Ngày 29/4: Ghi nhận thêm 6.068 ca nhiễm COVID-19 mới

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 28/4 đến 16h ngày 29/4, hệ thống y tế cả nước ghi nhận 6.068 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 6.068 ca ghi nhận trong nước.

Số ca mắc COVID-19 tiếp tục giảm

Trong đó các tỉnh ghi nhận nhiều số ca mắc COVID-19 mới gồm: Hà Nội (843), Phú Thọ (386), Gia Lai (341), Yên Bái (280), Nghệ An (262), Hải Dương (230), Lào Cai (226), Tuyên Quang (224), Vĩnh Phúc (214);

Thái Bình (206), Quảng Ninh (204), Thái Nguyên (186), Bắc Kạn (174), Hưng Yên (168), Nam Định (150), Quảng Bình (128), Bắc Ninh (112), Sơn La (111), Đà Nẵng (99), Hà Tĩnh (97), Lâm Đồng (95).

Tiêm vắc xin là phương pháp bảo vệ hữu hiệu.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 8.030 ca/ngày. Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.644.700 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.597 ca nhiễm).

Cũng theo Bộ Y tế, bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 3.225 ca nâng tổng số ca được điều trị khỏi 9.245.528 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 594 ca.

Từ 17h30 ngày 28/4 đến 17h30 ngày 29/4 ghi nhận 1 ca tử vong tại Bắc Kạn. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua 6 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.038 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Vắc xin COVID-19 có thể được tiêm hàng năm

TS.DS Tạ Thanh Sơn - Viện Công nghệ Dược sinh học, Đại học Marburg (Đức) cho biết, thuốc chủng ngừa cúm cần được cập nhật hằng năm để bảo vệ chống lại các virus cúm mới. Trong khi đó, không ít người đặt ra câu hỏi, liệu với Covid-19, việc tiêm vắc-xin hằng năm có cần thiết?

“Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Y khoa Charité - Berlin đã so sánh sự tiến hóa của virus Corona gây bệnh cảm thông thường với sự tiến hóa của virus Influenza gây cảm cúm. Các kết quả nghiên cứu đã giúp đưa ra tiên lượng rằng, việc cập nhật vắc-xin thường xuyên sẽ là cần thiết trong thời gian đại dịch xảy ra. Tuy nhiên, sau một vài năm, thời gian hiệu lực của vắc-xin có thể kéo dài lâu hơn. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí chuyên ngành Virus Evolution”, TS Sơn dẫn chứng.

Theo chuyên gia này, virus Influenza là một chủng biến đổi rất nhanh và giỏi né tránh phản ứng miễn dịch của con người. Sự thay đổi này nhanh đến mức, các kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch sau một lần nhiễm trùng hoặc tiêm phòng trước đó không thể nhận ra chúng.

“Điều này đòi hỏi sự thay đổi và thích nghi của vắc-xin theo tình hình thực tế mỗi mùa cúm. Virus SARS-CoV-2 cũng đã tạo ra nhiều loại đột biến khác nhau, một trong số đó là biến chủng Omicron từ Nam Phi.

Biến chủng Omicron làm suy yếu một phần phản ứng miễn dịch và từ khi xuất hiện đã lan truyền rất mạnh mẽ. Do đó, các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 đầu tiên đã và đang phát triển các phiên bản vắc-xin mới của họ”, TS Sơn chia sẻ.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngay-29-4-ghi-nhan-them-6068-ca-nhiem-covid-19-moi-post192249.html