Ngày 30/4/1975 là sự kiện trọng đại và được đưa vào xuyên suốt CTGDPT mới

Khát vọng thống nhất thực sự là khát vọng trường tồn, đi sâu vào tiềm thức, tình cảm của mỗi con người Việt Nam.

Ngày 30/4/1975 - ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước - đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 49 năm qua, những giá trị, ý nghĩa lịch sử của sự kiện này vẫn được trao truyền đến các thế hệ học sinh, sinh viên.

Xe tăng quân Giải phóng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam được coi là gam màu chủ đạo

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: “Trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, có lẽ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (thường được nhắc đến là một cuộc đọ sức thế kỷ) vẫn được coi là “những trang sử đặc biệt nhất” của đất nước ta”.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội khoa học Lịch sử. Ảnh: NVCC

“Cho đến nay, thắng lợi của ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam nói chung đã được nghiên cứu rất nhiều góc độ (như nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh, tác động quốc tế,…).

Nhưng bao trùm hết thảy khi nhắc đến sự kiện này lịch sử này, phải nói đến khát vọng thống nhất của dân tộc Việt Nam” – Giáo sư Vũ Minh Giang nhận định.

Là một đất nước có lãnh thổ trải dài trên nhiều vĩ độ, chính sự nhạy cảm này đã khiến cho đất nước ta dễ bị “tổn thương”. Không phải đến năm 1954 đất nước ta mới bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc, mà từ lịch sử dân tộc đã chứng minh, đất nước ta đã nhiều lần bị chia cắt, mất độc lập, chủ quyền, mất cả tên gọi của đất nước (khi bị đổi thành các tên gọi khác nhau như xứ An Nam, hay bị phân chia thành 3 xứ Bắc kỳ – Trung kỳ – Nam kỳ với những chính sách cai trị khác nhau...).

Điều này đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế, xã hội,… của đất nước. Và đặc biệt, ảnh hưởng đến tình cảm của con người Việt Nam. Khát vọng thống nhất đất nước, Bắc – Nam sum họp một nhà trở nên vô cùng lớn lao.

Vì thế, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được đánh giá là cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc, bảo vệ phẩm giá, độc lập dân tộc. Và đặc biệt, cuộc đấu tranh này còn thể hiện giá trị trường tồn trong việc thống nhất non sông.

“Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đánh dấu việc hoàn thiện công cuộc thống nhất đất nước mà Cách mạng tháng Tám (năm 1945) mới là bắt đầu.

Khi nói đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), ngoài việc đây là dịp để chúng ta ôn lại những cống hiến, hy sinh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong những năm tháng trường kỳ kháng chiến, giành toàn thắng trong công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc, chúng ta còn đặc biệt nhắc đến đây là Ngày hội non sông, thống nhất đất nước. Điều này không thường được nói đến ở những ngày lễ, chiến thắng lịch sử khác của dân tộc.

Khát vọng thống nhất thực sự là khát vọng trường tồn, đi sâu vào tiềm thức, tình cảm của mỗi con người Việt Nam” – Giáo Sư Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Giáo dục lịch sử về ngày 30/4 phải nói đến sức mạnh đoàn kết dân tộc

Là một tác giả tham gia nghiên cứu, biên soạn sách giáo khoa lịch sử bậc trung học phổ thông, Tiến sĩ Trương Thị Bích Hạnh - Trưởng Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận hiện đại, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc lồng ghép nội dung của ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) vào Chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện ở cả ba cấp học.

Đối với cấp tiểu học, Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 với chiến thắng ngày 30/4 được xuất hiện trong “Chủ đề Xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam” (lớp 5). Với bậc trung học cơ sở, nội dung này cũng có trong chương trình Lịch sử - Địa lý 9. Ở bậc trung học phổ thông, học sinh được học Chủ đề 3 “Cách mạng tháng Tám, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” trong chương trình Lịch sử 12.

Ngoài ra, tùy vào điều kiện của từng địa phương, học sinh có thể được biết đến ngày lễ này thông qua các hoạt động thực hành lịch sử, giáo dục địa phương.

“Nhìn chung, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc. Vì thế, nó được xuất hiện xuyên suốt trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình dạy học cần cho học sinh hiểu được ý nghĩa của Đại thắng mùa Xuân 1975, về vai trò của thế hệ thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Qua đó, giới trẻ được bồi đắp thêm lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn và đặc biệt là tiếp tục phát huy tinh thần xung phong, cống hiến của tuổi trẻ” – Tiến sĩ Hạnh cho hay.

Tiến sĩ Trương Thị Bích Hạnh - Trưởng Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận hiện đại, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: website nhà trường

Cũng theo cô Hạnh, học Lịch sử học sinh không cần nhớ máy móc các chi tiết quá cụ thể, nhưng người học cần biết, hiểu được các dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc.

“Thông qua giáo dục về các ngày lễ lịch sử như Ngày độc lập (2/9/1945), chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) hay Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975)… người học và giới trẻ có thể hiểu được những nội dung quan trọng của lịch sử dân tộc. Qua đó, bồi dưỡng lý tưởng chính trị, niềm tự hào dân tộc, ý thức đóng góp và cống hiến của tuổi trẻ cho xã hội.

