Ngày này năm xưa 20/1: Thành lập Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì; mở màn chiến dịch Khe Sanh

Ngày này năm xưa 20/1: Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Hóa chất.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 20/1 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 20/1.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 20/1/1785: Liên quân Xiêm - Nguyễn bị quân Tây Sơn đánh bại trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút tại khúc sông Rạch Gầm – Xoài Mút nay thuộc tỉnh Tiền Giang.

Ngày 20/1/1841: Ngày mất vua Minh Mạng.

Tranh vẽ Vua Minh Mạng

Tranh vẽ Vua Minh Mạng

Minh Mạng là vị hoàng đế thứ hai của triều Nguyễn trị vì từ năm 1820 đến khi ông qua đời. Tuy có một số chính sách sai lầm và hạn chế, song giới sử gia đương đại vẫn đánh giá Minh Mạng là vị vua có nhiều thành tích nhất của nhà Nguyễn. Đây được xem là thời kỳ hùng mạnh cuối cùng của chế độ phong kiến trong lịch sử Việt Nam.

Ngày 20/1/1931: Ban chấp hành Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị công vận Đông Dương do đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư chủ trì tại Sài Gòn.

Sau khi nghe báo cáo về Nghị quyết của Đại hội lần thứ V của Quốc tế Công hội đỏ, Hội nghị quyết định thành lập Ban công vận Trung ương do đồng chí Trần Phú làm trưởng ban. Hội nghị đã thảo luận về đường lối vận động công nhân và thông qua "Luận cương và nghị quyết" của hội nghị.

Việc thành lập Ban công vận Trung ương và những vǎn kiện nói trên thể hiện rõ sự quan tâm và đường lối đúng đắn của Đảng về công tác vận động công nhân Đông Dương.

Ngày 20/1/1948: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra các sắc lệnh phong quân hàm cho các đồng chí lãnh đạo quân đội.

Quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp; quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình; quân hàm Thiếu tướng cho các đồng chí: Nguyễn Sơn, Vǎn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình.

Ngày 20/1/1966: Ngày mất nhà thơ Nguyễn Bính.

Nhà thơ Nguyễn Bính

Nhà thơ Nguyễn Bính

Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Bích Thuyết, là thi sĩ của đồng quê, ông có nhiều thơ về tình yêu như các tập: Lỡ bước sang ngang, Mười hai bến nước, Bóng giai nhân…; thơ về đấu tranh thống nhất đất nước như tập Gửi người vợ miền Nam.

Ngày 20/1/1968: Mở màn chiến dịch Khe Sanh

Bộ Tổng tham mưu phổ biến kế hoạch chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh cho cán bộ chủ chốt trong cơ quan - Ảnh QĐND

Bộ Tổng tham mưu phổ biến kế hoạch chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh cho cán bộ chủ chốt trong cơ quan - Ảnh QĐND

Đêm ngày 20 tháng 1 năm 1968, quân và dân ta tổ chức tiến công tập đoàn phòng ngự Đường 9 – Khe Sanh, buộc quân đội Mỹ phải tăng cường lực lượng cơ động tinh nhuệ để đối phó.

Trận chiến kéo dài 170 ngày, buộc đối phương phải rút bỏ một vị trí chiến lược trọng yếu trên tuyến phòng thủ Đường số 9. Từ đó, quân giải phóng đã tiến công thắng lợi trong cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, làm thay đổi cục diện chiến trường.

Ngày 20/1/1995: Thành lập Trung tâm 95, Cục Tác chiến điện tử (Bộ Tổng tham mưu).

Ngày 20/1/2011: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 126/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Hóa chất. Trường có trụ sở đặt tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Đây là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương, tiền thân là Trường Kỹ thuật Trung cấp II thành lập ngày 25/6/1956.

Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì

Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì

Tháng 9/1995, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định cho trường được đào tạo trình độ cao đẳng với 4 ngành: Kỹ thuật hóa vô cơ, Kỹ thuật hóa hữu cơ, Hóa phân tích và Cơ khí hóa chất.

Trước đó, ngày 24/1/1997, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 47/QĐ-TTg thành lập Trường Cao đẳng Hóa chất trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp Hóa chất và Nhà trường vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng Nhất.

Trở thành trường đại học vào năm 2011 đã mở ra một chương mới trong lịch sử nhà trường. Hiện nhà trường hoàn toàn đào tạo theo học chế tín chỉ - một phương thức đào tạo tiên tiến trong nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới, lấy người học làm trung tâm, phát huy được tính chủ động, tư duy sáng tạo của người học.

Nhà trường đã xây dựng được chương trình đào tạo đại học của 11 ngành với 48 chuyên ngành và trình độ cao đẳng của 10 ngành với 45 chuyên ngành. Nội dung các chương trình đào tạo được xây dựng phù hợp với nhu cầu của xã hội, cập nhật các khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

Sinh viên đi dự thi các giải kể cả giải quốc gia đều đạt kết quả cao như: Năm 2015, có 10 sinh viên đi dự thi Olympic Hóa học toàn quốc thì có tới 5 giải Nhì, 4 giải Ba và 1 giải Khuyến khích...

