Ngày này năm xưa 22/5: Ban hành quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN

Ngày này năm xưa 22/5: Ban hành quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN; Đổi tên Vệ Quốc đoàn thành Quân đội quốc gia Việt Nam.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế ngày 22/5; các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 22/5/1901, ngày sinh nhà vǎn Ngô Vǎn Triện, bút danh Trúc Khê, sinh ra tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Các tác phẩm chính của Trúc Khê có: Tập thơ Chợ chiều, các tiểu thuyết Trǎm lạng vàng, Nét ngọc, Đò chiều, một số truyện danh nhân và nhiều sách biên thảo, dịch thuật.

Ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 70 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê; tiền thân của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ngày nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trình đắp đê sông Đà. Ảnh: Tổng cục Phòng, chống thiên tai

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trình đắp đê sông Đà. Ảnh: Tổng cục Phòng, chống thiên tai

Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 21/3/1990, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 89-HĐBT lấy ngày 22 tháng 5 hằng năm là “Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam” nhằm tôn vinh, ghi nhận chặng đường vinh quang và đầy tự hào của ngành, đồng thời động viên phong trào thi đua lao động, công tác, khơi dậy và phát huy niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia công tác phòng, chống thiên tai trên khắp mọi miền đất nước.

Ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 71 đổi tên Vệ Quốc đoàn thành Quân đội quốc gia Việt Nam. Đây là bản sắc lệnh đầu tiên cho việc xây dựng quân đội chính quy của một quốc gia độc lập. Khi chưa giành được chính quyền, quân đội là công cụ của Đảng, một tổ chức quần chúng vũ trang đặc biệt, cùng với toàn dân đấu tranh giành chính quyền. Khi đã giành được chính quyền, quân đội trở thành một bộ phận cấu thành của Nhà nước. Vì vậy, tên gọi tất yếu phải thay đổi cho phù hợp với tình hình, nhằm xác định rõ quân đội là một công cụ chuyên chính bạo lực của Nhà nước, làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 22/5/1968, Quốc hội nhất trí thông qua lời kêu gọi của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa III, Kỳ họp thứ 4 gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Ngày 22/5/1968, thành lập Kho K680 (Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật). Là đơn vị kỹ thuật, Kho K680 có nhiệm vụ quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, cấp phát, tiếp nhận súng pháo, vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư, xăng dầu... cho các đơn vị trong Cục Quân khí và toàn quân.

Đảng ủy, chỉ huy kho quan tâm, làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của trên, nhiệm vụ của đơn vị; đẩy mạnh hoạt động giáo dục truyền thống, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ, thái độ trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Kho K680 nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, quân đội, Tổng cục Kỹ thuật tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2017, kho được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.

Ngày 22/5/1993, ban hành Nghị định số 23/CP của Chính phủ: Nghị định về việc thành lập Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia.

Ngày 22/5/1999, Bộ Thương mại ra Quyết định số 0616/1999/QĐ-BTM về việc đưa Nhật Bản vào danh sách các nước và vùng lãnh thổ được hưởng thuế suất tối huệ quốc.

Ngày 22/5/2003, Bộ Công nghiệp ra Quyết định số 91/2003/QĐ-BCN về việc chuyển giao Nhà máy Thuốc lá Nghệ An về làm doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Khánh Việt.

Ngày 22/5/2003, Bộ Công nghiệp ra Quyết định số 90/2003/QĐ-BCN về việc chuyển giao Nhà máy Thuốc lá Phú Yên về làm doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Khánh Việt.

Ngày 22/5/2006, Bộ Thương mại ra văn bản số 0204/BTM-DM quy định về danh sách các thương nhân được duyệt cấp/thu hồi số lượng đã duyệt cấp E/L mặt hàng áo len, áo nỉ (Cat.5) và quần (Cat.6) xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ năm 2006.

