Ngày này nǎm xưa 14/4: Bộ Công nghiệp quy định về việc xếp hạng doanh nghiệp Nhà nước

Ngày này nǎm xưa 14/4/1997, Bộ Công nghiệp có quy định về việc xếp hạng doanh nghiệp Nhà nước.

Chuyên mục Ngày này năm xưa trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, quốc tế và các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 14/4.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 14/04/2011, Bộ Công Thương có Thông tư 17/2011/TT-BCT thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Bản Thỏa thuận về việc thúc đẩy thương mại song phương giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia áp dụng cho những mặt hàng có xuất xứ từ một bên ký kết được hưởng ưu đãi thuế quan khi nhập khẩu trực tiếp vào lãnh thổ của bên ký kết kia.

Việt Nam tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản nhờ một phần đóng góp của vùng nguyên liệu từ Campuchia

Ngày 14/04/2009, Quyết định 1866/QĐ-BCT về việc ban hành Chương trình hành động của Ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 02 tháng 02 năm 2009 Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Khóa X về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Ngày 14/04/2008, Bộ Công Thương có Thông tư 05/2008/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2007/TT-BTM ngày 17 tháng 7 năm 2007 của Bộ Thương mại Hướng dẫn thi hành Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Ngày 14/04/1997, Bộ Công Nghiệp có Quyết định 537/1997/QĐ-BCN về việc xếp hạng doanh nghiệp Nhà nước.

Ngày 14 và 22 tháng 4 nǎm 1952, quân ta đã đánh bại trận càn quét lớn của địch ở Bắc sông Luộc (Hưng Yên - Hải Dương). Ngày 23/4/1952 địch tập trung 18 tiểu đoàn bộ binh, nhiều xe cơ giới, trọng pháo, máy bay càn quét vào bắc sông Luộc nhằm phá hoại cơ sở của ta. Quân ta tích cực chống càn, tiêu diệt 1980 tên địch (đa số là lính Âu Phi), phá hủy một xe tǎng, 30 xe vận tải, 2 ca nô, bắn rơi và bắn hỏng 2 máy bay và thu 30 súng các loại.

Ngày 14/4/1887, Nguyễn Cao qua đời. Ông sinh nǎm 1828, quê ở tỉnh Bắc Ninh cũ. Sau khi thi đậu cử nhân, ông được bổ nhiệm làm tri huyện Yên Dũng, rồi thăng chức Bố chính Thái Nguyên. Nǎm 1883, Nguyễn Cao cùng nhiều nhân sĩ hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp xâm lược, sung chức Tán tương quân vụ. Nǎm 1887, khi bị giặc Pháp bắt, ông đã tự sát để giữ trọn khí tiết. Ở Hà Nội có đường phố mang tên Nguyễn Cao thuộc quận Hai Bà Trưng.

Ngày 14 đến 29/4/1975, giải phóng các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 4/4 Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân "Nghiên cứu và chỉ đạo gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng". Ngày 10/4 Bộ Tư lệnh Hải quân điều 3 tàu vận tải 673, 674, 675 (trung đoàn 125) từ Hải Phòng vào Đà Nẵng. Ngày 11/4, lực lượng chiến đấu gồm đội 4 (trung đoàn 126 đặc công nước), một số đội đặc công của Quân khu 5 và tỉnh Khánh Hòa do trung tá Mai Nǎng chỉ huy tiến ra Trường Sa. Ngày 14/4 bộ đội ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Từ ngày 25 đến 29/4 giải phóng các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 14/4/1920, báo cáo mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ với Tổng thư ký Hội Liên minh Nhân quyền. Đây là tổ chức quan tâm đến các thuộc địa và bênh vực dân bản xứ trước những chính sách cai trị của chủ nghĩa thực dân.

Ngày 14/4/1924, Nguyễn Ái Quốc chính thức được nhận vào làm việc ngoài biên chế tại Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản.

Ngày 14/4/1928, Nguyễn Ái Quốc viết bài báo “Phong trào công nhân ở Ấn Độ” (với bút danh là Wang) gửi đăng trên tờ “Inprekorr” của Quốc tế Cộng sản với nhận định: “Mặc dầu có tình trạng vô tổ chức của thợ thuyền và thái độ hèn nhát của những người theo chủ nghĩa cải lương, sự nghèo khổ làm cho vô sản Ấn Độ cấp tiến hơn”.

Nguyễn Ái Quốc (hàng ngồi, ngoài cùng bên trái) với một số đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, tháng 7/1924. Ảnh: Baotanghochiminh.vn

Ngày 14/4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự họp Hội đồng Chính phủ và trong ngày đó ký nhiều Sắc lệnh quan trọng, trong đó có các sắc lệnh phát hành “Công phiếu kháng chiến” trong cả nước (SL 160); tặng thưởng những tấm Huân chương Quân công hạng Nhất đầu tiên cho ba đơn vị là Đội quân Giải phóng, Đội quân Du kích Bắc Sơn và Đội quân Khởi nghĩa Nam bộ (SL 163); đổi tên Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ thành Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam (SL 165) v.v...

Sự kiện thế giới

La Phôngten, nhà ngụ ngôn và nhà vǎn cổ điển Pháp, mất ngày 14/4/1695. Ông là tác giả của nhiều thể loại: thơ, tiểu thuyết, kịch nhưng nổi tiếng hơn cả là ngụ ngôn gồm 12 quyển, viết trong 28 nǎm. La Phôngten đã sáng tạo ngụ ngôn Pháp với đầy đủ tính dân tộc và ông coi mục đích của vǎn học là rǎn dạy người đời bằng nghệ thuật ngôn ngữ.

Ngày 14/4/1931, nhà vật lý người Pháp Bactêlơmy đã thực hiện buổi phát hình công cộng đầu tiên ở nước Pháp. Đây cũng là buổi phát hình đen trắng đầu tiên trên thế giới.

Hôm ấy có khoảng 800 người ngồi ở giảng đường trường Đại học điện Malakôfơ có thể nhìn thấy trực tiếp cô Suydannơ Bridu giới thiệu chương trình đầu tiên trên lịch sử truyền hình.

Sự kiện hôm nay

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gặp gỡ chiều ngày 17/11 bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 tại Bangkok

Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Việt Nam từ ngày 14/4 tới 16/4. Đây là một phần trong chuyến công tác của ông Blinken tới Anh, Ireland, Việt Nam và Nhật Bản từ ngày 11 tới 18/4.

Nhật Khôi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-n-m-xua-144-bo-cong-nghiep-quy-dinh-ve-viec-xep-hang-doanh-nghiep-nha-nuoc-250212.html