Ngày của mọi ngày

Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển - nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng là người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cách đây 49 năm. Những kỷ niệm thời máu lửa là hành trang đi suốt cuộc đời ông. Nhân dịp kỷ niệm 49 năm giải phóng thị xã Tân An (nay là TP.Tân An, tỉnh Long An), Báo Long An trân trọng giới thiệu bài tùy bút của Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển.

Tôi không nghĩ mình còn sống đến năm thứ 50 kể từ ngày Sài Gòn giải phóng, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Gần nửa thế kỷ trôi qua, cùng với sự thăng trầm của đất nước: Trải qua hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc; vật lộn với đói nghèo trước công cuộc đổi mới,... chúng tôi như quân cờ xoay theo dòng thời cuộc. Dẫu vậy, những kỷ niệm về thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy vẫn không bao giờ mờ phai.

Ngày của mọi ngày

Đó là ngày 30/4/1975 - ngày mà lúc 11 giờ 30 phút, chiếc xe tăng 390 của Quân đoàn 2 húc tung cánh cửa sắt Dinh Độc Lập để Đại đội trưởng Bùi Quang Thận xông lên cắm lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta trên nóc hang ổ cuối cùng của chế độ cũ.

Thời khắc thiêng liêng ấy, chúng tôi có mặt trong cánh quân Tây Nam do tướng Lê Đức Anh chỉ huy.

Nhiệm vụ của chúng tôi trước khi bước vào Chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là cắt đứt lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) không cho địch tháo chạy từ Sài Gòn về miền Tây và không cho địch từ miền Tây lên cứu nguy cho Sài Gòn. Và, còn nữa, khi có thời cơ, nhanh chóng giải phóng thị xã Tân An, một đô thị yết hầu ở cửa ngõ miền Tây.

Đền thờ liệt sĩ Di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) (Ảnh: Văn Đát)

Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu, giữa tháng 4/1975, đang "quần nhau với giặc" ở vùng biên giới Tây Nam thuộc Mộc Hóa, Tuyên Bình, Gò Măng Đa,..., chúng tôi đã hành quân vượt "cánh đồng chó ngáp" áp sát lộ 4, thị xã Tân An. Trong lịch sử đánh giặc giữ nước, dân tộc ta đã có biết bao cuộc hành quân thần tốc như thế như thời Quang Trung Nguyễn Huệ hành quân giải phóng Bắc Hà năm 1789. Khi ấy hành quân qua cánh đồng lầy lội ngát hương sen của Đồng Tháp Mười, tôi đã nghĩ đến cuộc hành quân của vua tôi Nguyễn Huệ cách đó mấy trăm năm. Kỳ diệu. Cái khó ló cái khôn. Cánh đồng lầy lội khiến chó còn ngáp dài khi qua đây mà quân ta trùng điệp hành quân mang theo vũ khí hạng nặng như xe tăng, pháo lớn. Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lúc chiều 26/4/1975, địch ở Tân An, Thủ Thừa, Bến Lức,... kinh hoàng khi nghe tiếng xe thiết giáp gầm rú và tiếng pháo 130 li nòng dài khạc đạn. Ngày ấy, khi hành quân, tôi có chiếc radio mang hiệu Phương Đông đeo toòng teng bên hông. Bài hát của Huy Du Đường chúng ta đi do ca sĩ Doãn Tần thể hiện như kèn lệnh thôi thúc chúng tôi xông tới.

Sáng 30/4/1975, từ trận địa chốt, chúng tôi xông lên lộ 4 tiến vào thị xã Tân An. Địch chống cự quyết liệt. Nhiều đồng đội của chúng tôi ngã xuống bên chân cầu Tân An, dọc lộ 4,...

Trung đoàn phó Vũ Viết Cam (sau là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng) trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 5 cắm cờ trên dinh tỉnh trưởng Long An, đó là 11 giờ 45 phút ngày 30/4/1975. Chiều hôm đó, tôi theo Phó Chính ủy Trung đoàn - Lương Quý Mão ra cánh đồng ven thị xã nói chuyện với hàng binh chế độ cũ. Phần lớn họ chỉ mặc quần dài, lưng để trần. Áo có thêu tên và số lính chế độ cũ nên họ đã vứt bỏ dọc lộ 4. Có lẽ có đến hàng ngàn người. Nét mặt ai cũng phấn khởi hơn là sự lo sợ. Chúng tôi chọn gò cao để Phó Chính ủy đứng nói chuyện. Là trợ lý tuyên huấn, tôi mở đầu vài câu rồi trịnh trọng giới thiệu thủ trưởng Mão của chúng tôi.

