Ngành Xây dựng sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược

Ngày 18/12, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Nguồn: Báo Hà Nội Mới)

Cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/05/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, năm 2021, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, trong năm, Bộ Xây dựng đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện - tương ứng với 16 điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng, đạt 34,3%.

Cùng đó, Bộ Xây dựng đã cắt giảm, đơn giản hóa 14 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Đồng thời, Bộ đã thực hiện phân cấp thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng thông qua điều chỉnh quy mô, phân cấp công trình xây dựng.

Nhằm mục tiêu giảm số lượng văn bản quy phạm pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực thi, tra cứu, áp dụng pháp luật và giảm chi phí soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Xây dựng đã thay thế, tích hợp 4 Thông tư hiện hành quy định các nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn thi công xây dựng vào cùng 1 Thông tư; đã thay thế, tích hợp 9 Thông tư hiện hành quy định các nội dung về quản lý chi phí đầu tư xây dựng vào 3 Thông tư.

Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ Xây dựng đã có tờ trình, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung 6 Nghị định để cắt giảm, đơn giản hóa 1 điều kiện đầu tư kinh doanh, 41 thủ tục hành chính theo hướng: tăng cường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm một số loại tài liệu, văn bản pháp lý mà có thể khai thác được từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực; tăng cường phân cấp, tạo chủ động cho địa phương; làm rõ, minh bạch hóa quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; tiếp tục cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng của Việt Nam; tổ chức khảo sát, nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí, thực hiện đánh giá, xếp hạng mức độ cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng.

Việc tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật đã được Bộ Xây dựng thực hiện với kết quả tích hợp, thay thế nhiều Nghị định, Thông tư...

Cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, Bộ Xây dựng đã chủ động đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ Xây dựng giai đoạn 2021-2025.

Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, ngành Xây dựng phải tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thể chế, chính sách; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tạo môi trường thuận lợi, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu coi trọng việc đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030; coi việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho nhân dân, trước hết là nhà ở cho người có công, người nghèo, công nhân trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là một trụ cột của chính sách an sinh xã hội...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, năm 2022 sẽ tiếp tục có thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành Xây dựng là rất lớn.

“Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Xây dựng tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa mới hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu coi trọng việc đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030. (Nguồn: Cafe F)

Để triển khai, thực hiện thắng lợi kế hoạch công tác năm 2022, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Bộ và các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc các địa phương cần;

Lấy quyết tâm mới, nỗ lực mới thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất đi đôi với siết chặt kỷ cương, kỷ luật công tác, đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, không được bảo thủ, trì trệ, tận tụy với công việc để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ công tác năm 2022 của ngành Xây dựng.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Lãnh đạo các đơn vị phải chăm lo, tạo điều kiện mọi mặt cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động cống hiến, tạo sự đồng thuận, đoàn kết nội bộ, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Quyết liệt, năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác của Bộ năm 2022. Theo đó, yêu cầu vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì dự thảo, sớm trình lãnh đạo Bộ phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ sắp ban hành về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với tinh thần cụ thể, bứt phá, định lượng được, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ thực hiện, hoàn thành trước 15/1/2022.

Trên cơ sở kế hoạch hành động của Bộ, các cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch hành động của mình, gửi về Bộ vào cuối tháng 1/2022.

Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, xử lý kịp thời các trì trệ, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nghiên cứu, hình thành các công cụ quản lý, cơ chế chính sách mới để nâng cao về hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực: Quy hoạch, kiến trúc; hoạt động xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở, bất động sản; vật liệu xây dựng; tái cơ cấu ngành và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp.

Người đứng đầu ngành Xây dựng nhấn mạnh yêu cầu tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương; Tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị. Đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, nhất là nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình; Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.

Vân Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nganh-xay-dung-se-tap-trung-thuc-hien-3-khau-dot-pha-chien-luoc-168538.html