Ngành xi măng trước áp lực cả đầu vào lẫn đầu ra

Trong lịch sử ngành xi măng, từ thời điểm hình thành cách đây hơn 100 năm cho đến hiện tại, đây là giai đoạn khó khăn nhất, bởi khả năng hấp thụ của nền kinh tế trong nước kém, trong khi đầu vào tăng…

Ảnh minh họa.

Tại tọa đàm: “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng”, các đại biểu cho biết ngành xi măng Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, không ít doanh nghiệp sản xuất xi măng còn phải đóng cửa, hoặc giảm sản lượng để giảm thiểu thiệt hại.

ĐÂY LÀ GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN NHẤT

PGS. TS Lương Đức Long, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, nhận định trong lịch sử của ngành xi măng kể từ thời điểm hình thành cách đây hơn 100 năm cho đến hiện tại, đây là giai đoạn ngành xi măng khó khăn nhất. Bởi ngành này phải chịu áp lực về đầu ra, khi khả năng hấp thụ của nền kinh tế trong nước kém, lẫn giá đầu vào tăng do giá năng lượng tăng khiến ngành xi măng chịu một sức ép không nhỏ.

“Khi giá đầu vào như vậy, tất yếu chi phí sản phẩm sẽ cao, dẫn đến vượt giá bán mà thị trường chấp nhận được, hệ quả là việc bán hàng giảm xuống. Thêm vào đó, nguồn cung xi măng lại quá lớn, cũng ảnh hưởng đến sản lượng bán hàng của một số công ty, trong đó có Công ty cổ phần Vissai Hà Nam. Hiện nay với Vissai Hà Nam, dây chuyền 2 bị dừng từ ngày 18/5, dây chuyền 1 đang xem xét, cân nhắc việc sản xuất tiếp hay tạm dừng vì mức lỗ quá lớn”, ông Phạm Việt Cường, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Vissai Hà Nam, chia sẻ.

Tương tự, ông Đào Nguyên Khánh, Trưởng bộ phận phát triển bền vững và truyền thông doanh nghiệp INSEE Việt Nam, thông tin, trước tình hình tiêu thụ nội địa khó khăn, năm 2023 được đánh giá có doanh số bán hàng thấp nhất trong nhiều năm hoạt động của công ty. Ước tính doanh số bán hàng giảm tới 35%.

Theo TS. Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng, Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, 11 tháng đầu năm 2023 so cùng kỳ năm 2022, sản xuất xi măng sụt giảm 12%, tiêu thụ trong nước giảm 16%. Lý giải nguyên nhân, ông Hiệp cho rằng do sự sụt giảm của thị trường bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực này gặp vướng, các dự án phải giảm, giãn tiến độ. Mặt khác, hoạt động xây dựng đầu tư công diễn ra chậm, thế nên nhu cầu xi măng sụt giảm.

“Năm 2010, Việt Nam lần đầu tiên tự cung cấp đủ clinker, xi măng phục vụ đủ nhu cầu xây dựng nội địa và bắt đầu dành một phần sản lượng xi măng, clinker để xuất khẩu, hình thành những nhà máy sản xuất xi măng quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, làm tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Đến năm 2021, năng lực sản xuất đạt 106,2 triệu tấn xi măng, năm 2023 năng lực thiết kế đạt 112,5 triệu tấn, thậm chí thực tế có thể sản xuất trên 125 triệu tấn. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước chỉ bằng một nửa khiến doanh nghiệp “lao đao”, ông Hiệp cho biết.

Theo chuyên gia, khi xây dựng quy hoạch xi măng, nếu việc tiêu thụ xi măng diễn ra đúng như dự báo hấp thụ của nền kinh tế thì không thừa, nhưng thực tế, tiêu thụ xi măng nội địa không được như kịch bản, chính vì thế, sinh ra hiện tượng cung vượt cầu.

“Thống kê gần đây cho biết, trong 12 doanh nghiệp xi măng niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2023, có 10 doanh nghiệp báo lỗ, 1 doanh nghiệp giảm lãi, chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng”, chuyên gia nhấn mạnh

SẢN XUẤT THEO HƯỚNG BỀN VỮNG, THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

TS.Nguyễn Quang Hiệp cho rằng để giúp ngành xi măng vượt qua khó khăn hiện nay, cần định hướng về mặt chính sách, nhằm giải quyết những vấn đề nội tại của ngành, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.

Cụ thể tiếp tục thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng, đặc biệt xây dựng kết cấu hạ tầng. Theo đó, các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn; thực hiện tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở; quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Xây dựng và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; về chính sách thuế, đề nghị Chính phủ tạm giữ thuế xuất khẩu clinker ở mức cũ 5% thêm 2 năm.

Đồng thời, ông Hiệp lưu ý các doanh nghiệp phải chủ động đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả năng lượng, tận dụng tối đa nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải, để tiết giảm chi phí sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đưa ra ý kiến, ông Đào Nguyên Khánh kiến nghị lãi suất dành cho việc xây sửa nhà, đầu tư bất động sản cần giảm xuống. Ngoài ra, mảng bán lẻ là mảng rất lớn trong việc tiêu thụ xi măng trong nước, nhưng hiện nay qua khảo sát thị trường TP.HCM và miền Nam thì thấy công trình nhỏ lẻ vẫn ít so trước đây. Điều đó minh chứng niềm tin của người dân và nhà đầu tư ở mức độ trung bình đã đi xuống. Vì vậy, kỳ vọng Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp hơn nữa nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản tăng lên.

Đồng quan điểm, nhưng ông Phạm Văn Đoàn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam, nhấn mạnh sản xuất xi măng phải theo hướng bền vững, thân thiện môi trường. Bởi giữa bối cảnh hiện nay, phát triển xi măng hướng đến thân thiện với môi trường, giảm thiểu việc khai thác tài nguyên khoáng sản không tái tạo và sử dụng vật liệu xanh bền vững, là giải pháp mang tính tối ưu, tạo sự cạnh tranh ở thị trường trong nước lẫn ngoài nước.

Theo ông Lương Đức Long, giai đoạn gần đây, một số nước trên thế giới đang phát triển mạnh các loại đường giao thông, trong đó có cầu cạn như tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan. Qua tính toán, hiện người ta sử dụng số km đường giao thông bằng cầu cạn, trên tổng số km đường giao thông nói chung càng ngày lớn, đặc biệt khi phương pháp cầu cạn mang lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật, đây xem như một tín hiệu tốt, có thể là đầu ra.

“Trước thực tế khó khăn, vướng mắc của ngành xi măng gặp phải, rất cần những giải pháp cụ thể, hữu hiệu, sự chung tay của các ngành để đưa ngành xi măng phát triển xanh, bền vững trong tương lai”, ông Long lưu ý.

Thanh Xuân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nganh-xi-mang-truoc-ap-luc-ca-dau-vao-lan-dau-ra.htm