Ngập cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và câu chuyện quy hoạch hệ thống thoát nước

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây ngập không thể đổi lỗi do mưa lớn. Cần nhìn nhận lại quy hoạch hệ thống thoát nước tính đến dư địa ứng phó mưa cực đoan hay chưa?

Chuyện lạ: Cao tốc mới thông xe bị ngập

Rạng sáng 29/7, hàng loạt xe ô tô lưu thông trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây tại Km25 đoạn qua xã Sông Phan (huện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đã bị ngập sâu, chết máy dẫn đến việc ùn tắc nghiêm trọng trên cao tốc kéo dài hàng km. Để đảm bảo an toàn, hạn chế ùn tắc, lực lượng công an đã phải chốt chặn lối vào cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây để tránh các điểm ngập.

Đến 8h sáng cùng ngày, nước rút, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây lưu thông trở lại.

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây rạng sáng 29/7 (Ảnh:MXH)

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây rạng sáng 29/7 (Ảnh:MXH)

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây ngập được cho là do trận mưa lớn, kéo dài trước đó, nước không thoát kịp, tràn vào cao tốc gây ngập nghiêm trọng.

Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư, thuộc Bộ Giao thông vận tải) cho biết đoạn tuyến bị ngập tại lý trình Km25+419, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Độ dốc khu vực này từ 0,8 – 2,18%. Công trình được bố trí hệ thống rãnh thoát nước dọc bên đường, có 1 cống thoát nước ngang 2,5x2,5m. Đến nay, các hạng mục thoát nước này đã hoàn tất đúng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Báo cáo về nguyên nhân sự cố vụ việc, đơn vị này cho rằng từ ngày 27 – 29/7, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận liên tục có mưa lớn kéo dài. Nhất là đêm 28/7 mưa liên tục với lượng mưa lớn dẫn dến ngập cụ bộ tại lý trình Km25+419 phạm vi 100m, điểm ngập sâu nhất khoảng 70 cm.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Bình Thuận, trong ngày 28/7, lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh từ 30 – 90 mm, riêng ở khúc vực thượng nguồn và khu vực cao tốc có ngượng mưa khá lớn.

Bên cạnh đó, khu vực đoạn cao tốc bị ngập là lòng chảo, 2 bên là đồi, đường cao tốc trũng xuống phía dưới so với 2 bên đường.

Trong ngày 29/7, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long khẩn trương báo cáo nguyên nhân, giải pháp khắc phục trước ngày 3/8; đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, đặc biệt là tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra (nếu có).

 Không thể liên tục đổ lỗi "mưa lớn gây ngập" khi cao tốc mới vừa thông xe mà phải xem xét lại thiết kế thoát nước đã tính đúng và đủ với lượng mưa thực tế tại khu vực hay chưa (Xe tại bị ngập, trôi, chết máy trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Ảnh: MXH)

Không thể liên tục đổ lỗi "mưa lớn gây ngập" khi cao tốc mới vừa thông xe mà phải xem xét lại thiết kế thoát nước đã tính đúng và đủ với lượng mưa thực tế tại khu vực hay chưa (Xe tại bị ngập, trôi, chết máy trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Ảnh: MXH)

Vì đâu?

Mưa lớn gây ngập không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, mưa lớn gây ngập cao tốc là điều xưa nay hiếm.

Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết dài 99km, nối hai tỉnh Đồng Nai – Bình Thuận mới thông xe chính thức hồi cuối tháng 4/2023. Khu vực cao tốc chạy qua là khu đồi núi, xa dân cư. Đồng ý là sẽ có những đoạn đường trũng do đặc thù địa hình. Tuy nhiên, khi giải thích mưa lớn gây ngập cao tốc vẫn là lý do khiên cưỡng.

Cao tốc mới đưa vào khai thác hồi cuối tháng 4/2023, nghĩa là các quy hoạch, thiết kế thoát nước là mới đây khi đầu tư lập quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng cao tốc. Như vậy không thể đổ lỗi do yếu tố lịch sử đã quy hoạch, thiết kế lâu không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, vì các cao tốc được xây dựng phần lớn xẻ ngang đồi núi (đặc biệt là ở khu vực miền Trung), nên so với đường bộ thông thường thì cao tốc thường có thiết kế nền cao hơn.

Khi thiết kế, quy hoạch xây dựng đường nói chung, cao tốc nói riêng phải có tính đến hệ thống thoát nước ở từng Km và hệ thống thoát nước chung, hệ thống thoát nước lân cận. Trong đó, bao gồm việc tính toán lượng mưa cực đại tại từng khu vực cũng như có dự phòng lượng mưa lớn hơn.

Tuy nhiên, thực tế cống thoát nước tại vị trí ngập trên cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết chỉ rộng 2,5 m, lại ở khu vực trũng mưa lớn kèm đất đá có thể làm chậm quá trình lưu thông nước và dẫn đến ùn ứ nước ngập. Như vậy, trong thiết kế, quy hoạch thoát nước cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đã tính đến yếu tố này hay chưa?

Mưa lớn nước thoát không kịp gây ngập nhưng như vậy có đồng nghĩa với việc khi thiết kế cao trình, chưa tính đến hoặc tính toán chưa “tới” khu vực hệ thống tiêu thoát nước? Hoặc rộng hơn hơn là chưa tính đến trường hợp gia tăng mưa cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Thiết kế đường bộ nói chung, cao tốc nói riêng cần chuẩn bị dư địa để ứng phó với ngập lụt và gia tăng lượng mưa cực đoan (Ảnh: Ngập cao quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh hồi tháng 9/2022)

Thiết kế đường bộ nói chung, cao tốc nói riêng cần chuẩn bị dư địa để ứng phó với ngập lụt và gia tăng lượng mưa cực đoan (Ảnh: Ngập cao quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh hồi tháng 9/2022)

Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp “cứ mưa lớn là ngập”.

Mỗi năm đến mùa mưa lũ tại miền Trung, nhiều đoạn thuộc Quốc lộ 1A đoạn qua các địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Huế, Quảng Nam… thường xuyên bị ngập sâu, giao thông bị nước lũ chia cắt.

Hồi tháng 10/2022, mưa lớn tại TP. Đà Nẵng trong đêm 14/10 với lượng mưa hàng trăm mm đã gây ngập 70.000 nhà dân, hơn 2.000 xe ô tô và trên 30.000 xe máy bị ngập nước. Ước tính thiệt hại do đợt mưa lũ này gây ra là gần 1.500 tỷ đồng.

Cần phải nhìn nhận thực tế là thời tiết, khí hậu đang biến đổi theo chiều hướng gia tăng lượng mưa cực đoan. Vì vậy, thay vì đổ lỗi cho thời tiết, việc cần làm là có giải pháp thích ứng với biển đổi khí hậu.

Nên chăng cần đánh giá lại hệ thống tiêu thoát nước trên toàn bộ cao tốc. Trong đó, không chỉ tính đến khả năng tiêu thoát nước ở tại khu vực cao tốc mà còn tính đến khu vực lân cận để có dự báo về tổng lượng mưa lớn và năng lực thoát nước tương ứng theo hướng có chuẩn bị dư địa để ứng phó với ngập lụt.

Bình An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngap-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-va-cau-chuyen-quy-hoach-he-thong-thoat-nuoc-264474.html