Ngày càng có nhiều nước cấm sử dụng TikTok

Do lo ngại rủi ro đối với an ninh quốc gia, ngày càng có nhiều các nước phương Tây thực hiện lệnh cấm TikTok trên các thiết bị công vụ.

Biểu tượng ứng dụng TikTok. Ảnh: AFP/TTXVN

Mới đây nhất, Australia đã trở thành thành viên cuối cùng của liên minh an ninh tình báo Five Eyes (gồm cả Mỹ, Anh, Canada và New Zealand) thực hiện lệnh cấm đối với với ứng dụng chia sẻ video phổ biến trên mạng xã hội này.

TikTok thuộc sở hữu của Tập đoàn ByteDance (Trung Quốc), là nền tảng xã hội nổi tiếng được sử dụng nhiều thứ 6 thế giới với các video ngắn, vui nhộn, hiện thu hút hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới, trong đó có 150 triệu người dùng trên khắp châu Âu và 150 triệu người dùng tại Mỹ.

Mặc dù có phần tụt hậu so với bộ ba nền tảng trực tuyến thống trị lâu nay của công ty Meta gồm Facebook, WhatsApp và Instagram, nhưng tốc độ tăng trưởng về người dùng là giới trẻ của TikTok vượt xa các đối thủ cạnh tranh.

Theo Wallaroo, gần 30% số người dùng TikTok trong độ tuổi từ 10 - 19. Sự gia tăng nhanh chóng về lượng người dùng đã giúp TikTok thu về hơn 11 tỷ USD doanh thu quảng cáo vào năm ngoái - tăng gấp 3 lần trong vòng một năm.

Là nền tảng xã hội nổi tiếng, thế nhưng, giới chức nhiều nước lo ngại vấn đề quyền riêng tư và tính bảo mật thông tin, thậm chí đe dọa an ninh quốc gia của người dùng TikTok.

TikTok cũng bị cáo buộc thường xuyên truyền bá thông tin độc hại, như tin giả, các nội dung khiêu dâm hay những thử thách có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người chơi.

Lợi dụng ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok, nhiều tội phạm thành thạo công nghệ cũng đang tìm cách mời chào đưa người di cư vượt biên trái phép để tìm đến "miền đất hứa".

Điều này đang ngày càng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng Liên minh châu Âu (EU) cũng như Mỹ và Mexico trong cuộc chiến chống nạn di cư bất hợp pháp trong khu vực.

Lo ngại rò rỉ dữ liệu người dùng và kéo theo đó là những rủi ro đối với an ninh quốc qua, giới chức các nước trong liên minh an ninh tình báo Five Eyes đã ban hành lệnh cấm sử dụng ứng dụng TikTok, trên các thiết bị công vụ.

Mỹ là một trong những thị trường lớn nhất của TikTok. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Washington đã dọa cấm ứng dụng này ở Mỹ do các mối quan ngại về an ninh quốc gia và gây áp lực buộc ByteDance phải bán TikTok cho một công ty Mỹ.

Đến thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Chính phủ Mỹ khẳng định sự ủng hộ đối với dự luật, được gọi là “Đạo luật Hạn chế”, theo đó sẽ trao cho Tổng thống Biden quyền hạn mới để giải quyết các mối đe dọa từ công nghệ nước ngoài và có thể cho phép chính quyền cấm ứng dụng chia sẻ video TikTok.

Hiện Mỹ đã cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên tất cả các thiết bị của chính phủ liên bang vì lo ngại dữ liệu người dùng do TikTok thu thập có thể bị lạm dụng và Quốc hội nước này đang trong quá trình thông qua dự luật cấm sử dụng ứng dụng này tại Mỹ.

Một phiên điều trần giám đốc điều hành của TikTok tại Quốc hội Mỹ để xem xét nhiều khả năng sẽ diễn ra sớm nhất vào giữa tháng 4 này, khi Thượng viện Mỹ kết thúc kỳ nghỉ.

