Ngành Nông nghiệp tỉnh thăm đồng đầu năm

Sáng 13/02 (mùng 4 Tết Giáp Thìn), Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Hồ Thị Ngọc Lan làm Trưởng đoàn công tác đến thăm đồng tại huyện Mộc Hóa và Thạnh Hóa.

Thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh trên các trà lúa giai đoạn đòng trổ tại huyện Mộc Hóa

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích lúa gieo cấy năm 2024 đến ngày 07/02/2024 ước đạt 264.154ha, đạt 52,6% so với kế hoạch, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2023, đã thu hoạch 58.634ha, năng suất (khô) bình quân ước 56 tạ/ha, sản lượng 328.081 tấn, đạt 11,3% so với kế hoạch (2,9 triệu tấn), bằng 84% so cùng kỳ.

Trong đó, lúa Đông Xuân 2023-2024 đã gieo sạ 238.775ha, bằng 107% so kế hoạch, bằng 106% so cùng kỳ năm 2023; đã thu hoạch 57.414ha, năng suất ước đạt 56,12 tạ/ha, sản lượng 322.193 tấn.

Tại huyện Mộc Hóa, toàn huyện đã gieo sạ 20.870ha, các trà lúa chủ yếu giai đoạn đòng trổ. Còn tại huyện Thạnh Hóa, diện tích lúa Đông Xuân 2023-2024 của huyện là trên 19.000ha, các trà lúa chủ yếu giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng.

Một số loại sâu bệnh xuất hiện trên các trà lúa giai đoạn làm đòng nhưng tỷ lệ nhiễm thấp, không ảnh hưởng đến năng suất lúa

Qua kết quả thăm đồng cho thấy một số sinh vật gây hại nổi bật trên lúa Đông xuân 2023-2024 như: sâu năn; rầy nâu, đạo ôn lá. Ngoài ra, còn có các sinh vật gây hại khác như: rầy phấn trắng, chuột, bọ trĩ, ốc bươu vàng, bệnh vàng lá chín sớm, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đen lép hạt,…xuất hiện trên các trà lúa giai đoạn mạ, đẻ nhánh, đòng trổ với diện tích nhiễm và tỷ lệ nhiễm ở mức nhẹ.

Đối với các cây trồng khác như thanh long, chanh, rau màu,… sâu bệnh hại có phát sinh nhưng ở mức thấp.

Nhiều diện tích lúa Đông Xuân 2023-2024 chuẩn bị thu hoạch sau tết

Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân lưu ý rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, sâu năn, rầy nâu, chuột,... có khả năng gia tăng diện tích nhiễm trên lúa Đông Xuân 2023-2024 giai đoạn đẻ nhánh. Bệnh cháy bìa lá, sâu năn, rầy nâu, chuột, bệnh đạo ôn cổ bông,... có khả năng gia tăng diện tích nhiễm trên lúa Đông Xuân 2023-2024 giai đoạn đòng trổ, trổ chín. Nông dân cần tập trung theo dõi, phát hiện và chỉ đạo phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương thường xuyên thông tin, tuyên truyền trên báo, đài phát thanh và truyền hình, loa phát thanh địa phương về diễn biến sinh vật gây hại để nông dân biết và chủ động ứng phó kịp thời. Tuyên truyền nông dân quản lý dịch hại theo IPM, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng để đạt hiệu quả tốt nhất.

Ngoài ra, các huyện phía Nam cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp./.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nganh-nong-nghiep-tinh-tham-dong-dau-nam-a171266.html