Dáng người mảnh, đôi mắt sâu, gò má như nhọn ra sau cả tuần thức trắng, giọng Phó Chính ủy ấm áp: "Tôi nói anh em nghe. Cấp trên của anh em đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng. Chiến tranh đã kết thúc, đất nước đã thống nhất. Thay mặt cho quân giải phóng, tôi tuyên bố phóng thích anh em. Anh em hãy mau chóng nộp vũ khí và trang bị quân sự cho quân giải phóng, về sum họp với gia đình và chấp hành tốt các quy định của chính quyền cách mạng…".

Tiếng Phó Chính ủy vừa dứt, cả "cánh đồng người" cuộn lên như sóng. Tiếng reo hò, phấn khích vang cả một góc trời. Đêm ấy, chúng tôi được phân công xuống các đơn vị nắm tình hình thương, bệnh binh và đặc biệt là các đồng chí hy sinh trước giờ toàn thắng. Mắt tôi nhòe đi khi đọc tên những Hà, Vân, Hiếu, Thanh,... Mới chiều qua, tôi còn nói chuyện với các bạn ấy.

Ngày của cả đời

Đó là ngày chúng tôi khánh thành Đền thờ liệt sĩ Long Khốt vào cuối năm 2020. Thời điểm ấy, đại dịch Covid-19 như bóng ma bao phủ Trái đất này. TP.HCM là tâm dịch. Dù vậy, với sự tài trợ quyết liệt của Tập đoàn Donacoop do doanh nhân cựu chiến binh Bùi Thanh Trúc làm chủ tịch, chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng, ngôi đền với quy mô đầu tư gần 50 tỉ đồng đã hoàn thành đúng kế hoạch.

Khánh thành Đền thờ liệt sĩ Di tích lịch sử quốc gia Khu vực đồn Long Khốt (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) ( Ảnh: Văn Đát)

Đêm trước lễ khánh thành, chúng tôi phối hợp địa phương và bộ đội biên phòng làm lễ cầu siêu và thả hoa đăng bến vượt Long Khốt. Đây là nơi có hơn 200 đồng đội của chúng tôi đã nằm lại từ năm 1972 đến 1975. Như người mộng du, tôi đi dọc bờ sông thắp nhang cho đồng đội mà không cầm được nước mắt. Đến lúc mọi người tề tựu đông đủ, ánh đèn, ánh nến rực sáng cả một vùng biên cương hẻo lánh, tôi vào vị trí của người đọc điếu văn tri ân, gọi hồn đồng đội. Như có ai nhập, người tôi run như gặp luồng gió mạnh mùa đông. Tôi nghe vọng lên từ ngôi đền uy nghi khang trang ngày mai sẽ làm lễ khánh thành tiếng trầm hùng của đồng đội:

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia.

Đoạn, tôi thấy hàng trăm, hàng ngàn gương mặt bủa vây tôi. Những khuôn mặt con trai còn rất trẻ.

Đêm ấy, tôi không ngủ trọn giấc. Tôi lững thững một mình bách bộ dọc bờ sông. Ngày của cả đời chúng tôi không bao giờ quên khi hương hồn đồng đội bấy lâu nay cứ phảng phất, ngao du nơi miền biên ải. Và nay có chốn, có nơi tụ về bên nhau ca vang khúc quân ca như một thời đánh giặc.

Mới đây tại hội nghị bàn cách xác minh danh tính đồng đội và hỗ trợ đưa hài cốt liệt sĩ về quê, đến lượt tôi phát biểu. Y như đêm thả hoa đăng, người tôi lạnh toát. Tôi nói như chưa bao giờ được nói những điều sâu thẳm nhất: “Chiến tranh kết thúc, đồng đội (những liệt sĩ) của chúng ta ở lại. Rằng, chúng tao sớm theo Bác Hồ và các liệt sĩ, chúng mày ở lại giúp mẹ và người thân chúng tao sửa lại mái nhà tranh. Chúng mày đi tìm phần còn lại của chúng tao để chúng tao sớm về với quê cha đất tổ”.

Tôi nghe văng vẳng bên tai mình lời dặn dò, gửi gắm ấy. Mắt tôi nhòa đi khi thấy các chiến sĩ thiện nguyện bậc đàn anh tuổi đã bát, cửu tuần vẫn ngày đêm miệt mài hành quân đi tìm đồng đội. Một vị đại tá tuổi trên 80 tâm sự: “Sức không còn được như trước. Nhưng chúng tôi không dừng bước tiếp tục đến chiến trường xưa tìm đồng đội. Khi nào chân không bước được nữa, mắt không nhìn rõ nữa, mới thôi!".

Ngày của cả đời. Từ ngày tình nguyện tham gia hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ, chúng tôi coi việc đi tìm đồng đội - liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc là công việc của quãng đời còn lại.

Từ ngày của mọi ngày đến ngày của cả đời là quá trình tạo hóa kỳ diệu, thiêng liêng của những người lính thời đại Hồ Chí Minh./.

Trần Thế Tuyển

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ngay-cua-moi-ngay-a175185.html