Ngày 'giỗ chung' 11 liệt sĩ bị vùi lấp trong hang Co Phương ở Thanh Hóa

Cách đây 71 năm, máy bay Pháp đánh bom tại hang Co Phương, ở bản Sại, xã Phú Lệ (Quan Hóa, Thanh Hóa), khiến 11 dân công hỏa tuyến hy sinh.

Lễ chào cờ tại buổi tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại hang Co Phương, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Thế Lượng)

Ngày 2/4, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) tổ chức Lễ tưởng niệm 71 năm ngày các liệt sĩ hy sinh tại hang Co Phương, xã Phú Lệ.

Hang Co Phương là nơi vừa được dùng làm kho, trạm quân lương, cũng là nơi trú quân của bộ đội, Thanh niên xung phong (TNXP) và dân công hỏa tuyến, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Cụ bà Nguyễn Thị Ngọt, người duy nhất thoát chết trong trận bom đánh sập cửa hang Co Phương ngày 2/4/1953. (Ảnh: Thế Lượng)

Ngày 2/4/1953, máy bay Pháp bất ngờ thả bom tàn sát khu vực Bản Sại. Loạt bom đã đánh sập cửa hang Co Phương, khiến 11 dân công hỏa tuyến (phục vụ chiến dịch vùng Thượng Lào) đang ẩn nấp ở trong hang bị vùi lấp mãi mãi.

Là người duy nhất may mắn sống sót lúc bấy giờ, có bà Nguyễn Thị Ngọt (gọi là Út Ngọt, SN 1932, hiện đang sống ở xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Theo lời kể của bà Ngọt, lúc tiểu đội dân công hỏa tuyến bị máy bay Pháp trút bom đánh sập cửa hàng, bà đang đi ra suối rửa bát.

"Tôi là người ít tuổi nhất trong tiểu đội, nên sau khi ăn cơm xong, tôi được đội trưởng phân công đi rửa bát", bà Ngọt kể lại.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa phát biểu tại lễ tưởng niệm các liệt sĩ. (Ảnh: Thế Lượng)

Năm 1999, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định hỗ trợ kinh phí xây dựng Nhà bia tưởng niệm tại hang Co Phương.

Năm 2000, UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư xây dựng Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở cạnh cửa hang Co Phương, để chính quyền, Nhân dân, thân nhân các gia đình liệt sĩ đến dâng hương.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo huyện Quan Hóa tặng quà tri ấn thân nhân, gia đình các liệt sĩ hy sinh ở hang Co Phương. (Ảnh: Thế Lượng)

Năm 2009, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo, giao Sở LĐTB&XH tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Hội Cựu thanh niên xung phong và huyện Quan Hóa, kiểm tra cụ thể, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục cho các chiến sỹ dân công hỏa tuyến đã hy sinh, nhưng chưa được công nhận là liệt sĩ; đề xuất hình thức tri ân, tưởng nhớ sự hy sinh của các chiến sỹ, bộ đội, thanh niên xung phong và dân công tại hang Co Phương.

Ngày 28/3/2019, Bộ VHTT&DL đã có quyết định về xếp hạng Di tích Quốc gia, Di tích lịch sử hang Co Phương.

Những ngọn hoa đăng được thả xuống dòng sông Mã chiều tối 1/4, để tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh tại khu vực bản Sại, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa. (Ảnh: Thế Lượng)

Hàng năm, chính quyền địa phương, thân nhân, gia đình các liệt sĩ thống nhất lấy ngày 2/4, để tổ chức tưởng niệm và coi đó là ngày “giỗ chung” của 11 liệt sĩ bị vùi lấp mãi mãi trong hang Co Phương.

Chiều qua (1/4), huyện Quan Hóa đã tổ chức Lễ cầu siêu, thả hoa đăng trên sông Mã tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại khu vực bản Sại, xã Phú Lệ.

Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ngay-gio-chung-11-liet-si-bi-vui-lap-trong-hang-co-phuong-o-thanh-hoa-post677779.html