Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt 3 'biến'

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước các vấn đề là Biến đổi khí hậu, Biến động thị trường và Biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới.

“3 biến” của ngành nông nghiệp

Tiếp tục phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chiều 7/6, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đã nhấn nút tranh luận sau khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nói: “Đối với những câu hỏi “khi nào? bao giờ?...” thì thật khó để đưa ra một câu trả lời, do yếu tố thị trường biến động cho nên không xác định được kết quả”.

Đại biểu Mai tranh luận rằng, đúng là thị trường là yếu tố khó xác định những biến động nhưng thực tế có những quy luật thị trường. Đó là quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị và sự quản lý nhà nước trong kinh tế thị trường có 4 vai trò căn bản, gồm kiến tạo, xây dựng, định hướng và dự báo thị trường.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) tranh luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) tranh luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (Ảnh: Quốc hội)

“Như vậy, chúng tôi nghĩ rằng, không thể nói là chúng ta khó xác định được kết quả và hiện nay trên thực tế xác định kết quả đầu ra là một quy luật tiên tiến và thông lệ quốc tế cũng đang áp dụng”, bà Mai nói.

Cũng theo đại biểu đoàn Hà Nội, Bộ trưởng có nói là có những vấn đề mà liên quan đến yếu tố liên ngành cũng rất khó xác định. Đại biểu đồng ý rằng có từng bộ, ngành nhưng Chính phủ là nhất thể và bộ máy điều hành đó là thống nhất: “Vì vậy, tôi cũng mong rằng, đối với những câu hỏi liên quan đến khi nào, bao giờ thì các đại biểu cần có được câu trả lời. Bởi vì đó không chỉ đơn thuần là câu trả lời mà còn là hy vọng và chúng ta cũng không nên để hy vọng của người dân trở thành vô vọng khi không có câu trả lời”.

Trả lời tranh luận của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo trong những hoàn cảnh khó khăn thì vẫn phải tìm ra một hướng đi cho riêng mình về chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng như chủ động thích ứng với sự thay đổi.

“Hiện nay, nền Nông nghiệp đang đứng trước “3 biến”: Biến đổi khí hậu nhưng chúng ta không thể làm chủ được mà chỉ thích ứng được phần nào; Biến động thị trường thì chúng ta phải đưa ra tình huống để thích ứng và giải quyết; Biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới theo xu hướng người dân không chỉ ăn no mà còn tiêu dùng xanh, sạch, đủ chất dinh dưỡng, không bị tác động của biến đổi khí hậu và môi trường. Vì vậy, cần nâng cao năng lực của doanh nghiệp, người sản xuất, thậm chí là nâng cao năng lực quản lý của Bộ chuyên ngành, cơ quan”, ông Lê Minh Hoan nói.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng giải trình thêm một số vấn đề các ĐBQH quan tâm. Ông Diên cho rằng, từ một nền nông nghiệp truyền thống chuyển sang tư duy nông nghiệp hàng hóa và chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp đòi hỏi nỗ lực lớn. Mặc dù thời gian qua đã có những cố gắng nhưng chưa thấm tháp gì khi mà sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng chưa đạt yêu cầu thị trường.

“Nông sản nước ta hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa và hoàn toàn có thể bán ra thị trường thế giới. Đồng thời khẳng định Việt Nam bây giờ là thành viên của 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ nên thị trường rất rộng mở. Hơn nữa, thời gian qua, sản phẩm nông sản Việt Nam đã vào được thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước phát triển. Điều đó chứng tỏ những sản phẩm đi được là những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

Với những khó khăn khi đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao, như giá phân bón, xăng dầu... Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nhiều chính sách hỗ trợ đã được đưa ra, như giảm thuế, giảm lãi suất, tiền điện, hỗ trợ tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế; tăng kiểm tra kiểm soát thị trường, xuất nhập khẩu...

Trước những khó khăn này, Bộ trưởng Công Thương nói sẽ tham mưu Chính phủ, cấp có thẩm quyền nghiên cứu giảm tiếp thuế nếu giá xăng dầu, đầu vào tiếp tục tăng cao hoặc tính tới dùng các công cụ, chính sách, quỹ an sinh để hỗ trợ người dân, người thu nhập thấp.

“Chúng ta không hỗ trợ giá mà hỗ trợ an sinh để người dân nói chung, để ngư dân vươn khơi bám biển bớt khó khăn”, ông Diên nói.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: Quốc hội)

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: Quốc hội)

Hướng tới sản xuất nông nghiệp tuần hoàn

Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp lớn có liên quan đến chuyển đổi lực lượng sản xuất, an ninh, chính trị, công ăn việc làm của nông dân. Theo đó, thời gian tới, Bộ sẽ có giải pháp về tập trung đất để các doanh nghiệp liên kết với nông dân, làm sao để nông dân ly nông nhưng không ly hương. Bộ cũng đang tính toán quy hoạch đất nông nghiệp công nghệ cao trong quỹ đất nông nghiệp. Cả nước có 4.7000 ha quy hoạch đất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chưa được quan tâm nhiều.

Về suy thoái đất, ông Hà phân tích có nhiều nguyên nhân, trước tiên do đa số nông dân lựa chọn mô hình canh tác không đúng đắn, thâm canh, dùng phân vô cơ. Lý do khác là biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nhiễm phèn, khô hạn, ngập lụt...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: Quốc hội)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: Quốc hội)

“Xu hướng của sản xuất nông nghiệp sắp tới là kinh tế tuần hoàn, sản phẩm sinh thái, nông nghiệp hữu cơ... Nhiều địa phương ở ĐBSCL đang ứng dụng tốt các mô hình này. Như việc trồng dừa ở Bến Tre, tất cả sản phẩm của quả dừa đều dùng được, không phải bỏ. Để phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao và thích ứng biến đổi khí hậu thì phải có đa mục tiêu, tức là kinh tế xanh, phục hồi rừng...”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Điều hành nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp, việc giải quyết vấn đề “thực phẩm bẩn” đã có tiến bộ rất nhiều. Trước đây người dân, đại biểu Quốc hội cũng nói nhiều đến tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, bây giờ vấn đề này ít được nói đến hơn.

Điều đó chứng tỏ đã có thay đổi tư duy người sản xuất và tiến bộ hơn trong vấn đề quản lý, điều hành nền sản xuất sạch. Qua đó, chúng ta có thể tổng kết, rút ra được những bài học kinh nghiệm, nhất là vấn đề quản lý Nhà nước để làm được tốt hơn./.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nganh-nong-nghiep-viet-nam-dang-doi-mat-3-bien-post948898.vov