Ngày 22/5/2007, Bộ Thương mại ra Quyết định số 11/2007/QĐ-BTM về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu, ban hành kèm theo Quyết định số 1505/2003/QĐ-BTM ngày 17 tháng 11 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan khi đáp ứng các quy định và được vận chuyển trực tiếp từ nước thành viên xuất khẩu tới nước thành viên nhập khẩu

Hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan khi đáp ứng các quy định và được vận chuyển trực tiếp từ nước thành viên xuất khẩu tới nước thành viên nhập khẩu

Ngày 22/5/2009: Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 12/2009/TT-BCT thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.

Ngày 22/5/2012, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2666/QĐ-BCT về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015.

Ngày 22/5/2012, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2665/QĐ-BCT về việc bổ sung danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.

Sự kiện quốc tế

Ngày 22/5/1813, ngày sinh của Richard Wagner - nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev ký các văn kiện trong chuyến thăm năm 1972. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev ký các văn kiện trong chuyến thăm năm 1972. Ảnh: Getty Images

Ngày 22/5/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon chính thức đi thăm Liên Xô, tiến hành hội đàm với tổng Bí thư L. Brêgiơnép. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ký nhiều hiệp ước về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và bảo vệ môi trường. Quan trọng nhất là hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược SALT, đánh dấu giai đoạn hòa hoãn giữa hai siêu cường trên thế giới.

Ngày 22/5/1990, Nam và Bắc Y-ê-men hợp nhất, nước Cộng hòa Y-ê-men ra đời.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

" Không nên xem nhẹ việc giáo dục đạo đức”

Ngày 22/5/1893, ông ngoại của Bác Hồ qua đời (ngày 7/4 năm Quý Tỵ). Tháng 5/1901, thân phụ của Bác là Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng. Sinh năm Nhâm Tuất (1862), cụ Nguyễn Sinh Sắc (còn có tên là Nguyễn Sinh Huy) đỗ cử nhân năm 40 tuổi (Giáp Ngọ, 1894). Kỳ thi Hội năm Tân Sửu, năm Thành Thái thứ 13 (1901) có 13 người trúng “Phó bảng” (trong đó có Phan Châu Trinh). Cuối tháng 5/1906, Bác cùng anh trai là Nguyễn Tất Đạt theo cha vào Huế để nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ.

Ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là thành lập một “Ủy ban nghiên cứu đặc biệt các vấn đề sẽ đàm phán ở Paris” để chuẩn bị cho chuyến sang thăm Pháp chính thức của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam độc lập. Tham gia Ủy ban này ngoài Bác Hồ còn có đồng chí Võ Nguyên Giáp và các nhân sĩ khác như: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Tường Tam, Phan Anh và Vũ Hồng Khanh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban chủ nhiệm Hợp tá xã nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về công tác quy hoạch ruộng đất (25/1/1961). Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban chủ nhiệm Hợp tá xã nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về công tác quy hoạch ruộng đất (25/1/1961). Ảnh tư liệu

Cũng trong ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký nhiều sắc lệnh quan trọng, trong đó có các sắc lệnh thành lập tại Bắc bộ một “Ủy ban hộ đê Trung ương” quy định chức năng, phương thức hoạt động và các chính sách để bảo vệ đê điều, chống lũ lụt; Sắc lệnh về Quân đội của nước Việt Nam là một Quân đội quốc gia được chỉnh đốn theo một quy tắc được ban hành gồm 2 tiết, 6 chương với 62 điều.

Ngày 22/5/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị về công tác đối ngoại và một số vấn đề quốc tế. Về tình hình xảy ra ở Tiệp Khắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tình hình xảy ra ở Tiệp Khắc cũng có thể bùng ra ở một số nước khác. Sinh hoạt xa xỉ, những sự bất mãn, trình độ giác ngộ không nâng cao thì sinh chuyện ra. Đó cũng là bài học, không nên xem nhẹ việc giáo dục đạo đức”. (Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử.)

Nguyễn Duyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-225-ban-hanh-quy-tac-xuat-xu-trong-hiep-dinh-thuong-mai-hang-hoa-asean-254998.html