Ngày này năm xưa 28/6: Ngày Gia đình Việt Nam; Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng

Ngày này năm xưa 28/6 là ngày Gia đình Việt Nam, ngày bắt đầu diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sự kiện quốc tế ngày 28/6.

Sự kiện trong nước

Ngày 28/6/1946 đến ngày 27/7/1946: Nha Bình dân học vụ đã mở lớp đào tạo cán bộ bình dân học vụ cốt cán cho các dân tộc ít người.

Ngày 28/6/1949 là ngày mở đầu chiến dịch ở các tỉnh Tây Nguyên. Lần đầu tiên quân ta mở một chiến dịch dài ngày ở cả 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk mà hướng chính là tỉnh Gia Lai. Qua chiến dịch ta đã gây được cơ sở quần chúng và phát động chiến tranh nhân dân trong các vùng đồng bào Thượng ở: dọc đường 21, M'đrắc, Cheo Reo, dọc đường 19, Kon Tum, An Khê, Mang Giang, Gia Hội, Ca Nắc, Công Plông.

Tháng 2/1951, Đại hội Đại biểu lần thứ hai của Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tách Đảng thành 3 Đảng ở 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia cho phù hợp với tình hình phát triển mới và việc lãnh đạo Cách mạng ở mỗi nước được sát hợp và thuận lợi.

Thi hành quyết định trên, ngày 28/6/1951, Ban cán sự Đảng bộ Campuchia đã triệu tập Đại hội thành lập Đảng nhân dân Cách mạng Khơme, thông qua Cương lĩnh, điều lệ và bầu lãnh đạo của Đảng.

Từ ngày 28/6 đến 1/7/1996, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8 Đảng Cộng sản Việt Nam với sự tham dự của 1.198 đại biểu đại diện cho gần 2,13 triệu đảng viên trong toàn Đảng.

Ðại hội lần thứ VIII của Ðảng diễn ra từ ngày 28/6 đến 1/7/1996, tại Hội trường Ba Ðình, Hà Nội. Ảnh: tuyengiao.vn

Ðại hội lần thứ VIII của Ðảng diễn ra từ ngày 28/6 đến 1/7/1996, tại Hội trường Ba Ðình, Hà Nội. Ảnh: tuyengiao.vn

Đại hội đánh giá, sau 10 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, đất nước đã vượt qua giai đoạn thử thách gay go. Công cuộc đổi mới đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,...

Từ thực tiễn đổi mới, Đảng rút ra nhiều bài học quý, như kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới; kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị; xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt,...

Đại hội nhận định, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thành tựu của đổi mới. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 170 ủy viên. Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 19 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương.

Ngày 28/6/1996, ngày mất của Giáo sư Nguyễn Đình Tứ. Ông sinh nǎm 1932 tại Hà Tĩnh, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ là một trí thức đã có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp Cách mạng của Đảng và nhân dân ta, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nǎng lượng nguyên tử

Giáo sư Nguyễn Đình Tứ đã từng giữ các chức vụ quan trọng: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Giáo sư Nguyễn Đình Tứ (người thứ hai từ trái sang) lúc sinh thời. Ảnh: Nhandan.vn

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Giáo sư Nguyễn Đình Tứ (người thứ hai từ trái sang) lúc sinh thời. Ảnh: Nhandan.vn

Ngày 28/6/2000, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Chỉ thị coi việc xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc là một mục tiêu quan trọng.

Chỉ thị này cũng yêu cầu đề cao vai trò và trách nhiệm của gia đình, giúp đỡ và tạo điều kiện cần thiết để các gia đình thực hiện trách nhiệm đối với thế hệ trẻ, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em.

Ngày 4/5/2001,Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nhấn mạnh đến vai trò của gia đình cũng như những trách nhiệm của các cán bộ ngành, các cấp và toàn thể xã hội xây dựng gia đình văn minh, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 28/6 được xem là ngày Gia đình Việt Nam - Ảnh minh họa

Ngày 28/6 được xem là ngày Gia đình Việt Nam - Ảnh minh họa

Ngày Gia đình Việt Nam là ngày cả nước tôn vinh những giá trị tốt đẹp, cốt lõi của gia đình, nhắc nhở những giá trị truyền thống quý báu của cha ông ta từ ngàn xưa, yêu quê hương, yêu đất nước, yêu thương con người, đùm bọc, chở che cho nhau.

