Ngành Tâm lý học của Trường Đại học Mở TP.HCM có nhiều định hướng đào tạo mới

Với định hướng mới trong chương trình đào tạo so với các đơn vị khác, ngành Tâm lý học đang là một trong những ngành học hot của Trường ĐH Mở TP.HCM.

Đứng trước thực tế khi xã hội ngày càng hiện đại và phát triển mạnh mẽ đã kéo theo nhiều áp lực, vô tình tác động đến tâm lý, cảm xúc của con người. Đặc biệt là khi mục tiêu thúc đẩy kinh tế ngày càng được chú trọng, tất yếu người lao động tại các doanh nghiệp, tổ chức cũng phải chịu sức ép tương đối lớn về công việc, gây ảnh hưởng đến tâm lý.

Nắm bắt nhu cầu ấy, từ năm 2023, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã mở tuyển sinh và đào tạo ngành Tâm lý học. Theo lãnh đạo khoa và giảng viên đào tạo của nhà trường, ngành học này đã thu hút được đông đảo thí sinh quan tâm, đăng ký tham gia học.

Định hướng đào tạo mới lạ, phù hợp với nhu cầu của xã hội trong tương lai

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sỹ Lâm Thị Ánh Quyên – Phó trưởng khoa Xã hội học – Công tác xã hội – Đông Nam Á (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, ngành Tâm lý học được nhà trường bắt đầu tuyển sinh từ năm 2023. Mặc dù mới mở nhưng năm vừa qua ngành đã nhận được số lượng thí sinh quan tâm đăng ký rất đông. Cô Quyên thông tin, năm 2023, khoa chỉ được tuyển sinh 40 chỉ tiêu nhưng có đến gần 2000 thí sinh đăng ký.

Theo cô Quyên, lý do giúp công tác tuyển sinh ngành Tâm lý học được thuận lợi như vậy cũng một phần nhờ vào uy tín, danh tiếng về chất lượng đào tạo của nhà trường.

Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong việc đào tạo khối ngành khoa học xã hội, đồng thời cũng là đơn vị đầu tiên ở phía Nam đào tạo các ngành Xã hội học, Công tác xã hội và Đông Nam Á học. Ngoài ra, việc số lượng thí sinh đăng ký vào ngành đông cũng bắt nguồn từ niềm yêu thích, nhu cầu của xã hội ngày càng gia tăng đối với lĩnh vực này.

Có thể thấy, trên thế giới, từ lâu, Tâm lý học đã là ngành học và nghề có sức hút rất lớn bởi nó đi sâu vào nghiên cứu con người, giúp đỡ những cá nhân vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống đã gây ảnh hưởng đến tâm lý.

Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi tư vấn tuyển sinh (Ảnh: Website nhà trường).

Cô Quyên bày tỏ, ở khu vực phía Nam đã có gần 20 trường đào tạo ngành Tâm lý học, chính vì vậy, khoa và nhà trường đã đưa ra định hướng đào tạo mới là Tâm lý học quản trị nhân sự và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lao động nhằm thu hút người học và mở rộng cơ hội việc làm cho các em, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong tương lai. Đặc biệt là trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, hiện đại như hiện nay nhưng chúng ta lại chưa quan tâm đến nhu cầu về tham vấn tâm lý cho người lao động.

Trong khi đó, sức ép về công việc tại các nơi sử dụng lao động đang ngày càng gia tăng, do vậy, muốn nâng cao chất lượng công việc tất yếu cũng đòi hỏi phải có bộ phận nhân lực về Tâm lý học trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn càng cần có nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng về tâm lý học này lớn hơn cả.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long - giảng viên ngành Tâm lý học, Khoa Xã hội học – Công tác xã hội – Đông Nam Á (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trước khi mở ngành Tâm lý học, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát mức độ cần thiết của lĩnh vực này cũng như đưa ra hướng đi đặc thù của ngành.

