Ngành Xây dựng: Nỗ lực phấn đấu, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước

Cách đây 65 năm, ngày 29/4/1958, Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) đã được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 8 và ngày 29/4/1958 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Xây dựng Việt Nam. Trong 65 năm qua, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Xây dựng đã liên tục, bền bỉ phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó, trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

Giai đoạn 1945 - 1975

Ngành Xây dựng đã tích cực tham gia xây dựng các công trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các vùng chiến khu, khu căn cứ và vùng tự do như trụ sở, nhà làm việc, hội trường, kho tàng, công xưởng, bệnh xá, trường học, khu phòng thủ và các công trình phục vụ sản xuất đầu tiên của chủ nghĩa xã hội và các công trình phục vụ dân sinh, khu đô thị.

Hội nghị thành lập Đoàn kiến trúc sư của Việt Nam được tổ chức tháng 4/1948. Đến tháng 4/1958, Bộ Kiến trúc được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ 8. Đây là một dấu mốc lịch sử, kể từ đây, ngành Xây dựng chính thức được hình thành, với tư cách là một ngành kinh tế quốc dân độc lập. Sau ngày thành lập Bộ, hàng loạt các Sở, Ty, công ty, xí nghiệp, công trường xây dựng được thành lập ở các địa phương và tập trung mở rộng, nâng cao năng lực quản lý và sản xuất. Đây là giai đoạn hình thành bước đầu các cơ chế quản lý về xây dựng.

Giai đoạn 1975 - 1985

Ngành Xây dựng tập trung toàn lực khôi phục kinh tế và xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, hoàn thành rất nhiều công trình lớn, phục vụ tích cực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt là Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, công trình ghi dấu của hơn 3 vạn cán bộ, công nhân viên xây dựng cùng hơn 800 chuyên gia Liên Xô ngày đêm lao động quả cảm, hy sinh để chinh phục thành công con sông Đà hung dữ, phục vụ cho phát triển đất nước. Giai đoạn này, Ngành đã tổ chức nghiên cứu, tập trung xây dựng cơ chế quản lý xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng một cách có hệ thống hơn.

Thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay

Quán triệt, thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, ngành Xây dựng đã có những chuyển biến, đổi mới cực kỳ quan trọng cả về nhận thức, tư duy và hành động, đạt được những kết quả rất nổi bật. Có thể khái quát là:

Một là, lực lượng lao động ngành Xây dựng được rèn luyện, thử thách, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng đất nước qua từng thời kỳ. Tính đến năm 2021, toàn Ngành đã có khoảng 120.000 doanh nghiệp xây dựng, với 4,6 triệu lao động (chiếm 8,8% lao động cả nước).

Bộ máy tổ chức của Ngành từ Bộ Xây dựng, các bộ xây dựng chuyên ngành, của chính quyền các cấp đã được củng cố kiện toàn, cơ bản ổn định từ Trung ương đến địa phương.

Nhiệm kỳ Chính phủ 2021 - 2025, theo Nghị định số 52/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng tiếp tục tinh gọn bộ máy, giảm 2 tổ chức hành chính so với nhiệm kỳ trước đây và chỉ còn 15 tổ chức hành chính (bao gồm 6 Cục, 7 Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ). Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, Bộ Xây dựng dự kiến tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại theo hướng: Chuyển 10/15 trường về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và 5 trường về địa phương - nơi có trụ sở trú đóng để quản lý (chỉ còn giữ lại các trường Đại học và Học viện). Chuyển 5/6 đơn vị sự nghiệp y tế về địa phương - nơi có trụ sở trú đóng để quản lý; riêng Bệnh viện Xây dựng sẽ chuyển nguyên trạng về thuộc Đại học Y Dược, Đại học quốc gia Hà Nội để quản lý; sáp nhập 2 Viện nghiên cứu khoa học để tinh gọn bộ máy. Như vậy, trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, Bộ Xây dựng chỉ còn quản lý 5 Viện nghiên cứu, 1 Học viện; 4 trường Đại học; 4 đơn vị thông tin, báo chí, xuất bản; 1 Ban quản lý dự án xây dựng chuyên ngành.

Hai là, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật liên quan ngành Xây dựng được coi trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới về tư duy, cơ bản đáp ứng được yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và thực tiễn của đất nước, trong từng giai đoạn phát triển.

Tính đến tháng 4/2023, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành Xây dựng có 182 văn bản quy phạm còn hiệu lực, trong đó có: 5 Luật, gồm Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS; Luật Kiến trúc và 1 Luật sửa đổi bổ sung là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020; 1 Nghị quyết của Quốc hội, 5 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 37 Nghị định, 94 Thông tư, 16 quy chuẩn.

Hiện tại, Bộ đang chủ trì xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Cả hai dự Luật đều đã được các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra và dự kiến báo cáo Quốc hội thông qua năm 2023 và 2024. Bộ cũng sẽ tiếp tục đề xuất xây dựng Luật về quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật Cấp thoát nước trong nhiệm kỳ 2021 - 2025. Ngoài ra, Bộ cũng đang trình Chính phủ xem xét phê duyệt Nghị định sửa các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó dự kiến sửa 10 Nghị định, cắt giảm, đơn giản hóa 39 thủ tục hành chính để tăng cường phân cấp, tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ba là, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước được nâng lên trên tất cả các lĩnh vực như: Quy hoạch - kiến trúc; hoạt động xây dựng; phát triển đô thị và hạ tầng; thị trường bất động sản và nhà ở; vật liệu xây dựng...

Bốn là, năng lực xây dựng có bước phát triển đột phá. Các lực lượng xây dựng Việt Nam đã từng bước nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ - kỹ thuật. Đến thời điểm hiện tại, ngành Xây dựng Việt Nam đủ khả năng quản lý, thiết kế, thi công xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực dân dụng, công nghiệp, hạ tầng với quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật rất cao.

Năm là, quan hệ đối ngoại của Ngành ngày càng được mở rộng, đóng góp tích cực vào hội nhập quốc tế của đất nước.

Đạt được thành tựu trên, ngành Xây dựng bày tỏ lòng biết ơn to lớn đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, cộng tác, giúp đỡ thường xuyên, chặt chẽ, có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ban ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương; sự ủng hộ, sẻ chia khó khăn của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân ở các địa phương, đặc biệt là công ơn các anh hùng, liệt sỹ, thương binh của Ngành đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu trên các chiến trường, các công trường xây dựng vì độc lập tự do, phồn vinh của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Nhân gặp mặt 65 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng xin được gửi lời cảm ơn, tri ân sâu sắc tới các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Ngành qua các thời kỳ, đã vượt qua bao gian lao, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vun đắp lên truyền thống vẻ vang của Ngành.

Tự hào với chặng đường 65 năm xây dựng và trưởng thành, tự hào về truyền thống và những thành quả các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Xây dựng đã gây dựng, cống hiến với tất cả nhiệt huyết, tinh thần quyết tâm, chủ động, sáng tạo, trí tuệ và cả mất mát, hy sinh, ngành Xây dựng Việt Nam sẽ tiếp tục bền bỉ, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi thách thức khó khăn, đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong thời gian tới, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Nguyễn Thanh Nghị
Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nganh-xay-dung-no-luc-phan-dau-dong-gop-vao-su-nghiep-xay-dung-dat-nuoc-353420.html