Sau Mỹ, TikTok tiếp tục gặp khó tại Canada. Chính phủ Canada đã tuyên bố cấm tải phần mềm mạng xã hội TikTok của Trung Quốc vào các thiết bị do chính phủ quản lý nhằm đảm bảo an ninh thông tin của chính phủ sau một đánh giá nội bộ cho thấy các phương pháp thu thập dữ liệu của TikTok có thể khiến người dùng dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công mạng và lệnh này có hiệu lực từ ngày 28/2.

Tương tự, ngày 16/3, Anh thông báo cấm cài đặt TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu cơ quan nhà nước và chính phủ và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Ngày 23/3, Quốc hội Anh thông báo cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên tất cả các thiết bị và mạng của cơ quan lập pháp nhằm đảm bảo an ninh mạng.

Ngoài thông báo, mới đây Anh còn phạt TikTok gần 16 triệu USD vì vi phạm luật bảo vệ dữ liệu, trong đó có việc sử dụng dữ liệu cá nhân của trẻ em dưới 13 tuổi mà không có sự đồng ý của cha mẹ.

New Zealand cũng trở thành quốc gia "cấm cửa" ứng dụng chia sẻ video TikTok trên các thiết bị liên quan đến chính quyền khi tuyên bố cấm cài TikTok trên các thiết bị có quyền truy cập vào mạng của Quốc hội nước này từ ngày 31/3.

Ngày 4/4, Australia đã trở thành thành viên cuối cùng của liên minh Five Eyes thực hiện lệnh cấm TikTok trên các thiết bị công vụ khi Chính phủ Australia thông báo sẽ cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ.

TikTok từng được nhiều cơ quan chính phủ tại Australia tận dụng làm cầu nối với nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi, vốn khó tiếp cận hơn thông qua các kênh truyền thông truyền thống.

Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo rằng TikTok có thể đã chia sẻ với bên thứ ba những dữ liệu mà ứng dụng này thu thập được từ hơn 1 tỷ người dùng thường xuyên trên toàn cầu.

Không chỉ các nước trong liên minh an ninh tình báo Five Eyes, thời gian gần đây nhiều nước phương Tây và các thể chế như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Scotland, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu cũng đã ban hành lệnh cấm sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị công vụ do lo ngại về rủi ro đối với an ninh quốc gia.

Ứng dụng Tiktok trên điện thoại. Ảnh: BNEWS phát

Trên thực tế, những quan ngại về bảo mật xuất phát từ việc Trung Quốc năm 2017 công bố một bộ luật yêu cầu các công ty địa phương bàn giao dữ liệu cá nhân cho nhà nước nếu dữ liệu đó có liên quan đến an ninh quốc gia.

Bắc Kinh phủ nhận những cải cách đó gây ra mối đe dọa cho người dùng. Trong khi đại diện TikTok đã kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc "tuồn" dữ liệu người dùng ra bên ngoài.

Với hy vọng có thể tiếp tục hoạt động tại Mỹ và châu Âu, những thị trường lớn nhất, TikTok đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho các nỗ lực bảo mật dữ liệu.

TikTok cũng đang đàm phán với Chính phủ Mỹ để giải quyết các mối lo ngại của Washington về an ninh quốc gia đồng thời công bố gói biện pháp mới "Project Clover" nhằm tăng cường bảo vệ dữ liệu người dùng ở châu Âu.

Ngoài ra, ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc cũng ứng dụng các công nghệ tiên tiến để đảm bảo quyền riêng tư của thông tin người dùng, như đặt mật danh cho mỗi dữ liệu cá nhân để các đối tượng tiếp cận trái phép khó có thể xác định mục tiêu, nếu không có thông tin bổ sung.

Dù đã nỗ lực, song giới phân tích nhận định động thái mới nhất của Australia là một “đòn giáng” mạnh vào TikTok trong bối cảnh ứng dụng chia sẻ video phổ biến này đang chịu áp lực ngày càng tăng.

Giám đốc điều hành (CEO) của TikTok - ông Shou Zi Chew phải thừa nhận TikTok đang ở "thời điểm then chốt"./.

Thanh Lâm (tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ngay-cang-co-nhieu-nuoc-cam-su-dung-tiktok/286983.html