Cụ thể, trường đã đặt ra định hướng đào tạo ngành Tâm lý học tại trường là Tâm lý học tổ chức, Tâm lý học quản trị nhân sự và chăm sóc sức khỏe tâm thần qua việc tiến hành khảo sát các doanh nghiệp có sử dụng nhân lực liên quan đến tâm lý học.

Kết quả từ các cuộc khảo sát cho thấy, có nhiều lý do để nhiều nhà lãnh đạo, quản lý ở các doanh nghiệp, tổ chức cho rằng nên đào tạo ngành Tâm lý học dù thực tế đã và đang có nhiều trường đào tạo ngành học này. Đặc biệt là nên mở rộng các hình thức đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Một số lý do được các nhà tuyển dụng đưa ra như dễ có việc làm do xã hội ngày nay cần có nhiều nhà tâm lý có chuyên môn; lĩnh vực nghề nghiệp có hướng đi mở và rộng khi có thể làm được nhiều vị trí việc làm, ….

Số đông những người được tham gia khảo sát cũng cho rằng, ở Việt Nam hiện nay hầu như các doanh nghiệp, tập đoàn hay đến các tổ chức thuộc nhà nước vẫn chưa quan tâm nhiều đến vị trí việc làm này nhưng trong tương lai đây sẽ là công việc rất cần thiết do sự phát triển về kinh tế, số hóa, … Do đó, con người sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái tâm lý cần có sự trợ giúp để vượt qua.

Kết quả nghiên cứu này cũng có sự trùng khớp với thống kê nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học xã hội của các đơn vị liên quan đến dự báo nguồn nhân lực. Như vậy, việc Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh mở ngành Tâm lý học là hoàn toàn phù hợp với xu thế nên đầu ra việc làm cho sinh viên học ngành Tâm lý học cũng sẽ không quá khó; cơ hội việc làm cho sinh viên ngành này cũng sẽ rộng mở và dễ dàng hơn trong vài năm tới.

Hơn nữa, Việt Nam là nước đang phát triển và có xu hướng hội nhập rất nhanh, do đó, với lĩnh vực nghiên cứu về con người, tâm lý – hành vi như Tâm lý học tất yếu cũng phát triển mạnh mẽ nhằm đưa ra những biện pháp phát triển con người toàn diện; đây cũng chính là lĩnh vực hoạt động của những nhà tâm lý tương lai, …

Vậy nên, sau khi tốt nghiệp ngành Tâm lý học, tùy thuộc vào sự lựa chọn định hướng trong quá trình học tập của bản thân, các em sẽ có cơ hội nghiệp rất đa dạng.

Theo đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Tâm lý học của trường có thể trở thành nhà tâm lý, nhà tham vấn, nhà trị liệu, giảng viên, nhà nghiên cứu tâm lý – giáo dục, chuyên gia truyền thông xã hội, chuyên gia đào tạo, chuyên gia nhân sự, chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần, cán bộ trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, …

Ngoài ra, các em còn có thể làm việc tại các bộ phận quản trị nhân sự ở các tổ chức, doanh nghiệp. Bởi, so với ngành học Quản trị nhân sự, sinh viên ngành Tâm lý học của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh còn có lợi thế là ngoài việc được học các kiến thức về quản trị, các em còn được cung cấp kiến thức liên quan đến nghiên cứu về con người, hiểu hơn về tâm lý con người cũng như nghiên cứu chính sách.

Thầy Long cũng đưa ra một số lời khuyên dành cho các bạn thí sinh đang có niềm đam mê và mong muốn theo đuổi ngành học này.

Theo thầy Long, Tâm lý học là một lĩnh vực khoa học, một ngành học đã được hình thành và phát triển từ lâu trên thế giới bởi đặc trưng nổi bật vừa mang tính khoa học nhưng lại vừa mang tính thực tiễn của nó.

