc đã hoàn thành và tiếp tục chuyển cho Quốc tế Cộng sản những tài liệu liên quan đến phong trào nông dân ở Trung Quốc.

- Ngày 8/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Chính phủ thông báo tình hình xung đột Pháp - Hoa tại Hải Phòng và một số triển khai chuẩn bị cho khả năng đàm phán tại Pari. Buổi chiều, Bác triệu tập 50 cán bộ chỉ huy tự vệ thành Hà Nội nhắc nhở nhiệm vụ tuyên truyền cho dân chúng và cảnh giác với những âm mưu của quân Pháp, phải nhã nhặn nhưng không nhu nhược, phải chuẩn bị chủ động và liên tục... Cũng ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Nghiêm lệnh” với nội dung “Chính phủ hạ lệnh cho toàn thể nhân dân và bộ đội phải giúp đỡ cho quân đội Trung Hoa, trong lúc Quân đội Trung Hoa thoái triệt...”.

- Ngày 8/3/1952, lần đầu kỷ niệm Ngày Phụ nữ Quốc tế, Bác viết thư động viên: “Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang, là dũng cảm kháng chiến... Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng là con cháu Hai Bà và là một lực lượng trong Quốc tế phụ nữ.

Nhân dịp 8/3, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc... Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ... Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Cùng ngày, Bác viết bài “Nam nữ bình quyền” với những lập luận sâu sắc: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to!

Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó.

Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội.

Vì không thể dùng vũ lực mà tranh đấu...

Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”.

- Ngày 8/3/1965, Bác Hồ đến thăm Nhà máy Dệt 8/3 là công trình xây dựng có phần vốn đóng góp của phụ nữ và hiện đại nhất miền Bắc vào thời điểm đó.

Cùng ngày, trong bài “Sách trắng của Mỹ” đăng trên Báo Nhân Dân, Bác vạch rõ bản chất và kết cục tất yếu của cuộc chiến tranh Việt Nam: “Đế quốc Mỹ chỉ có thể chọn một trong hai con đường: Hoặc là chuẩn bị tinh thần chờ đón một trận Điện Biên Phủ, hoặc là thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ năm 1954, tức là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược... Nếu đế quốc Mỹ khôn hồn theo con đường thứ hai, nhân dân Việt Nam sẽ sẵn sàng hoan tống họ một cách lịch sự”.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-83-khanh-thanh-nha-may-det-83-ngay-quoc-te-phu-nu-245167.html