Ngày mới ở Vạn Xuân

Chúng tôi về xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông- nơi vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc trong hành trình Người lên 'Thủ đô gió ngàn' Việt Bắc để lãnh đạo kháng chiến. Trước tầm mắt chúng tôi, dọc bên con đường nhựa phẳng lỳ, rộng thênh thang dẫn về trung tâm xã rực lên màu đỏ thắm của cờ Tổ quốc được các gia đình treo lên để mừng Đảng, mừng mùa Xuân mới. Trải qua những thời khắc của lịch sử, đến nay đất và người nơi đây vẫn luôn trân trọng giữ gìn những kỷ vật mang bóng hình của Bác, mãi khắc ghi lời Bác dạy, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hầu hết các tuyến đường ở Vạn Xuân hôm nay đã được cứng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ sản xuất, tạo đà cho phát triển của địa phương.

Trong câu chuyện với chúng tôi khi tiết Xuân đang hiện hữu, Chủ tịch UBND xã Triệu Công Hoan hồ hởi: Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Vạn Xuân bây giờ đã có nhiều đổi thay. Cùng với tập trung phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã đã và đang nỗ lực hết mình để chăm lo, bảo vệ, xây dựng Khu nhà lưu niệm Bác Hồ xứng tầm với vị thế và ý nghĩa đặc biệt của một di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia”.

Ngược dòng thời gian, theo tư liệu lịch sử, đầu năm 1947, để bảo vệ an toàn lực lượng, các cơ quan đầu não của Chính phủ được lệnh di chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tháng 3 năm 1947, trên đường lên Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đi từ Trung Hà (Sơn Tây) lên đồn điền Ba Triệu thuộc xóm Ghềnh, xã Cổ Tiết. Sau khi ở một đêm tại xóm Ghềnh, Bác cùng các đồng chí phục vụ chuyển lên xóm Đồi, xã Cổ Tiết và ở tại nhà ông Hoàng Văn Nguyện từ ngày 4/3 - 18/3/1947.

Đoàn viên, thanh niên tham gia vệ sinh khuôn viên Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông.

Trong những ngày lưu lại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo và công bố nhiều sắc lệnh quan trọng để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ; viết một số bức thư gửi đồng bào ở hậu phương, gửi Quốc hội và nhân dân tiến bộ Pháp nêu rõ quan điểm, lập trường chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Cũng chính tại ngôi nhà này, Người đã đặt tên cho các chiến sĩ trong đội tuyên truyền vũ trang: “Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định- Thắng - Lợi”, thể hiện niềm tin và quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Xóm Đồi nay là khu 12, ngôi nhà năm gian khi xưa đã thay bằng khu nhà lưu niệm được người dân nơi đây giữ gìn bằng cả tấm lòng kính yêu Bác. Chúng tôi rất xúc động khi tận mắt chứng kiến chiếc giường nhỏ và bộ bàn ghế làm việc như vẫn còn đây hơi ấm của Người, vẫn hiển hiện hình ảnh của vị Cha già dân tộc cao cả mà bình dị, suốt đời cống hiến, hy sinh vì nước, vì dân. Giờ đây, Khu lưu niệm Bác Hồ đã trở thành “địa chỉ đỏ”, là điểm đến của đông đảo người dân địa phương và cả nước.

Phát triển thương mại -dịch vụ đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân Vạn Xuân.

Phấn khởi, tự hào là quê hương giàu truyền thống cách mạng, đồng chí Đỗ Tiến Sĩ - Bí thư Đảng ủy xã nói với chúng tôi: “Xã Vạn Xuân được thành lập từ ngày 1/1/2020 trên cơ sở sáp nhập các xã Cổ Tiết, Văn Lương, Tam Cường. Sau hơn hai năm sáp nhập, xã duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá. Hiện nay, xã có 3.804 hộ dân, sinh sống tại 24 khu dân cư. Trên cơ sở phát huy tinh thần đồng thuận, đoàn kết, chúng tôi đã tập trung khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của địa phương, tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Trong đó, chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, triển khai các dự án phát triển công nghiệp và khu dân cư mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cũng như các tiêu chí nông thôn mới”.

Tới thăm cơ ngơi khang trang với đầy đủ tiện nghi của anh Hán Văn Toàn ở khu 13, chúng tôi được nghe anh chia sẻ: “Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ nuôi gà, tôi đã mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển chăn nuôi. Có thời điểm, gia đình nuôi trên 12.000 con gà thịt, gà lai Đông Tảo. Nhờ giữ chữ tín nên đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định, được nhiều thương lái đến tận nhà thu mua. Cùng với nuôi gà, tôi trồng thêm 300 gốc măng Bát độ, sản lượng khoảng chục tấn măng/năm, trừ chi phí, bình quân mỗi năm gia đình tôi có thu nhập gần 200 triệu đồng”.

Về Vạn Xuân hôm nay, gặp những nông dân có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm như anh Toàn đã không còn hiếm. Xuân này, Vạn Xuân có thêm nhiều niềm vui mới bởi thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương phát huy truyền thống cách mạng anh hùng đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước của xã ước đạt 15,3 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,2%, 92,6% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 100% trường học, trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại.

Một mùa Xuân mới đang về, nhịp sống mới với những đổi thay đang từng ngày hiện rõ trên quê hương cách mạng. Đón Tết, vui Xuân trong những căn nhà sáng màu sơn mới, những khu dân cư xanh, sạch, đẹp, làng trên, xóm dưới đoàn kết, hân hoan, hứa hẹn một cái Tết cổ truyền vui tươi, đầy đủ. Bằng sự đồng lòng, son sắc một niềm tin với Đảng, với Bác Hồ và được tiếp thêm sức mạnh khởi nguồn từ truyền thống cách mạng, các thế hệ người dân Vạn Xuân hôm nay nguyện cống hiến sức mình cho khát vọng phát triển quê hương trong hành trình tiến lên phía trước.

Thanh Nga

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/ngay-moi-o-van-xuan/190414.htm