Không những vậy, đây cũng là ngành khoa học nghiên cứu tinh thần, hành vi, tư tưởng con người; nghiên cứu việc xử lý thông tin cũng như biểu hiện hành vi của con người (cảm xúc, ý chí, suy nghĩ, hành động); làm rõ bản chất thật sự bên trong của con người và các mối quan hệ của chúng bằng cách đi sâu vào từng vấn đề của đời sống xoay quanh chủ thể là con người và những gì xung quanh từ văn hóa, y học, giáo dục, đến kinh tế, chính trị…

Qua đó để hiểu hơn về chính mình, hiểu hơn về những người xung quanh để có thể tự giúp mình, giúp người, giúp cộng đồng, giúp xã hội và giúp cho cuộc sống này trở nên tử tế và tốt đẹp hơn.

Vậy nên, nếu muốn theo đuổi ngành Tâm lý học, trước hết, các em phải có niềm yêu thích được làm việc với con người dù đi theo định hướng nghiên cứu hay thực hành. Ngành học này cũng sẽ phù hợp với những bạn ưa thích các hoạt động xã hội, các hoạt động mang tính tương tác cao.

Ngoài ra, lĩnh vực Tâm lý học cũng đòi hỏi những người học tập, làm việc theo ngành này phải có tố chất ưa thích khám phá thế giới xung quanh, nghiên cứu thế giới nội tâm của con người, … Bởi, nhờ việc khám phá này, chúng ta sẽ có nhiều kinh nghiệm sống, kỹ năng sống và đây chính là yêu cầu cơ bản để trở thành một nhà tâm lý thành công.

Có thể thấy, lĩnh vực tâm lý rất đặc biệt vì nó yêu cầu song song giữa lý thuyết và thực hành, …, vậy nên, cần phải có trải nghiệm nếu sinh viên muốn thành công ở lĩnh vực này này sau khi tốt nghiệp ra trường đi làm.

Hơn nữa, Tâm lý học cũng yêu cầu người học và làm cần phải có năng lực giao tiếp, năng lực tiếp cận người khác và thiết lập các mối quan hệ xã hội để tăng vốn sống, truyền tải được những thông điệp hiệu quả, dễ dàng sắp xếp vấn đề và linh hoạt khi đối diện, giải quyết vấn đề, …

Bên cạnh các yếu tố kể trên, để trở thành một nhà Tâm lý học cũng đòi hỏi các em cần có tính cởi mở, kiên nhẫn và chịu được áp lực cao trong công việc, có khả năng nhìn nhận và phát hiện vấn đề,...

Đội ngũ giảng viên có nhiều thế mạnh phù hợp với định hướng đào tạo

Về công tác đào tạo, theo thầy Long, ngành Tâm lý học tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng theo hướng vừa bám sát theo định hướng đào tạo ngành Tâm lý học nói chung vừa mang hơi thở của nhịp sống hiện đại. Đó là sự giao thoa giữa văn hóa, con người Việt Nam và thế giới, đó là nghiên cứu, phát hiện những vấn đề của tâm lý học hiện đại để đáp ứng yêu cầu của Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thời kỳ chuyển đổi số.

Do vậy, chương trình đào tạo ngành Tâm lý học của nhà trường luôn cố gắng đảm bảo tốt nhất có thể nền tảng kiến thức về khoa học tâm lý; mở rộng thêm vốn tri thức về cuộc sống của xã hội hiện đại và cập nhật đầy đủ nhất về những vấn đề đang xảy ra trên thế giới đã và đang làm thay đổi con người để kịp thời thấu hiểu, trợ giúp, xây dựng chiến lược ứng phó kịp thời.

Sinh viên Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Website nhà trường).

Bên cạnh đó, ngành học còn có thế mạnh với đội ngũ giảng viên, nhà khoa học giàu kinh nghiệm, kỹ năng và năng lực chuyên môn để đào tạo được ra những đội ngũ chuyên gia tâm lý có đầy đủ kiến thức, kỹ năng phục vụ cho con người, cho công việc và cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trong tương lai.

