Ngành Xây dựng: Kiến tạo đất nước giàu đẹp

Trải qua 66 năm hình thành và phát triển (1958 - 2024), ngành Xây dựng Việt Nam đã từng bước trưởng thành, đạt được nhiều thành tựu to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và kiến tạo đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Bước đầu hình thành bộ máy quản lý ngành Xây dựng

Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngành Xây dựng vinh dự đảm nhận nhiệm vụ “Xây dựng kiến thiết đất nước bảo vệ chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Dù trong hoàn cảnh đất nước kháng chiến, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất quan tâm đến công cuộc kiến thiết đất nước và chỉ thị trong hoàn cảnh nào cũng phải tập hợp anh em kiến trúc sư, tổ chức thành một đoàn thể để đóng góp cho kháng chiến, đồng thời chuẩn bị cho công cuộc kiến thiết nước nhà sau khi kháng chiến thắng lợi.

Tháng 4/1948, Hội nghị Kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam đã được tổ chức tại làng Thản Sơn, xã Liên Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc).

Đến tháng 4/1958, Bộ Kiến trúc được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ 8. Kể từ đây, ngành Xây dựng từng bước phát triển với tư cách là một chuyên ngành kinh tế quốc dân độc lập, có chức năng quản lý ngành Xây dựng công nghiệp - dân dụng.

Sau khi thành lập, Bộ đã chỉ đạo và quản lý thống nhất mọi hoạt động thi công xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng và dần dần tiến bộ hơn về mặt quản lý nhà nước thông qua việc biên soạn, phối hợp với các Bộ khác biên soạn và ban hành các tiêu chuẩn, quy phạm, thông tư, quy định áp dụng cho toàn Ngành.

Đây là những văn bản pháp quy Nhà nước ra đời sớm nhất để làm cơ sở cho các hoạt động quản lý xây dựng nói chung và quản lý thi công xây lắp cũng như sản xuất vật liệu xây dựng nói riêng trên phạm vi một nửa đất nước.

Đến năm 1973, Hội đồng Nhà nước quyết định sáp nhập Bộ Kiến trúc và Ủy ban kiến thiết cơ bản nhà nước thành Bộ Xây dựng. Từ đó, Bộ Xây dựng ra đời với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kiến trúc và Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước nên đã đồng bộ và hoàn chỉnh hơn: “Vừa chỉ đạo điều hành sản xuất kinh doanh, vừa quản lý nhà nước về xây dựng cơ bản”.

Khôi phục kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước

Sau hơn 2 năm thành lập Bộ Xây dựng, Hội đồng Chính phủ đã ban hành “Điều lệ về Tổ chức và hoạt động của Bộ Xây dựng”, trong đó ghi rõ: Bộ Xây dựng là cơ quan Trung ương của Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước toàn ngành Xây dựng và ngành Vật liệu Xây dựng trong phạm vi cả nước, góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân và củng cố quốc phòng.

Trong những năm tiếp theo, Bộ đã nghiên cứu trình Quốc hội và Hội đồng Chính phủ ban hành các văn bản pháp quy cần thiết cho ngành Xây dựng và Vật liệu xây dựng.

Mặt khác, Bộ Xây dựng cũng đẩy mạnh công tác kiện toàn cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức sản xuất kinh doanh trực thuộc. Đến thời điểm này, bộ máy của Ngành, từ Bộ đến các Sở, Ty địa phương và các tổ chức sản xuất kinh doanh, các tổ chức nghiên cứu, thiết kế… đã hoạt động tương đối ổn định, hòa nhập và bổ sung hỗ trợ lẫn nhau, tạo thành sức mạnh mới cho toàn Ngành.

Sau thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước được thống nhất và chuyển sang giai đoạn mới - cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngành Xây dựng đã nhanh chóng sắp xếp tổ chức, triển khai xây dựng hàng loạt công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Trị An, Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Apatit Lào Cai... tạo động lực cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ này và những năm tiếp theo.

Tăng cường hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Bước vào thời kỳ đổi mới khi tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến đổi phức tạp, mang đến cả thời cơ lẫn thách thức, ngành Xây dựng Việt Nam đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về tư tưởng, nhận thức và hành động để góp sức vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Trong khoảng thời gian này, ngành Xây dựng đã đạt được một số thành tựu nổi bật trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế.

Thứ nhất, Bộ Xây dựng luôn coi trọng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, hình thành hệ thống pháp luật phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng, cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Mới nhất, Bộ Xây dựng đã hoàn thành việc xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 11/2023.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng các Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật Cấp, thoát nước, đồng thời trình Chính phủ xem xét phê duyệt Nghị định sửa các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Thứ hai, lực lượng lao động trong ngành Xây dựng ngày càng được rèn luyện, thử thách, tăng cường cả về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng đất nước qua từng thời kỳ.

Tính đến năm 2021, toàn ngành Xây dựng có khoảng 4,6 triệu người lao động (chiếm 8,8% lao động cả nước). Bộ máy tổ chức của Ngành từ Trung ương đến các địa phương thường xuyên được củng cố, kiện toàn.

Thực hiện Nghị định số 52/2022/NĐCP ngày 08/8/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Xây dựng, bộ máy tổ chức của Bộ tiếp tục được tinh gọn, giảm xuống còn 15 đơn vị hành chính và 4 đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm: 6 Cục, 7 Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Báo Xây dựng, Tạp chí Xây dựng và Trung tâm Thông tin.

Thứ ba, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước được nâng lên trên tất cả các lĩnh vực như Quy hoạch - kiến trúc; phát triển đô thị, nhà ở và thị trường BĐS và nhà ở; vật liệu xây dựng...

Từ năm 2011 đến nay, 2 đồ án quy hoạch lớn là điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Xây dựng đã tổ chức công bố và chỉ đạo thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Kế hoạch của Bộ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong lĩnh vực nhà ở, Bộ Xây dựng đã có nhiều hành động để thúc đẩy việc thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Thứ tư, năng lực xây dựng đã có bước phát triển đột phá. Các DN xây dựng tích cực đầu tư đổi mới trang thiết bị thi công, áp dụng nhiều công nghệ mới, tiên tiến, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thi công của Ngành và sức cạnh tranh của DN, rút ngắn khoảng cách giữa công nghệ xây dựng của Việt Nam và thế giới.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, một trong những công trình tiêu biểu

Những công trình tiêu biểu được thực hiện trong thời gian này có thể kể đến như Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Lai Châu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, cầu Nhật Tân, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Nhà Quốc hội...

Thứ năm, Bộ Xây dựng luôn quan tâm mở rộng quan hệ đối ngoại của Ngành, tăng cường trao đổi, hợp tác và tiếp thu nhiều kinh nghiệm quản lý nhà nước, mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư cho các DN xây dựng Việt Nam với các đối tác nước ngoài, vận động tài trợ cho các dự án liên quan đến các lĩnh vực của Ngành.

Dịch Phong

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nganh-xay-dung-kien-tao-dat-nuoc-giau-dep-374208.html