Ngày 30/4/1975 và khát vọng hòa bình

Giá như... không có cuộc chiến tàn khốc kéo dài 21 năm (1954 - 1975) ấy thì tốt biết bao. Sẽ không có sự tổn thất vô cùng lớn với hàng triệu người thương vong, đất nước bị bom đạn tàn phá tan hoang, hậu quả chiến tranh sau gần nửa thế kỷ vẫn chưa khắc phục hết.

Nơi tôi đang ở hôm nay thực sự là một bảo tàng chiến tranh bi tráng với 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Quảng Trị, ai từng đến mảnh đất hẹp ở giữa miền Trung này chắc sẽ thấm thía hơn cái giá dân tộc ta phải trả cho mỗi ngày được sống trong hòa bình. Không có cuộc chiến 21 năm ấy, mặc nhiên sẽ không có ngày 30/4/1975 đã trở thành một dấu mốc lịch sử ám ảnh mà sự hân hoan và bàng hoàng đều tột đỉnh.

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu.

Giá như... Lịch sử vốn không có từ “giá như” nhưng con người vẫn phải nghiêm khắc rút ra những bài học xương máu cho mình từ các cuộc chiến khốc liệt. Khi mà xung đột, chiến tranh vẫn còn chưa chấm dứt ở nơi này, nơi khác trên hành tinh mang tên Trái Đất. Giá như từ năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được tất cả các bên thi hành nghiêm chỉnh thì chắc chắn rằng hai năm sau đó (1956), đất nước Việt Nam sẽ thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử dân chủ. Bến Hải ở Vĩ tuyến 17 sẽ không trở thành con sông giới tuyến chia cắt hai miền Bắc - Nam lâu như thế, không có đội quân viễn chinh đến từ bên kia Thái Bình Dương đặt dấu giày xâm lược lên đất nước này. Và tất nhiên rồi, cũng sẽ không có cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm như đã nói ở trên.

Chiến tranh là chiến tranh, không phải trò đùa nên trong cuộc đối đầu khốc liệt giữa các lực lượng, sự đau thương tang tóc ngày nối ngày, đêm nối đêm chất chồng không kể xiết. Phải nói một cách sòng phẳng rằng, ở Việt Nam từ năm 1954 đến 1975 có hai cuộc chiến tranh. Một cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa do đế quốc Mỹ chủ trì, tổ chức và một cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm giải phóng đất nước, lập lại hòa bình, thống nhất non sông do Đảng ta lãnh đạo.

Nếu ai đó cho rằng cuộc đụng độ đẫm máu ấy là nội chiến giữa miền Bắc và miền Nam thì thật hồ đồ; đấy là sự đánh tráo lịch sử, nhằm ngụy biện cho hành vi xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai của họ. Nếu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chính nghĩa thì làm sao thu phục được lòng dân, lấy đâu ra sự ủng hộ của bè bạn tiến bộ trên thế giới và cuối cùng giành được thắng lợi vẻ vang với đỉnh cao ngày 30/4/1975.

Đông đảo người dân Việt Nam xem ngày 30/4 là ngày Chiến thắng của dân tộc. Chiến thắng này nên hiểu ở một nội hàm rộng lớn, không chỉ bó hẹp trong sự đối đầu quân sự. Đó là ngày chấm dứt chiến tranh. Ngày mở ra cánh cửa hòa bình. Ngày thống nhất non sông. Ngày hòa hợp, hòa giải dân tộc. Có hiểu được như thế mới đánh giá đúng ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của ngày 30/4/1975.

Đông đảo người dân Việt Nam xem ngày 30/4 là ngày Chiến thắng của dân tộc. Chiến thắng này nên hiểu ở một nội hàm rộng lớn, không chỉ bó hẹp trong sự đối đầu quân sự. Đó là ngày chấm dứt chiến tranh. Ngày mở ra cánh cửa hòa bình. Ngày thống nhất non sông. Ngày hòa hợp, hòa giải dân tộc. Có hiểu được như thế mới đánh giá đúng ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của ngày 30/4/1975.

May mắn thay, vượt qua nhiều thăng trầm sóng gió, nhìn chung quá khứ đã được khép lại, những kẻ thù của nhau thời ấy bây giờ thành bạn bè thân thiện, thành đối tác rồi đối tác chiến lược và đạt tới đỉnh cao trong quan hệ quốc tế là đối tác chiến lược toàn diện nhưng những gì thuộc về lịch sử vẫn được khắc ghi như là sự biết ơn, tri ân muôn triệu người đã dâng hiến, hy sinh cho dân tộc.

Và, chúng ta có quyền kiêu hãnh, tự hào về ngày 30/4 nhưng cái lớn hơn nữa là đội ngũ chiến thắng không phải hổ thẹn với ứng xử đĩnh đạc, nhân văn của mình. Kẻ bại trận không hề bị “tắm máu” như họ từng tuyên truyền rêu rao. Cuộc chiến kết thúc ở nơi sào huyệt của chính quyền tay sai nhưng TP Sài Gòn hầu như không hề bị tàn phá. Nhân dân Sài Gòn, nhân dân cả nước chờ đón ngày này, từ 21 năm nay không đêm nào ngủ được.