Cụ thể, hiện nay ngành Tâm lý học của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh có 02 phó giáo sư, 03 tiến sĩ, 02 nghiên cứu sinh và 01 thạc sĩ; các giảng viên ngành Tâm lý học đã và đang chủ trì, tham gia các đề tài khoa học cấp Nhà nước, Bộ, Cơ sở, quốc tế nên có kinh nghiệm nhất định trong việc thực hiện công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học tâm lý một cách hiệu quả.

Ngoài tham gia công tác nghiên cứu, giảng dạy, các giảng viên cũng làm các công việc khác của lĩnh vực Tâm lý học có liên quan mật thiết đến định hướng giảng dạy, nghiên cứu của nhà trường, tạo điều kiện phát triển về cả lý thuyết và thực tiễn cho người học.

Với đội ngũ giảng viên là những nhà tâm lý học vừa có trình độ, vừa có tri thức lý luận và vừa có kinh nghiệm thực tiễn trong đào tạo, huấn luyện, tham vấn như vậy đã mang đến một không gian học thuật thú vị, hữu ích.

Chính vì vậy, mặc dù ngành Tâm lý học tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh mới mở tuyển sinh và đào tạo tại trường nhưng với nhiều điểm nổi trội đã thu hút được nhiều thí sinh đăng ký, quan tâm.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh còn là đơn vị có bề dày và kinh nghiệm trong công tác đào tạo theo hướng mở và ứng dụng công nghệ. Đây là điều kiện quan trọng để lĩnh vực Tâm lý học có cơ hội tiếp cận các nguồn thông tin, dữ liệu chuyên ngành của các nước có ngành Tâm lý học đã và đang phát triển.

Mặt khác, trường còn có một hệ sinh thái với hàng ngàn doanh nghiệp tham gia ký kết hàng năm, điều này giúp cho sinh viên toàn trường nói chung và sinh viên ngành Tâm lý học nói riêng thuận lợi hơn trong việc đi thực hành, thực tập và cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Theo chia sẻ từ em Đỗ Đăng Khoa – sinh viên khóa 1 (2023-2027) ngành Tâm lý học, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc em lựa chọn ngành học này ban đầu chỉ đơn thuần là vì yêu thích.

Tuy nhiên, trong quá trình học tập, sự yêu thích đơn thuần ấy đã chuyển hóa thành đam mê, như “cá gặp nước bởi môi trường học tiện nghi, giảng viên tận tình, chương trình học sáng tạo, sinh viên tha hồ được vẫy vùng, phát triển khả năng của mình ở mức tốt nhất có thể. Vậy nên, dù cơ sở mới ở vị trí khá xa trung tâm thành phố khiến việc đi lại có nhiều bất cập nhưng các thầy cô và sinh viên vẫn chăm chỉ cố gắng từng ngày.

Còn theo em Nguyễn Phước – Thủ khoa đầu vào khóa 1 (2023-2027), lúc đầu, em dự định lựa chọn một trường đại học khác cũng đào tạo ngành Tâm lý học, thế nhưng, sau khi nghiên cứu, em nhận thấy môi trường ở Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp hơn với hướng suy nghĩ của mình.

“Em thường thích tìm hiểu về ngành nghề và năng lực con người, … , chính vì vậy, nếu theo đuổi lĩnh vực Tâm lý học theo hướng Tâm lý học quản trị nhân sự như hướng đào tạo của trường đã tạo cho em sự hứng thú hơn cả. Vậy nên, dù mới học một số ít môn chuyên ngành nhưng em đã cảm nhận được môi trường học tập tập ở đây rất thú vị với hướng đào tạo ngành học mới lạ, …”, Phước nói.

Khánh An

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nganh-tam-ly-hoc-cua-truong-dai-hoc-mo-tphcm-co-nhieu-dinh-huong-dao-tao-moi-post242056.gd