Ngày 20/1/2003: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 14/2003/QĐ-TTg phê duyệt Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam giai đoạn 2003 - 2005.

Ngày 20/1/2006: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 18/2006/QĐ-TTg về việc chuyển Công ty Dệt kim Đông Xuân thuộc Tổng công ty Dệt - May Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Ngày 20/1/2009: Bộ Công Thương ban hành Thông tư 01/2009/TT-BCT hướng dẫn công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật ngành Công Thương.

Ngày 20/1/2012: Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu hóa lỏng.

Ngày 20/1/2012: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 06/2012/QĐ-TTg về việc tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về các thỏa thuận thương mại quốc tế.

Ngày 20/1/2015: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí.

Sự kiện quốc tế

Ngày 20/1/1775: Ngày sinh Anđrê Mari Ampe.

Anđrê Mari Ampe

Anđrê Mari Ampe

Anđrê Mari Ampe là một nhà vật lí học và toán học nổi tiếng. Ampe còn là người đầu tiên đã đưa khái niệm dòng điện vào vật lí học, xây dựng được môn điện động lực học. Người ta đã lấy tên ông – Ampe – đặt cho đơn vị cường độ dòng điện (viết tắt là A).

Ngày 20/1/1936: Thành lập Fujifilm năm 1936 tại Tokyo, Nhật Bản.

Fujifilm Holdings Corporation là một tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng với các sản phẩm nhiếp ảnh.

Các hoạt động kinh doanh chính của tập đoàn bao gồm: Nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối các thiết bị xử lý hình ảnh điện tử, thiết bị hoàn thiện ảnh, hệ thống y tế, sinh học, nghệ thuật đồ họa, vật liệu màn hình phẳng và các sản phẩm văn phòng, dựa trên một danh mục lớn các công nghệ kỹ thuật số, quang, hóa học tinh và tráng phủ lớp phim mỏng.

Ngày 20/1/1981: Tàu vũ trụ con thoi đầu tiên của Mỹ mang tên Côlômbia chở hai nhà du hành vũ trụ Young và Grouppen hạ cánh an toàn xuống đường bǎng dài 5 km trên một mặt hồ cạn ở bang California miền Tây nước Mỹ, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của khoa học du hành vũ trụ.

Ngày 20/1/2009: Barack Obama tuyên thệ nhậm chức.

Barack Obama

Barack Obama

Barack Obama là tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đại biểu thiếu nhi thủ đô đến chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ngày 1/1/1959 - Ảnh QĐND

Đại biểu thiếu nhi thủ đô đến chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ngày 1/1/1959 - Ảnh QĐND

Ngày 20/1/1946: Vào dịp Xuân đầu tiên của nước Việt Nam Độc lập, Bác Hồ gửi thư tới Thanh niên và Nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến. Bức thư khởi đầu bằng những lời lẽ hết sức sâu sắc nhằm động viên giới trẻ bước vào cuộc vận động “Đời sống mới” mà người đứng đầu Nhà nước phát động và đặt nhiều kỳ vọng:

“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”. Đời sống mới là: - Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ - Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm - Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ - Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa.

Năm mới, chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Ngày 20/1/1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký nhiều sắc lệnh quan trọng, trong đó có việc phong quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ Võ Nguyên Giáp, phong quân hàm cấp Thiếu tướng cho: Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm, Chu Văn Tấn, Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Hiến Mai...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau lễ phong quân hàm Đại tướng, tại Lục Rã, chân đèo Re, ngày 27/5/1948 - Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau lễ phong quân hàm Đại tướng, tại Lục Rã, chân đèo Re, ngày 27/5/1948 - Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đây là một sự kiện lịch sử đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ sau một năm đã vượt qua những thử thách vô cùng khắc nghiệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa dành được và quyết tâm thực hiện mục tiêu thống nhất nước nhà.

Ngày 20/1/1962: Tại Hà Nội, Bác dự họp Bộ Chính trị bàn vấn đề chống tham ô lãng phí.

Tại đây, Bác phát biểu: “Quan liêu, lãng phí tham ô làm hại cho dân. Phải hiểu vì dân mà chống tham ô lãng phí. Tham ô lãng phí là một tội đối với nhân dân. Ai cũng phải chống... Phong trào phải làm từ trên xuống, dưới lên, dân chủ và phải trường kỳ... Trung ương có hội, có nghị, có quyết mà không hành là do mình không cương quyết... Không gấp nhưng phải làm cho kỳ được”.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-201-thanh-lap-truong-dai-hoc-cong-nghiep-viet-tri-mo-man-chien-dich-khe-sanh-299108.html