Bởi thế, mới có cảnh đúng như các nhà báo của hãng UPI tường thuật vào trưa cuối cùng của tháng Tư năm 1975: Quân đội phía chiến thắng cưỡi xe tăng vào Dinh Tổng thống với nét mặt phấn khởi như vào chỗ không người, thậm chí còn xưng hô “đồng chí” với những người đứng hai bên đường cũng như đối với các nhà báo. Rõ ràng, đấy là tư thế, tâm thế của một đội quân chính nghĩa, có văn hóa, có tổ chức và được nhân dân ủng hộ. Trong lịch sử thế giới, không ít cuộc chiến tranh ngày khải hoàn của bên này trở thành ngày thảm họa của bên kia, họ lấy hận thù đáp trả hận thù, vòng xoáy bạo lực không có điểm dừng.

Một góc TP Hồ Chí Minh hôm nay.

Đúng vào ngày Quốc tế Lao động 1/5/1975, một đêm giao hưởng chào đón hòa bình được tổ chức tại Nhà hát Lớn của TP Sài Gòn. Vâng, một đêm giao hưởng hoành tráng do những nghệ sĩ, ca sĩ cách mạng đến từ miền Bắc trình diễn. Những người lính thắng trận, áo vải Tô Châu còn lấm bụi đường, còn vương nắng gió trăm miền sau cuộc hành quân thần tốc, táo bạo nhất trong lịch sử dân tộc ngỡ ngàng bước vào Nhà hát Lớn để tâm hồn hòa điệu cùng những bản nhạc nổi tiếng của Việt Nam và nhân loại. Tôi nghĩ lịch sử dân tộc nên dành những dòng trân trọng cho sự kiện này.

Ngày hòa bình đầu tiên, buổi giao hưởng đầu tiên của đất nước sau 21 năm chiến tranh dữ dội. Đại tá - nhà thơ Anh Ngọc từng nhắc lại với tôi cái cảm xúc rạo rực bâng khuâng của một thi sĩ mang áo lính trong đêm giao hưởng đó. Và anh đã hào hứng đọc cho tôi nghe bài thơ “Sài Gòn, đêm giao hưởng” được sáng tác ngay sau đấy: Cát bụi đường xa khẩu súng ngọn cờ/ Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng/ Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng/ Bổng trầm cung bậc tìm nhau/ Sài Gòn trong ta là trái chín vẹn nguyên/ Chiến thắng đặt vào lòng hai đứa/ Một nửa anh và em một nửa...

Nếu không có ngày 30/4/1975 thì non sông sẽ mãi mãi cắt chia, một Tổ quốc bị xẻ ra làm đôi, cùng nòi giống, cùng tổ tiên, bỗng nhiên thành hai phần riêng biệt. Rồi thù hận, rồi xung đột, rồi chiến tranh kéo dài. Đau thương tang tóc, đổ nát tan hoang đến bao giờ mới ngưng lại. Cần phải ghi công cho ai chấm dứt được chiến tranh mang lại hòa bình cho nhân dân và thống nhất non sông, thế mới thực sự công bằng và sòng phẳng.

Tôi nhớ lại ý câu nói của một vị tướng cao cấp của chế độ cũ. Tuy nhiên, cần và nên nói rõ hơn là cần phải ghi công cho nhân dân Việt Nam, cho quân đội cách mạng, cho Đảng và Bác Hồ và cho cả bạn bè tiến bộ trên thế giới đã hết lòng ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta đã từng bước "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" mang lại nền hòa bình cho dân tộc và thống nhất non sông.

Có một mùa thu đáng nhớ khi tôi được gặp một số nhà văn Mỹ tại Hà Nội. Ở trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, các nhà văn cựu chiến binh từng là “kẻ thù của nhau” ôm hôn nhau thắm thiết. Chúng tôi tặng hoa hồng cho các bạn Mỹ và đương nhiên rồi, không thể thiếu được phần đọc thơ. Tôi làm sao quên được lời phát biểu của giáo sư, nhà thơ Brút - xơ Uây - giơ, một người lính từng có mặt ở Quảng Trị vào các năm 1967 - 1968: “Chiến tranh đã từng tước đi của tôi rất nhiều, nhưng nó cũng cho tôi thơ ca, một người con Việt Nam và tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam”. Và, đây là thơ ông: "Sau một đêm không ngủ, tôi nghe tiếng chim dìu ban mai/ Về trên mặt hồ bằng tiếng hát/ Trên những chiếc thuyền nan/ Những người hái sen chèo ra xa giữa những bông hoa trắng muốt được ngắt ra/ Nhưng sẽ lại dâng lên sự sống..."

Vâng, đấy là cuộc sống hòa bình ở Việt Nam. Là khát vọng đã trở thành hiện thực ở trên đất nước này. Hòa bình, giá trị hạnh phúc lớn nhất của một dân tộc, của nhân loại. Thế đấy, nếu như không có ngày 30/4/1975...

Nguyễn Hữu Quý

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ngay-30-4-1975-va-khat-vong-hoa-binh-084124.bbg