Đồng thời, đây cũng là dịp triển khai các hoạt động về nguồn, tri ân với các anh hùng liệt sĩ và những có công với cách mạng. Thông qua các hoạt động kỉ niệm ý nghĩa, giới trẻ cũng có cơ hội gắn kết hơn” – cô Hạnh chia sẻ thêm.

Ngoài ra, theo Giáo sư Vũ Minh Giang, khi đưa sự kiện lịch sử này vào giáo dục truyền thống, bên cạnh việc đề cao chiến công, lòng tự hào dân tộc, còn phải giáo dục cho giới trẻ nhớ đến sức mạnh của sự đoàn kết thống nhất.

Điều này cũng đang được thể hiện trong những bộ sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Cùng với việc duy trì giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần chiến đấu oai hùng, khát vọng thống nhất đất nước, việc giảng dạy, hướng con người tới sự hòa hợp dân tộc là một điều cần lưu ý.

Bởi không chỉ ở riêng Việt Nam, mà tất cả các cuộc chiến tranh trên thế giới đều dẫn tới tình trạng chia rẽ nội bộ dân tộc.

Nhưng Việt Nam là một dân tộc có nghĩa có tình. Khát vọng thống nhất đất nước giúp chúng ta đưa non sông về một mối, hàn gắn tình cảm giữa người và người. Việc tạo ra không khí hòa hợp, đoàn kết thống nhất lại là một đạo lý lớn hơn tất cả” – Giáo sư Vũ Minh Giang cho hay.

Ngoài việc đảm bảo yêu cầu chung đã có trong chương trình sách giáo khoa, vị giáo sư này còn đưa ra thêm những lưu ý cho giáo viên giảng dạy Lịch sử cần hết sức cẩn trọng, tránh tạo ra mặc cảm cho người học khi nhắc đến các sự kiện lịch sử (trong đó có ngày 30/4/1975).

Trên thực tế, trong các cuộc chiến tranh, sẽ có không ít người dân ở nước bị xâm lược tham gia quân đội ở phe đối lập. Việt Nam cũng không ngoại trừ điều đó. Vì thế, giảng dạy không cẩn thận sẽ trở thành vết hằn trong lòng các em học sinh (nếu có người thân đã từng tham gia quân đội phe đối lập như vậy).

Đồng thời, giáo viên cũng phải lưu ý về tính chất phức tạp, nhạy cảm của chính trị, quân sự,… trong từng thời kỳ. Khi nhìn lại lịch sử, không nên đưa ra những quan điểm đánh giá phiến diện khi không hiểu hết về tình hình phức tạp của lịch sử.

Giáo dục Lịch sử cần đi sâu vào lòng người và phù hợp với thời đại

Cũng bàn về việc giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ, Giáo sư Giang còn nhắc đến sự kiện Bác Hồ viết thư gửi cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên (1945 – 1946) với lời dạy nổi tiếng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã trở thành một nội hàm mới của các đột phá chiến lược, được xây dựng với tư duy sáng tạo và kế hoạch hành động cụ thể.

Giáo sư Vũ Minh Giang khẳng định: “Rõ ràng, chúng ta giành độc lập dân tộc, thu non sông về một mối là để làm điều này.

Từ một quốc gia bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, Việt Nam đã và đang trở thành một đất nước có danh tiếng, có vị trí quan trọng trên bản đồ thế giới.

Vì thế, giáo dục đất nước cần toàn diện, có tầm nhìn và đi sâu vào lòng người. Để người trẻ hiểu rằng, nói đến kháng chiến giành độc lập dân tộc không phải chỉ đơn thuần là đuổi ngoại xâm, mà còn để thế hệ sau hiểu được dân tộc ta, cha anh đi trước đã phải đổ biết bao xương máu, gian khổ thì thế hệ ngày nay mới có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, vị thế của đất nước mới được khẳng định”.

Vì thế trong thời kỳ toàn cầu hóa, đất nước ta, đặc biệt là thế hệ trẻ cần ra sức học tập, rèn luyện, phát huy những giá trị nội tại để tạo ra cả thế và lực cho quốc gia.

Nói thêm về việc giảng dạy Lịch sử trong thời đại mới, Tiến sĩ Trương Thị Bích Hạnh cho rằng, với sự bùng nổ của mạng xã hội, các thông tin về lịch sử tuy rất đa dạng nhưng thông tin không chính xác, xấu độc cũng rất nhiều.

“Trong giáo dục cho thế hệ trẻ cũng cần quan tâm đến việc tôn trọng lịch sử. Đồng thời, trang bị kiến thức, kĩ năng để thế hệ trẻ biết tự chọn lọc thông tin và có trách nhiệm với những lời nói, hành động của mình.

Kỉ niệm ngày lễ lớn của dân tộc cũng là dịp giới trẻ nhận thức rõ hơn về chủ trương, chính sách hòa hợp dân tộc, đoàn kết người Việt Nam yêu nước cả trong và ngoài nước” – Tiến sĩ Hạnh nhận định.

Kim Minh Châu

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-xuat-hien-xuyen-suot-ctgdpt-moi-post242427.gd