Ngày này năm xưa: 4/4

Ngày 4/4/1923, Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Văn Ái đã họp tại trụ sở Hội Liên hiệp thuộc địa ở Paris để bàn về tờ báo 'Le Paria' (Người cùng khổ) lúc này đang gặp khó khăn về tài chính. Nguyễn Ái Quốc nêu ý kiến rằng, bằng mọi giá, tờ báo phải 'sống', vì nếu tờ báo 'chết' trong lúc này thì sẽ làm thiệt hại lớn đến công tác tuyên truyền mà giữa lúc đó - hơn lúc nào hết - nhân dân vô sản thế giới phải lên tiếng chống lại những kẻ bóc lột.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 4/4/1965, máy bay Mỹ ném bom, bắn rốc két xuống xã Quang Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ngồi dưới hầm trú ẩn, nghe có tiếng gọi mình, Nguyễn Bá Ngọc vội chạy lên cứu được hai em nhỏ hàng xóm khỏi bom đạn thù. Còn Ngọc đã hy sinh, lúc em mới 14 tuổi. Nguyễn Bá Ngọc được công nhận là liệt sĩ và được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Nhà máy điện 4/4 (Nhà máy điện Hàm Rồng). Ảnh tư liệu

- Ngày 4/4/1964, Nhà máy điện 4/4 (Nhà máy điện Hàm Rồng) được khánh thành, đi vào hoạt động, nhà máy được khởi công xây dựng vào đầu năm 1960, công suất thiết kế 3.000 kW, máy móc, thiết bị phát và truyền tải điện do Hungari hỗ trợ. Nhà máy điện 4/4 nằm trong thung lũng phía Đông Nam của dãy núi Rồng, trước đây thuộc tiểu khu Hàm Rồng, thị xã Thanh Hóa nay là phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. Nhà máy mang tên ngày quốc khánh Hungari 4/4 để ghi nhớ tình hữu nghị giữa nhân dân Hungari với nhân dân Việt Nam, nhân dân Thanh Hóa. Trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, mặc dù là mục tiêu bắn phá của địch, nhưng nhà máy vẫn đảm bảo điện phục vụ sản xuất và chiến đấu thông suốt ngày đêm, được ca ngợi là “pháo đài 4/4”. Cán bộ công nhân nhà máy vững vàng trên vị trí sản xuất, kiên cường đánh địch, bảo vệ nhà máy, xông pha dưới bom đạn, phục vụ chiến đấu, hăng hái cứu chữa xí nghiệp bạn, bảo vệ tài sản của dân.

- Ngày 4/4/1975, thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng được giải phóng. Tỉnh Lâm Đồng là cao nguyên thứ ba và cao nhất của Tây Nguyên, có diện tích 10.173 km2.

Sự kiện quốc tế:

Nguyễn Ái Quốc và Báo Người cùng khổ. Ảnh tư liệu

- Ngày 4/4/1923, Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Văn Ái đã họp tại trụ sở Hội Liên hiệp thuộc địa ở Paris để bàn về tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ) lúc này đang gặp khó khăn về tài chính. Nguyễn Ái Quốc nêu ý kiến rằng, bằng mọi giá, tờ báo phải "sống", vì nếu tờ báo "chết" trong lúc này thì sẽ làm thiệt hại lớn đến công tác tuyên truyền mà giữa lúc đó - hơn lúc nào hết - nhân dân vô sản thế giới phải lên tiếng chống lại những kẻ bóc lột.

- Ngày 4/4/1947, Tổ chức Hàng không Quốc tế được thành lập nhằm đảm bảo sự an toàn cho các chuyến bay.

- Ngày 4/4/1765, Mikhain Vasiliêvích Lômônôxốp, nhà bác học người Nga đã từ trần. Sức sáng tạo và cống hiến của ông cực kỳ đa dạng, đặc biệt trong vật lý và hóa học (định luật bảo toàn vật chất và vận động), trong nghiên cứu địa chất và địa lý, trong xây dựng ngành mỏ, luyện kim và đồ sứ. Ngoài ra, Lômônôxốp còn là một nhà thơ yêu nước, tiêu biểu cho tinh thần Nga thời Đại đế Piốt I.

Mục sư Luther King (thứ 2 từ phải qua) trên ban công khách sạn Lorraine, 1 ngày trước khi ông bị giết. Ảnh tư liệu

- Ngày 4/4/1968, mục sư Martin Luther King Jr. đồng thời là nhà đấu tranh nhân quyền cho người Mỹ da đen đã bị bắn chết khi đang đứng trước ban công phòng 306, khách sạn Lorraine Motel, thành phố Memphis, bang Tenessee, Mỹ. Ông là một chiến sĩ hòa bình nổi tiếng không chỉ riêng đối với người Mỹ da đen mà còn đối với nhân loại. Ý chí hòa bình, bình đẳng và quyết tâm hành động của ông được đông đảo nhân dân tiến bộ Mỹ và thế giới ủng hộ. Vì thế mà chính quyền Mỹ rất lo sợ và tìm cách hại ông nhằm đàn áp phong trào hòa bình Mỹ. Cái chết anh hùng của ông làm dấy lên sự căm giận của nhân dân Mỹ và loài người tiến bộ. Mục sư Luther King đã mất nhưng tinh thần của ông mãi mãi còn lại trong tâm trí người Mỹ da đen, người Mỹ yêu hòa bình./.

PV

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/ngay-nay-nam-xua/ngay-nay-nam-xua-4-4-662404.html