Ngày 28/6/2016, Liên bộ Khoa học và Công nghệ, Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC, hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Theo thông tư này, Quỹ có thể tổ chức dưới một trong hai hình thức như sau: Thành lập tổ chức không có tư cách pháp nhân và trực thuộc doanh nghiệp. Không thành lập tổ chức Quỹ và do cán bộ của doanh nghiệp kiêm nhiệm thực hiện các hoạt động. Hình thức tổ chức của Quỹ do cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp quyết định.

Khi doanh nghiệp thành lập Quỹ theo một trong hai hình thức quy định tại Khoản 1 Điều này, doanh nghiệp gửi Quyết định thành lập Quỹ cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập Quỹ.

Doanh nghiệp gửi Quy chế khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, Quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ cho cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính cùng thời Điểm nộp báo cáo trích, sử dụng Quỹ trong kỳ trích lập đầu tiên.

Ngày 28/6/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 10/2017/TT-BKHCN ngày 28/6/2017 quy định về xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.

Ngày 28/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020.

Ngày 28/6/2022, Chính phủ ban Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 28/6/2022 về việc phân bổ, cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Theo đó, cho phép các bộ, cơ quan, địa phương được tiếp tục phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 đến ngày 28 tháng 6 năm 2022 như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 4044/TTr-BKHĐT ngày 16 tháng 6 năm 2022. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, điều chỉnh số vốn ngân sách trung ương năm 2022 đến ngày 28 tháng 6 năm 2022 chưa phân bổ hết theo đúng quy định tại Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan về các nội dung, thông tin báo cáo, đề xuất.

Sự kiện quốc tế

Ngày 28/6/1838, tại nhà thờ Westminster Abbey đã diễn ra lễ đăng quang của Nữ hoàng Victoria. Bà trở thành vị nữ hoàng đầu tiên trong lịch sử sống tại cung điện Buckingham.

Lễ đăng quang nữ hoàng Victoria. Ảnh: Westminster Abbey Library

Lễ đăng quang nữ hoàng Victoria. Ảnh: Westminster Abbey Library

Ngày 28/6/2006: Cộng hòa Montenegro trở thành thành viên thứ 192 của Liên hợp quốc.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 28/6/1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số chính khách Pháp và Đoàn đại biểu phụ nữ quốc tế. Đoàn đại biểu bày tỏ tình cảm với phụ nữ Việt Nam và thông báo Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế đã kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức.

Ngày 28/6/1951, trong bài viết “Phòng gian, trừ gian” đăng trên Báo Cứu Quốc, Bác nhắc nhở: “Phòng gian phải đi đôi với giữ bí mật. Đó là hai việc quan trọng cho công cuộc kháng chiến”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong hang đá ở Việt Bắc năm 1951 - Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong hang đá ở Việt Bắc năm 1951 - Ảnh tư liệu

Ngày 28/6/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi các chiến sĩ và cán bộ Liên khu V” khen ngợi thành tích đánh giặc trên chiến trường phối hợp với Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và “thưởng cho tiểu đoàn X, vừa thắng ở An Khê, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Bác khuyên dặn toàn thể chiến sĩ và cán bộ cần phải cố gắng nắm vững tình hình địch, thi đua giết giặc lập công, ra sức dân vận, ngụy vận. Chớ nên vì thắng mà kiêu, chủ quan khinh địch; ra sức tranh lấy thành tích to hơn nữa...”.

Ngày 28/6/1959, tại cuộc mít tinh của đồng bào Thủ đô ở Quảng trường Ba Đình chào mừng Tổng thống Indonesia Sukarno sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân nước bạn: “Nước xa mà lòng không xa/Thật là bầu bạn, thật là anh em!”.

Hồ Chủ tịch thăm lớp bổ túc văn hóa khu lao động Lương Yên, Hà Nội (1956). Ảnh: TTXVN

Hồ Chủ tịch thăm lớp bổ túc văn hóa khu lao động Lương Yên, Hà Nội (1956). Ảnh: TTXVN

Với Tổng thống Sukarno, Bác chia sẻ quan điểm: “Đoàn kết, đoàn kết, lại đoàn kết/Khó khăn gì chúng ta cũng nhất định vượt được hết/Kẻ thù nào chúng ta cũng đánh tan hết/ Thắng lợi to lớn gì chúng ta cũng tranh thủ được hết”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010).

Thụy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-286-ngay-gia-dinh-viet-nam-khai-mac-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-viii-cua-dang-259896.html