Ngành y tế 'khôi phục' sau đại dịch Covid-19

Cùng với các đơn vị, địa phương trong tỉnh, năm 2023 ngành y tế từng bước vượt qua thách thức, nỗ lực 'khôi phục' sau đại dịch Covid-19 và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Những tháng đầu năm 2023, đại dịch Covid-19 trong cả nước và trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, khó dự đoán, Sở Y tế tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, tiếp tục thực hiện cập nhật “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19, ký xác nhận “Hộ chiếu vắc xin”. Bảo đảm việc duy trì trực chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, ứng phó và xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh. Tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, thực hiện nội dung truyền thông thông điệp “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai kỹ thuật phẫu thuật Phaco điều trị đục thủy tinh thể.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai kỹ thuật phẫu thuật Phaco điều trị đục thủy tinh thể.

Tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh xét nghiệm sàng lọc Covid-19 được 601.093 mẫu, trong đó, 99.393 mẫu dương tính, 98.323 người được chữa khỏi, 3 người chuyển tuyến Trung ương, 67 người tử vong (chủ yếu do tuổi cao, mắc bệnh lý nền, chưa tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ liều); thực hiện tiêm trên 1 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19; 100% đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện trên địa bàn tỉnh được phân loại, đánh giá xác định cấp độ dịch Covid-19 là cấp độ I.

Các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2022, không có trường hợp tử vong. Trong năm, trên địa bàn tỉnh ghi nhận một số bệnh lưu hành như: bệnh do vi rút adeno, cúm, lỵ trực trùng, quai bị, thủy đậu, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết; không ghi nhận trường hợp mắc các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như: đậu mùa khỉ, cúm A (H5N1, H7N9), MERS-CoV, Ebola…

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Hoạt động khám, chữa bệnh (KCB) thông thường đang dần phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Ngành y tế tỉnh tổ chức tốt công tác KCB, phân tuyến kỹ thuật tại các tuyến; quản lý, sử dụng thuốc đúng quy chế, đảm bảo an toàn, hợp lý; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong KCB, chuyển giao kỹ thuật; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Triển khai tư vấn, KCB trực tuyến, từ xa, kết nối bệnh viện Trung ương với bệnh viện tuyến tỉnh, các đơn vị tuyến tỉnh với tuyến huyện, xã.

Duy trì thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 tại các cơ sở KCB theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Chủ động mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao đảm bảo cho công tác KCB, điều trị người bệnh Covid-19. Tổng số lần khám bệnh đạt 582.262 lượt, đạt 85,7% kế hoạch, tăng 67.229 lượt so với cùng kỳ năm 2022; 72.422 lượt người điều trị nội trú, đạt 90,3% kế hoạch, tăng 6.750 lượt so với cùng kỳ năm 2022; 29.078 lượt người điều trị ngoại trú, đạt 162% kế hoạch, giảm 10.600 lượt so với cùng kỳ năm 2022; thực hiện phẫu thuật các loại 5.422 ca, đạt 77,0% kế hoạch, giảm 123 ca so với cùng kỳ năm 2022; số ngày điều trị nội trú trung bình đạt 6,7 ngày; công suất sử dụng giường bệnh đạt 86,2%, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số người tham gia bảo hiểm y tế có KCB bảo hiểm y tế là 588.918 lượt, trong đó, 68.503 lượt KCB nội trú, 520.415 lượt KCB ngoại trú (kê đơn).

Sử dụng căn cước công dân gắn chíp và VNeID trong khám, chữa bệnh tạo thuận lợi cho người dân.

Sử dụng căn cước công dân gắn chíp và VNeID trong khám, chữa bệnh tạo thuận lợi cho người dân.

Các hoạt động dự án thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số được ngành duy trì thường xuyên và thực hiện có hiệu quả. Công tác tiêm chủng mở rộng được thực hiện tại 100% xã, phường, đảm bảo chất lượng, không có tai biến sau tiêm chủng. 59,8% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm 2022; 62,4% phụ nữ có thai được tiêm chủng đầy đủ vắc xin uốn ván tiêm UV2+, tăng 2,7% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh phát hiện 78 trường hợp nhiễm HIV mới (tăng 43 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022), 7 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS (tăng 1 trường hợp so với cùng kỳ) và 16 trường hợp HIV tử vong (tăng 7 trường hợp so với cùng kỳ); có 776 bệnh nhân đang điều trị ARV tại 14 cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh; 89,6% bệnh nhân điều trị ARV được điều trị dự phòng lao; 100% cơ sở điều trị thực hiện KCB HIV/AIDS bảo hiểm y tế, số bệnh nhân HIV có thẻ bảo hiểm y tế đạt 98%. Duy trì điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 12 cơ sở điều trị với 1.250 bệnh nhân, đạt 75,8% kế hoạch.

Hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em được triển khai thực hiện với các hoạt động như: cân và theo dõi biểu đồ tăng trưởng 3 tháng/lần cho trẻ em dưới 2 tuổi, trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; cung cấp Vitamin A cho bà mẹ sau sinh, bổ sung uống Vitamin A cho trẻ em từ 6 - 60 tháng tuổi và tẩy giun cho trẻ 24 - 60 tháng tuổi, ngày vi chất dinh dưỡng; triển khai các hoạt động điều tra tại các mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời.

Duy trì các hoạt động sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, lấy mẫu máu gót chân sàng lọc cho trẻ sơ sinh tại 10 huyện, Thành phố theo hình thức miễn phí và xã hội hóa. Cung ứng, đảm bảo chất lượng phương tiện tránh thai cho các đối tượng có nhu cầu theo nhiều hình thức. Lồng ghép thực hiện các hoạt động truyền thông tư vấn, chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng.

Hướng tới cải thiện chất lượng dân số

Giám đốc Sở Y tế Nông Tuấn Phong cho biết: Ngành y tế tỉnh kiện toàn, củng cố, phát triển và hoàn thiện hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, mạng lưới y tế dự phòng. Nâng cao chất lượng KCB bằng việc chú trọng phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, kỹ thuật vượt tuyến, cấp cứu, điều trị các bệnh nặng, bệnh khó ngay tại tỉnh; tăng cường năng lực hệ thống KCB, phục hồi chức năng ở tuyến tỉnh, huyện. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực y tế có tay nghề, chuyên môn cao để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh phát triển đông dược và dược liệu, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị bệnh. Chú trọng đến lĩnh vực dược và thiết bị y tế, bảo đảm đủ thuốc, chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân. Triển khai hiệu quả công tác quản lý môi trường y tế, phòng, chống HIV/AIDS, an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

Thu An

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nganh-y-te-khoi-phuc-sau-dai-dich-covid-19-3166606.html